Ngày Tết 'ăn đụng' mới vui

Cách nay chừng ba thập kỉ trở về trước, tập tục 'đụng lợn' ăn tết ở các vùng quê, nhất là các vùng nông thôn miền Trung, các địa phương miền Bắc diễn ra khá phổ biến.

Khi đó, do mặt bằng kinh tế chung của xã hội còn eo hẹp, khó khăn, nên các gia đình tại thôn quê khi thường nhóm họp mổ chung với nhau một con lợn để có thực phẩm ăn tết. Việc chung nhau ăn tết bằng một con lợn như vậy nên mới có khái niệm “đụng lợn” mới xuất hiện.

Tục “đụng lợn” mai một trong khoảng vài chục năm lại nay, khi điều kiện sống khá giả dần lên, kinh tế thị trường phát triển, mọi gia đình khi Tết đến chỉ cần ra chợ mua bao nhiêu cũng được đáp ứng. Chính vì thế mà ít ai phải lo tới thịt thà cũng như các loại thực phẩm khác để ăn Tết. Thế nhưng, khoảng chục năm trở lại đây, tục “đụng lợn” đang có xu hướng quay trở lại khi Tết đến xuân về. Trong lúc mà nguồn thực phẩm nói chung, cũng như thịt lợn nói riêng có thể bị “ô nhiễm” đến mức báo động trong quá trình chăn nuôi, thức ăn, quy trình giết mổ..., thì nhiều người dân quê lại thích ăn Tết bằng thịt lợn ngon, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như những ngày xưa.

Hồi sinh một trào lưu

Khoảng vài năm trở gần đây, khu vực làng quê nơi gia đình tôi sinh sống, có tới 80% số hộ gia đình “ăn đụng” lợn ngày Tết. Do lo ngại thịt lợn thời nay thường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, khi chúng có thể được nuôi bằng chất tạo nạc, tăng trọng, cùng một số hóa chất khác..., Do đó, các hộ nông dân trong xóm thường hẹn nhau nuôi lợn từ hồi giữa năm để Tết đến “ăn đụng”. Năm nào mẹ tôi cũng nuôi một con lợn khoảng vài chục ký để ăn Tết. Có năm bận rộn, không chuẩn bị nuôi lợn được thì mẹ lại dặn một nhà hàng xóm nào đó để có phần “đụng”. Thịt có thể mang làm món nướng, quay, nem cuốn, hay mang giã nhuyễn bó giò lụa. Xương ninh nấu làm món nước dùng nấu canh măng, canh miến, canh bóng... Lợn được nuôi bằng rau, cám ngô, cám gạo nên thịt chắc, không nhão, có vị thơm ngon.

Một bà hàng xóm nhà tôi kể, hơn chục năm nay gia đình bà đã quay lại với tục “đụng lợn” ăn Tết, bởi bà không yên tâm với thịt lợn bày bán ngoài thị trường. Bà cho rằng, thịt lợn nuôi ngoài thị trường ăn không chỉ nhão mà mùi hôi, khi chế biến những miếng thịt chảy ra rất nhiều nước, chứ không khô ráo, săn chắc, thơm ngon như thịt lợn tự nuôi theo cách truyền thống là chỉ ăn rau, ăn cám gạo... Khoảng tháng 6 âm lịch, cách Tết khoảng 5-6 tháng, bà lại ra chợ mua một con lợn giống cỡ hơn chục ký mang về nuôi, đợi tới Tết mổ ra cho cả gia đình. Giống lợn bà nuôi để ăn Tết là giống lợn ỉ có màu đen, da dày, lông rậm... Loại lợn này nuôi rất lâu lớn, có khi 1 tháng chỉ tăng được một vài ký.

Tại các vùng quê ở nhiều tỉnh thành như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc..., hay tại nhiều bản làng miền núi, người nông dân luôn có xu hướng quay lại với trào lưu “đụng lợn” ngày Tết rất đông. Đa số người dân đều có chung tâm trạng là tết phải mua sắm nhiều thứ, nhiều loại thực phẩm, nhưng với thịt lợn “ăn đụng” thì mới yên tâm, mới có được thịt ngon. Ngày trước, việc “ăn đụng” các hộ thường trả bằng thóc, còn bây giờ gia chủ nuôi lợn khi mổ cho các hộ, họ lấy tiền bằng việc tính trọng lượng số thịt rồi mang nhân với giá bán thịt ngoài thị trường.

Ngày của kí ức tìm về

Mỗi năm nào cứ vào ngày 27, 28 tháng chạp, cách Tết chừng vài ba ngày là khoảng sân trước nhà của gia đình bạn tôi lại nhộn nhịp, rôm rả tiếng nói cười của của buổi mổ lợn. Theo như bạn tôi kể thì mẹ bạn luôn đảm nhận chân nuôi lợn, và cứ Tết đến có khoảng 4, 5 nhà hàng xóm lại cùng nhau định ngày mổ lợn.

Không khí Tết ở các làng quê thường diễn ra sớm hơn ở các thành phố. Lợn “ăn đụng” thường được mổ sớm trước Tết vài ba ngày để chia cho các gia đình. Hầu như hộ nào cũng dùng một phần thịt để làm nhân gói bánh chưng, bánh tét; phần xương thì cho vào ninh nhừ lấy nước dùng để chế biến các món canh, lẩu. Các phần còn lại sẽ mang quay, trữ tươi trong tủ lạnh, hoặc giã giò...

Ngày bé sống ở quê tôi đã từng trải qua cái cảm giác mong chờ Tết đến, đón đợi thời khắc mổ lợn. Bọn trẻ con chúng tôi sau khi được người lớn phân công đun nước sôi cạo lông lợn đã quẩn quanh trong đám người lớn mổ lợn, chờ để xin cái đuôi lợn luộc chia nhau ăn. Tết của những ngày xưa đói kém, có khi cả tháng mới được ăn một bữa thịt, vì thế bọn trẻ chúng tôi vô cùng hào hức buổi mổ lợn như mong Tết về.

Tết cổ truyền dân tộc lại về, năm nào trước Tết cả tháng từ quê mẹ cũng gọi điện nhắc tôi, mấy anh chị em trong gia đình về sớm một chút để lo mổ lợn, sửa soạn nấu bánh chưng. Tết đang đến thật gần, cũng như bao nhiêu người khác, tôi luôn mong ngóng từng ngày để đến được trở về đoàn tụ gia đình, sum vầy đón Tết...

NGUYỄN THỊ HẢI

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ngay-tet-an-dung-moi-vui-n186691.html