Ngày Tết, hãy nhốt hết 'dế' lại!Ngày Tết, hãy nhốt hết 'dế' lại!

Tết này về quê, tôi có một ý tưởng rằng, 'nhốt' hết tất cả những con 'dế' của cả nhà, cả dế 'cùi bắp' lẫn dế 'thông minh' vào trong tủ, khóa lại. Những công việc làm ăn, hẹn hò, mạng xã hội... thông qua chiếc điện thoại - những chú dế rắc rối ấy, tạm thời gác lại.

Dế của ông bà nội (cũng là ông bà ngoại), các cậu các cô của mấy cháu, ba mẹ của mấy con, nhốt hết, cho tụi nó vào chung một chỗ, cùng gáy với nhau cho vui. Như ngày nhỏ tụi tui bắt dế bỏ vào lon sữa bò cùng mấy cọng cỏ, đêm nghe chúng gáy vang trời.

Nếu dế đã nhốt hết vào tủ, Tết này sẽ thật sự là một cái Tết yên ả, thảnh thơi.

Những chú “dế” đã theo chúng ta từng phút từng giây mỗi ngày, thân thiết hơn bất cứ người tình, người vợ, người chồng nào, hay cả những đứa con cũng không gần gũi bằng. Vì nó cùng ta thức dậy, cùng ta trên đường, cùng ta ở công sở, quán cà phê, cùng ta trở về nhà. Ngay cả đứng trong bếp nấu cũng không rời xa điện thoại, vì có khi phải tìm kiếm công thức món ăn nào đó trên mạng, hay vừa nấu súp trên bếp vừa nấu cháo trên điện thoại.

Từ chỗ điện thoại là thứ xa xỉ, việc nói chuyện trực tiếp với một người không ở ngay cạnh mình là điều hoang tưởng, đến nay điện thoại đã trở thành vật bất ly thân của hầu hết mọi người. Dù người thân có ở xa vạn dặm cũng có thể trò chuyện, nhìn thấy mặt nhau như đang đối diện.

Vì thế mà điện thoại trở nên thiết thân lúc nào không biết. Người ta có cảm giác không thể yên tâm được, thấy trống vắng, thấy thật bất tiện khi ra đường mà không có cái điện thoại.

Dần dần, ta trở thành nô lệ của điện thoại mà không hay biết.

Là nô lệ, tuy không bị sai khiến, điều khiển bằng mệnh lệnh trực tiếp, nhưng ta lại vô thức dính liền cái điện thoại không thể rời ra.

Mà đã phụ thuộc như thế thì những hệ lụy là không tránh khỏi.

Vì quen với sự tiện lợi khi trao đổi bằng điện thoại, ta trở nên lười gặp gỡ, trò chuyện mặt đối mặt, cảm thấy không nhất thiết phải đi ra ngoài gặp ai nữa. Cảm xúc thật ẩn đằng sau những dòng tin nhắn, những biểu tượng có sẵn, chỉ cần nhấp để chọn một mã ảnh biểu thị tình cảm đại diện cho tâm trạng mình.

Sự giao tiếp đứt gãy từ lúc nào không biết, ngay khi ta tưởng rằng mình đang kết nối rất tốt với thế giới, thông qua cái màn hình.

Một tin nhắn cần xử lý trên điện thoại khiến ta bỏ qua giọng nài nỉ của con: chơi cùng con đi ba!

Một tin sốc trên báo mạng khiến ta chúi mũi đọc, bỏ rơi người bạn bên cạnh với ly cà phê, khiến cuộc hẹn rơi vào lưng chừng hẫng hụt.

Mỗi ngày, điện thoại đã chi phối và có thể nói là lũng đoạn đời sống tinh thần của mỗi người. Khi người ta tham gia vào một thế giới mà những gương mặt ảo đã trở thành avatar, con người thật không cần xuất đầu lộ diện nữa.

Cho đến khi, có một kỳ nghỉ, mang tên là “ngày Tết”. Đây là cơ hội để chúng ta dừng lại cỗ máy, gác lại lịch trình không ngừng nghỉ mỗi ngày đó.

Là cơ hội để cho “dế” nghỉ ngơi và trả lại tự do cho chính mình. Để cách ly khỏi đời sống vội vàng dày kín những công việc mà không có mục nào dành riêng cho nội tâm mình.

Hãy làm thử xem, Tết về, nhốt hết “dế” lại.

Không có “dế", sẽ không vội vàng chụp lấy điện thoại khi bài hát nhạc chuông réo rắt vang lên.

Không mải miết bấm điện thoại đến mòn cả vân tay cho các tin nhắn, vì cả nhà quây quần thì có cả tỉ câu chuyện để nói với nhau. Công việc, thú vui trên mạng hay những mối quan hệ không cần thiết, đâu có quan trọng để phải dán mắt vào điện thoại trong những ngày xuân.

Không cần phải chụp hình mọi thứ ta ăn, uống và nhìn ngắm mỗi ngày để đăng lên mạng “sống ảo”. Thay vào đó, sống thật còn thú vị hơn nhiều: ngồi bên hiên nhà cùng với ly cà phê tự pha, nhấm một miếng mứt mẹ làm, ngắm nhìn mai, vạn thọ nở vàng sân, là Tết đã tràn ngập mọi ngóc ngách không gian, là đã lưu giữ vào tâm trí những khoảnh khắc đẹp nhất của đời sống rồi.

Khi “dế” bị nhốt hết, những bé nhóc cũng không vòi vĩnh ba mẹ để xem phim hay chơi game, mà sẽ trở lại với những trò chơi vận động và sáng tạo, những thứ lẽ ra là chúng phải được tiếp xúc hàng ngày thay vì chiếc điện thoại thông minh. Và khi ấy, các ba mẹ sẽ cảm thấy lòng dịu dàng biết bao, khi không phải trừng mắt lên với những lời nằn nì, eo xèo xin mượn điện thoại của con - cảnh tượng phổ biến ở các gia đình trẻ thời hiện đại.

Vậy thì hãy cất điện thoại hết và kéo con ra ngoài sân, bày cho con chơi những món đồ tự chế, từ nguyên vật liệu thiên nhiên, để con phát huy sự sáng tạo, óc tưởng tượng, cũng là để kéo con về gần với thiên nhiên, về với cuộc sống thật, qua sự tiếp xúc chân thật, trực quan nhất.

Khi đó, con mới cảm nhận đầy đủ một cái Tết ở quê nhà, hít thở không khí trong lành, mắt đong đầy sắc màu tươi tắn của cây lá và hoa, vui đùa trong không gian ấm áp của đại gia đình.

Không chỉ với con trẻ đâu, với người lớn, cũng cần lắm những “vitamin cho tâm hồn” khi ngày Tết, quẳng mọi gánh lo, gỡ bỏ những chức vị rổn rảng, để trở về là chính mình, chân phương, nhẹ nhõm.

Không có điện thoại, ông bà và cháu trải chiếu nằm đọc chung một quyển sách, thỉnh thoảng ông lại giả bộ đọc sai cho có đứa cháu la lên phản đối.

Không có điện thoại, cậu Hai sẽ thôi vò đầu bứt tai với những màn hình xanh đỏ những con số.

Không có điện thoại, mợ Hai, cô Ba sẽ lúi húi trong bếp, vận dụng kiến thức gia truyền của nhà mình để chăm chút cho món ngon ngày Tết. Đến đoạn nào “bí”, thì đã có cứu tinh là bà mẹ siêu nhân ra tay ứng cứu. Câu chuyện bếp núc mẹ và con sẽ càng thêm rôm rả. Mẹ chồng con dâu gần gũi nhau hơn khi mẹ truyền lại cho con những bí quyết nấu ăn ngon, cách chăm sóc gia đình... Thay vì đi hỏi Google trên chiếc điện thoại như một thói quen.

Không có điện thoại, cậu Út lạch cạch lôi ra cái máy ảnh lâu rồi không dùng, lau chùi cẩn thận rồi dùng nó để suốt ba ngày Tết có những bức ảnh đẹp cho gia đình. Màu máy ảnh rõ nét và thật thà hơn từng gương mặt thân thương, không cà, không chuốt, đẽo gọt từng gương mặt láng bóng, V-line khắp lượt. Để sau này ngó lại, mình còn nhận ra tuổi mình ở từng tháng năm, chứ không lạ lẫm với những gương mặt ảo như từ ai đó không phải của mình.

Không có điện thoại, cả nhà sẽ cùng nhau chơi, cùng nhau trò chuyện, cùng nhau nhấm nháp những thức món ngày Tết với đầy tròn mọi giác quan.

Nói như vậy, cứ như điện thoại là thứ gì đó độc hại cần tẩy chay ngay và luôn. Thật ra công nghệ hiện đại là để phục vụ con người có tiện nghi cuộc sống tốt hơn thôi mà. Điện thoại thông minh là một loại công nghệ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, nhưng dùng nó như thế nào để có thể kiểm soát được là do cảm xúc của con người. Phải, chính là cảm xúc chứ không phải là lý trí. Cảm xúc sẽ nhận định rõ đâu là điều thật sự ý nghĩa để chúng ta theo đuổi. Khi đó, mọi tiện nghi khác chỉ là công cụ để thực hiện mục đích của mình mà thôi.

Nếu định nghĩa về cuộc sống hạnh phúc là cơ thể khỏe mạnh, tinh thần được tận hưởng sự an nhiên, thảnh thơi, thì chiếc điện thoại chỉ nên là bạn đồng hành để ta làm việc, giúp ta phương tiện để có cuộc sống như ý muốn.

Khi trở về với đời sống riêng, nên nhốt anh bạn ấy trong chiếc hộp riêng. Mà biết đâu, anh bạn ấy cũng cần “nghỉ ngơi” đó. Dành thời gian cho riêng mình, “tha bổng" bạn đồng hành trong khoảng thời gian nhất định trong ngày, chính là yêu thương lẫn nhau, cộng tác tốt với nhau trên hành trình đời sống.

Trương Huỳnh Như Trân

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/299025/ngay-tet-hay-nhot-het-de-lai.html