Thị lực 10/10 vẫn bị đục thủy tinh thể

Nam bệnh nhân, 37 tuổi ở Hà Nội mặc dù đo thị lực 10/10 cả hai mắt song thường bị nhìn lóa khi ra ngoài trời nắng to, đi khám bác sĩ kết luận bị đục thủy tinh thể.

Bệnh nhân làm nghề giám sát công trình. Tầm 1 năm trở lại đây, anh thường bị lóa mắt, nhìn nhòe khi làm việc ở ngoài trời lúc nắng to, tuy nhiên khi đo thị lực ở một cửa hàng kính mắt gần nhà, thị lực cả hai mắt vẫn đạt kết quả 10/10.

Các bác sĩ trong ca phẫu thuật thực hiện thay thủy tinh thể cho bệnh nhân.

Các bác sĩ trong ca phẫu thuật thực hiện thay thủy tinh thể cho bệnh nhân.

Theo lời kể của bệnh nhân, do làm việc căng thẳng và không nghỉ ngơi đủ nên thị lực tạm thời suy giảm, anh cố gắng nghỉ ngơi nhiều hơn và nhỏ thuốc dưỡng mắt hàng ngày.

Sau khoảng 3 tháng, tình trạng lóa mắt của anh Hòa không cải thiện mà thậm chí còn tăng nặng hơn nên anh quyết định tới khám tại Trung tâm Mắt công nghệ cao Tâm Anh.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hiệp, Giám đốc trung tâm Mắt Công nghệ cao Tâm Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhãn khoa Việt Nam cho biết, kết quả thăm khám mắt chuyên sâu cho thấy mắt trái của anh Hòa bị đục dưới bao sau thủy tinh thể và đục vùng trung tâm.

Việc đo mắt trước đó không phát hiện thị lực giảm sút là do bệnh nhân ở giai đoạn đầu của bệnh, thị lực chưa bị ảnh hưởng quá rõ rệt. Bệnh nhân tiến hành đo thị lực trong phòng có ánh sáng dịu nên đồng tử giãn ra cho phép mắt vẫn có thể nhìn thấy bình thường.

Khi ra vùng ánh sáng mạnh, đồng tử co lại làm hạn chế ánh sáng tới được võng mạc, người bệnh nhạy cảm hơn với ánh sáng, dễ lóa mắt.

Vì vậy đối với người bệnh tới khám mắt, bác sĩ phải hỏi rất rõ các triệu chứng dù nhỏ nhất để phát hiện ra vấn đề. Ngoài ra một số trường hợp cần phải thử thị lực ở cả ánh sáng mạnh ngoài trời và trong tối để có đánh giá thị lực chính xác nhất.

Để kiểm tra chính xác tình trạng bệnh lý, bác sĩ nhỏ thuốc giãn đồng tử và thực hiện khám mắt bằng máy sinh hiển vi nhằm xác định hình thái và mức độ đục thủy tinh thể. Thủy tinh thể đã bị đục không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.

Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn sớm, để khắc phục tạm thời, người bệnh có thể đeo kính tối màu khi ra trời nắng, tuy nhiên vào buổi tối nếu mắt nhìn kém thì nên hạn chế các công việc đòi hỏi thị lực tốt như lái xe.

Về lâu dài, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn sau, đặc biệt đối với bệnh nhân, do có đặc thù ngành nghề phải thường xuyên làm việc ở ngoài trời, đòi hỏi thị lực tốt trong mọi điều kiện ánh sáng thì việc phẫu thuật là cách điều trị hiệu quả và triệt để nhất.

PGS.Hiệp cho biết bệnh đục thủy tinh thể hay còn gọi là đục nhân mắt, bệnh cườm đá, cườm khô. Bệnh này khiến thủy tinh thể bị mờ không còn trong suốt giống như tấm gương bị mờ ánh sáng khó đi qua không hội tụ được tại võng mạc.

Bệnh ở giai đoạn sớm có thể triệu chứng không rõ ràng, khó nhận biết. Khi bệnh ở giai đoạn nặng khiến người bệnh suy giảm thị lực, nhìn mờ và có nguy cơ bị mù lòa.

Tỷ lệ đục thủy tinh thể do tuổi tác lão hóa là phổ biến nhất, thường ở các bệnh nhân ngoài 50 tuổi. Tuy nhiên, nhiều người trẻ cũng bị đục thủy tinh thể do các nguyên nhân như sau chấn thương mắt, viêm màng bồ đào, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa bẩm sinh, hạ canxi máu mãn tính, lạm dụng thuốc corticoid hoặc dùng nhiều thuốc để điều trị các bệnh chuyển hóa như lupus ban đỏ, viêm khớp, gout

Người thường xuyên tiếp xúc với các nguồn ánh sáng mạnh như đèn pha oto rọi vào mắt cũng có nguy cơ đục thủy tinh thể sớm.

Trên toàn cầu, đục thủy tinh thể là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa và là nguyên nhân thứ hai gây ra thị lực kém ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi và dân tộc.

Trong tổng số 2,2 tỷ người bị suy giảm thị lực trên thế giới, có 1 tỷ người bị suy giảm thị lực mà lẽ ra có thể ngăn ngừa được. Trong số 1 tỷ người bị mất thị lực có thể được ngăn ngừa, 94 triệu người bị mắc đục thủy tinh thể.

Có nhiều loại đục thủy tinh thể, ở các vị trí như nhân, vỏ, bao sau hoặc đục thủy tinh thể bẩm sinh… Đục thủy tinh thể do tuổi tác lão hóa thường là đục nhân.

Trong khi đó ở người trẻ thường là đục vỏ, đục bao sau với các triệu chứng như cảm giác lóa mắt, khó khăn khi nhìn vào ban đêm, xuất hiện quầng sáng, hiện tượng nhìn mờ sương, nhìn mọi vật có màu nâu vàng, nhìn đôi nhìn ba…

Ở giai đoạn đầu của đục thủy tinh thể, người trẻ thường khó nhận thấy các triệu chứng rõ ràng, nhiều trường hợp đo thị lực trong phòng ánh sáng dịu vẫn đạt 8/10, 9/10 hoặc 10/10. Song khi bác sĩ hỏi sâu về các dấu hiệu và khám mắt chuyên sâu có thể nhận biết đục thủy tinh thế đã tiến triển tới giai đoạn nào.

PGS.Hiệp cũng khuyên người bệnh khi có các vấn đề về mắt nên đi khám ở các bệnh viện lớn có chuyên khoa mắt uy tín.

Các bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm có thể phát hiện sớm và chính xác các bệnh lý mắt, từ đó tư vấn điều trị phù hợp nhất, điều trị bảo tồn hoặc can thiệp phẫu thuật cần thiết.

Mọi người nên đeo kính râm có khả năng bảo vệ mắt khỏi tia UV, lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống bổ sung các nguồn thực phẩm giàu lutein, zeaxanthin, axit béo omega-3, vitamin C.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng không nên tự ý sử dụng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ bởi lạm dụng các loại thuốc chứa corticoid là một trong những nguyên nhân gây đục thủy tinh thể, đặc biệt ở người trẻ.

Theo PGS.Hiệp, từ 36 tuổi nên đi khám định kỳ mỗi năm để đo nhãn áp, sàng lọc nguy cơ glocom. Trên 40 tuổi, nên thực hiện tầm soát mắt định kỳ mỗi năm để sàng lọc nguy cơ đục thủy tinh thể, glocom, bệnh võng mạc tiểu đường.

Được biết, đục thủy tinh thể là bệnh lý thường gặp nhất ở người cao tuổi, là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới. Nguyên nhân đục thủy tinh thể có thể do bẩm sinh, lão hóa- trên 50 tuổi bắt đầu có hiện tượng đục thủy thể tinh.

Ngoài ra, người mắc bệnh tiểu đường, cao huyết áp, người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, người làm nghề hàn xì… cũng là các nguyên nhân thúc đẩy quá trình đục thủy tinh thể sớm hơn.

Một điều nguy hiểm là hiện xu hướng bệnh đục thủy tinh thể xảy ra ở người trẻ đang ngày gia tăng, đặc biệt là ở những người tự dùng các thuốc điều trị viêm kết mạc, hay ngứa mắt có chứa corticoid rấy hay gây đục thủy tinh thể sớm.

Thực tế thăm khám các bác sĩ nhãn khoa lo ngại, có nhiều bệnh nhân, nhất là ở những vùng nông thôn người dân không đi khám vì chỉ ngứa nhè nhẹ liền tự ý dùng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid trong thời gian dài. Việc làm này khiến bệnh nhân bị đục thủy tinh thể.

Triệu chứng người đục thủy tinh thể thường gặp phải là nhìn mờ, có cảm giác nhìn 2 hình, chói sáng. Biểu hiện rõ nhất khi bệnh nhân đi ra ngoài nắng, đi vào ban đêm có đèn pha đối diện chiếu vào thì sẽ thấy màng sương trước mắt, người bệnh luôn có cảm giác giống có màng mây trước mắt.

Hiện chưa có thuốc ngăn chặn đục thủy tinh mà chỉ làm giảm sự tiến triển của bệnh. Với những bệnh nhân chưa đến mức cần phải thay thủy tinh thể thì sẽ có hai phương pháp điều trị là theo dõi và dùng thuốc, tuy nhiên biện pháp triệt để nhất phẫu thuật đúng thời điểm.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thi-luc-1010-van-bi-duc-thuy-tinh-the-d219421.html