Ngày Tết bên ấm trà Shan Tuyết

Người Việt tự hào với nhiều loại trà quý, như Suối Giàng, Tân Cương… Trong số đó, trà Shan Tuyết của vùng đất Lào Cai cũng có thể coi là thỏa mãn được rất nhiều người trân quý đạo trà. Giữa tiết trời xuân, pha một ấm trà Shan tuyết, nhâm nhi cùng bạn hữu những tinh túy đất trời thì hạnh phúc còn gì bằng.

Mỗi buổi sớm mai, ngồi độc ẩm bên ngôi nhà cũ kỹ, tôi thường hay nhẩm đọc câu thơ của cụ Hải Thượng Lãn Ông (Lê Hữu Trác): Bán dạ tam bôi tửu/Bình minh số trản trà/Nhất nhật cứ như thử/Lương y bất đáo gia. Thú thực, tôi ít hiểu ý nghĩa sâu sắc trong những câu thơ ấy. Chỉ tạm thấy trong thơ chân dung người phong vân hào hoa, phong lưu tài tử sống trên đời. Dù chỉ hiểu được vỏ ngoài của những câu thơ ấy, nhưng tự tâm lại thấy trong ấy triết lý sâu sắc lắm. Sống một đời người, biết thụ hưởng, lấy cái nhân tâm dưỡng thân, dưỡng thần.

Thưởng trà Shan Tuyết.

Thưởng trà Shan Tuyết.

Cứ mỗi đận Tết đến, tôi hay ngồi với ông Cổ Đình Phùng. Một già, một trẻ, ngồi đối ẩm trong tiệm trà của ông ven Quốc lộ 279. Ông Phùng kể rằng, đời ông đã may mắn được thưởng đủ mọi loại trà, như Long Tỉnh, Bát Tiên, Tân Cương… ngon đúng thực là ngon, nhưng loại ông hay dùng là Shan Tuyết, nhẹ nhàng, êm dịu mà vẫn có thể dưỡng thần. Cái mùi thơm và vị thanh như làm người ta bừng tỉnh giấc mộng, đi vào cõi mơ tiên hư hư, thực thực.

Ông Phùng bảo: “Tôi nhớ ngày xưa cụ thân sinh cũng rất thích loại trà Shan Tuyết này. Nghe nói, để có được một túi trà Shan Tuyết chính hiệu phải mất mấy đồng bạc trắng để mua. Bạc nặng bao nhiêu thì trà nặng bấy nhiêu. Bởi thế, các cụ không dám pha lãng phí. Chỉ khách quý, những người cùng biết đạo trà mới được thưởng thức”.

Thế mới biết trà Việt vi diệu đến nhường nào. Bát Tiên, Long Tỉnh, Tân Cương đã quý, trà Shan Tuyết thì đâu có kém gì. Nghe ông Phùng kể, xưa kia đã có nhiều người phải đánh đổi nhiều thứ chỉ vì ấm trà chứ đâu phải đùa. Nhưng mà, thời nay thú vui ấy đã phai đi, bởi cuộc sống ồn ào và bon chen.

Thu hái chè Shan Tuyết cổ thụ ở Bản Liền.

Thu hái chè Shan Tuyết cổ thụ ở Bản Liền.

Nhiều người cho rằng, ở Lào Cai đầy rẫy các loại trà, chứ đâu chỉ có Shan Tuyết mới là hảo hạng. Ừ thì nhiều thật, chỉ cần đảo chân từ huyện này qua huyện khác thì thấy vô số đồi chè bạt ngàn, xanh mướt. Nhưng đâu có loại trà nào lại được nhiều người biết đến như trà Shan Tuyết cổ thụ ở Bắc Hà. Những người hiểu trà Shan Tuyết đều biết trà Shan Tuyết cổ thụ Bắc Hà thơm ngon hơn nơi khác như thế nào. Trà Shan Tuyết cổ thụ ở Bắc Hà lưu giữ tinh túy của đất trời ở nơi được mệnh danh là “Cao nguyên trắng”, nên là Shan Tuyết đấy, nhưng mùi và vị lại khác biệt lạ lùng.

Ở đất Bắc Hà, nói đến trà Shan Tuyết thì phải tới ngay Bản Liền. Chị Lâm Thị Oai, ở thôn Đội 2 ngày ngày chăm sóc, thu hái búp non. Chị Oai cho biết: Cây chè Shan Tuyết ở Bản Liền là loại chè cổ thụ, nên chẳng cần chăm sóc, tỉa tót gì đặc biệt, cây cũng chẳng cần bón phân. Mỗi năm làm cỏ hai lần, trung bình cứ hai mươi ngày thì thu hoạch búp tươi.

Chị Oai đã đi nhiều nơi, xem đủ mọi cách ướp và sao chè Shan Tuyết, nhưng rút lại, chị bảo: “Không đâu ướp và sao chè Shan Tuyết kỳ công như ở Bản Liền”. Ngoài bí quyết không để hương thơm bay mất, thì khâu vào hương mới quyết định đến chất lượng của trà. Từ loại cây từng bị lãng quên, nhưng với sự tâm huyết của người dân Bản Liền, cây chè Shan Tuyết hiện đã mang về nguồn thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây. Nhờ vậy, người ta có ấm trà thơm ngon, dù đang yêu hay buồn bực trong lòng, được một chén trà như khỏe lại, buồn bực tan biến hết.

BA ZIN

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/ngay-tet-ben-am-tra-shan-tuyet-z8n20200127091833957.htm