Ngày tết ở Tây Ninh xưa và nay

Ngày tết ở Tây Ninh dù xưa hay nay thì nhà nhà đều tất bật để lo cho cái tết được sung túc và mong cầu một năm mới sang mọi việc luôn được thuận lợi.

Đến những tháng cuối năm (tính theo nông lịch), các sinh hoạt chuẩn bị cho ngày tết dần được bắt đầu sôi nổi, theo kinh nghiệm dân gian, cuối tháng 9 cắt đọt bông trang, 20 tháng 10 ngắt lá bông giấy, rằm tháng 11 trồng bông vạn thọ, đầu tháng Chạp đi chạp mộ, tới rằm thì lặt lá mai, qua 23 đưa ông Táo, 25 đưa ông bà, lối 28, 29 gói bánh tét, đi chợ tết, chợ bông, đến 30 rước ông bà và đón giao thừa. Từ ngày 23 tháng Chạp theo sau ngày bà con mình còn quen gọi kèm theo chữ “tết”.

23 tết, nhà nhà cúng đưa ông Táo về chầu trời. Lễ vật cúng ông Táo ở Tây Ninh rất bình dân, gồm có bình bông thọ, dĩa trái cây, dĩa thèo lèo, xôi, chè, trà nước, nhang, đèn, bộ giấy cúng ông Táo có “cò bay ngựa chạy” theo nghĩa ngựa chở ông Táo đi đường bộ, rồi cưỡi cò bay về trời.

Cúng ông Táo thường có đồ ngọt với ngụ ý của gia chủ mong rằng ông Táo về trời tấu trình những lời ngọt ngào, những việc tốt, việc hay của gia đình trước Ngọc Đế để ngài ban phước. Trong ngày này, ở đình các cụ cũng bày trà nước, bánh mứt, hoa quả đưa thần (có đình đưa vào 25 tết), ở các chùa cũng thực hiện nghi thức tống chư thiên.

Từ 24 tết, các công việc chuẩn bị đón tết dần sôi nổi hơn như chùi lư đồng, dọn dẹp, mua sắm trang hoàng nhà cửa, làm bánh mứt, muối dưa, cắt kiệu, lột tôm phơi khô… tiểu thương dọn hàng bánh mứt ra chợ bán, chợ hoa cũng đông dần người bán, người mua, có những chuyến hàng chở hoa từ miền Tây lên bán, thích nhất chợ hoa thành phố Tây Ninh với cảnh trên bến dưới thuyền ở khu vực cầu Quan (rạch Tây Ninh).

25 tết, ở đình làng thì cúng sắp ấn đưa thần, cô bóng cúng sắp ấn đưa tiên, một số chùa thì tảo tháp, sắp bút đưa chư thiên, ở các gia đình có thờ ông bà độ mạng (gia thần) thì cúng đưa ông bà.

Vì khi xưa, liễn thờ trong các gia đình chủ yếu viết bằng mực tàu trên giấy hồng đơn, nhà khá giả hơn thì thờ bằng tranh kiếng, trải qua một năm thờ tự, giấy hồng đơn bị phai màu, sau khi cúng đưa ông bà họ gỡ liễn xuống hóa bỏ và đến nhờ các vị sư ở chùa hoặc những người giỏi chữ Nho viết giúp liễn mới để đem về thờ, dịp này họ cũng nhờ viết bức hoành, cặp đối với những nội dung chúc tết, mừng xuân về trang trí nhà cửa.

Ô Lò Rèn ở Tân Lộc (trước là Lộc Trát, Gia Lộc, Trảng Bàng) các hộ làm nghề rèn cúng đưa tổ nghề. Nghệ nhân Lê Văn Nhện chia sẻ: “Cúng tổ tôi còn cầu mong cho xóm nghề có thế hệ trẻ nối nghiệp ông cha, chứ cứ như này thì ít năm nữa vào đây không còn nghe tiếp đập rèn đồ quen thuộc.

Nhớ năm xưa, nhà sinh ra bao nhiêu người con là có bấy nhiêu lò rèn, 14 tuổi đã thạo nghề, già trẻ, đàn ông, đàn bà, dâu, rể đều làm, một ngày xóm có thể rèn ra 1.000 lưỡi rựa, mỗi người có thể rèn 50 đến 70 cái rựa/ngày... Không mong được như thời hoàng kim của xóm nghề như ngày trước, chỉ cần vẫn có người làm nghề là mừng, là vui lắm rồi”.

Chạp mả hay còn quen gọi là đi giẫy cỏ mả bắt đầu từ đầu tháng Chạp, nhưng chủ yếu mọi người đi vào 25 tết và dần thành thói quen, thành lệ. Con cháu quét dọn sạch sẽ mộ phần ông bà, người thân quá vãng để chuẩn bị đón tết, còn được hiểu là mời ông bà về ăn tết với gia đình.

Những ngôi mộ không có người chăm sóc cũng được người dân ở xung quanh đó quét dọn, thắp hương, việc này phần nào an ủi người quá vãng và cũng thể hiện được tình làng nghĩa xóm một đức tính cao quý của người Việt.

Từ 26 cho đến 29 tết, các gia đình bắt đầu gói bánh tét, những nhà gói bán thì chuẩn bị và gói sớm hơn để kịp giao cho khách. Có nhà 30 tết mới bắt đầu gói bánh để đến khuya vừa nấu vừa đón giao thừa và có bánh cúng vào sáng mùng một hay mùng hai gói để sáng mùng ba cúng tết nhà.

Ngoài gói bánh tét, trong các gia đình ở Tây Ninh còn gói bánh ít, bánh ú. Tết vui là ở những ngày này, vừa tất bật công chuyện nhà cửa, nhưng bà con chòm xóm cũng nhín ra ít thời gian để cùng phụ giúp việc gói bánh, mỗi người một công đoạn, làm rất “ăn ý” với nhau, nấu xong thì chia người vài đòn đem về dùng trong mấy bữa tết.

28 tết, những người xa quê cũng tranh thủ sắp xếp mọi công việc để về nhà đón tết cùng gia đình. Vì tết đẹp nhất, hạnh phúc nhất và trọn vẹn nhất là cái tết sum họp, đoàn viên. Cả nhà cùng nhau dọn dẹp, cùng chuẩn bị, cùng đón giao thừa, chúc tết… một mùa xuân ấm áp bởi đong đầy yêu thương.

Nhưng cũng có những người vì cuộc sống mưu sinh phải ăn tết xa quê, những cái gọi điện về nhà chúc tết hay gia đình gửi ít bánh quê, dưa kiệu lên cho cũng làm ấm lòng người con xa xứ.

29 tết đông vui nhất là ở chợ, tiểu thương tranh thủ bán hết hàng để về nhà chuẩn bị tết, tấp nập người đi sắm đồ trang trí nhà cửa hay mua bông, trái cây, rau củ, đồ ăn về chưng dọn, nấu nướng chuẩn bị mai cúng rước ông bà; bàn thờ ngày tết trong các gia đình ở Tây Ninh rất quan trọng, bông thường chọn mai, vạn thọ, huệ, cúc; trái cây chưng ngũ quả, chuộng nhất vẫn là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung hay trái thơm, cặp dưa hấu tròn… hiểu tâm lý của người mua nên chợ tết không bao giờ thiếu những món này.

30 tết rước ông bà, thật ra không phải đưa đi đâu và cũng không phải từ đâu mà rước về, đây chỉ là cách gọi quen thuộc trong dân gian. Nhưng đó là một việc làm để nhắc nhở, ngày nay mình có được cuộc sống như thế này, có được hiểu biết như thế này là nhờ phước đức của tổ tiên. Đến ngày 30 tết, nhà nhà rước ông bà về ăn tết với con cháu. Trên bàn thờ, mâm cúng được bày biện rất kỹ lưỡng, rồi con cháu cùng tề tựu thắp hương tưởng nhớ đến tổ tiên.

Đêm trừ tịch là thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới, xưa tính vào giờ Tý (11 giờ đến 1 giờ), khoảnh khắc bao hàm trong đó một giờ của năm cũ và một giờ của năm mới.

Theo quan niệm dân gian, mỗi một năm có các vị thần Hành Binh, Hành Khiển, Phán Quan cai quản hạ giới khác nhau, thế nên cúng giao thừa có thể hiểu như là buổi tiệc để “tống cựu nghênh tân” - tiễn đưa những vị thần năm cũ đi và nghênh đón những vị thần năm mới. Đây chính là một tập tục đẹp thể hiện sự tri ân báo đức, cũng như bày tỏ lòng mong ước được gia hộ cho bình an, hạnh phúc, ấm no.

Sau khi cúng giao thừa ở ngoài trời, các con, cháu chúc tết ông bà, cha mẹ và những người lớn lì xì cho các em nhỏ vừa là mừng tuổi vừa là trao nhau những may mắn ngày đầu năm.

Hầu như những năm về sau này vào giờ giao thừa đều có bắn pháo hoa, gia đình, bạn bè cùng nhau đi xem. Từ giờ giao thừa, mọi người thường rủ đi chùa lễ Phật, có những người đi viếng thập tự hay mười hai kiểng chùa, người Công giáo đến nhà thờ, tín đồ đạo Cao Đài về Tòa thánh hay đến thánh thất gần nhà hoặc tổ chức đi núi Bà cầu năm mới bình an.

“Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ”, cha mẹ đưa con, cháu về nhà nội, ngoại hay nhà từ đường dòng họ để chúc tết ông bà, mừng tuổi họ hàng, mọi người cùng quây quần bên mâm cơm đoàn viên. Nhà nhà đi chúc tết nhau để thêm gắn kết tình làng nghĩa xóm. Vui trong ba ngày tết, mọi người trong xóm tổ chức các trò chơi dân gian như bầu cua, lô tô, đá gà…

“Mùng ba tết thầy”, bên cạnh công sinh dưỡng còn có ân giáo dưỡng, nên dịp tết các học trò đến thăm nhà, chúc tết thầy cô. Xưa ở các chùa, chư tổ lập ra phép nuôi con nít, những đứa trẻ khó nuôi, hay khóc đêm gọi là “dạ đề” các gia đình đưa đến chùa được vị sư cho quy y, đeo dây ngũ sắc thì khỏi, về sau nhớ ơn này cứ đến mùng ba thì trở về chùa tết thầy.

Vào ngày này, hầu như nhà nào cũng có cúng tết nhà, ở mâm cúng đất đai viên trạch có đòn bánh tét (thường loại không nhân), giấy tết nhà. Giấy tết nhà xưa cắt hình thoi hay hồ lô bằng giấy hồng đơn hoặc vàng bạc đại, về sau này có giấy in sẵn chữ “phước”, “đại cát”, “chiêu tài tiến bửu”… sau khi cúng, chủ nhà đem dán lên nhà và các vật dụng trong gia đình.

Ngoài ra, còn có tết vườn dán lên cây, tết giếng, tết chuồng… những nhà có nuôi bò hay trâu thì có thêm tết bò, tết trâu, mỗi con đều được dán giấy và ăn một cái bánh (thường là bánh cấp), sau khi cúng tết bò (trâu), ông cắt cỏ bò (trâu) tới lạy con bò (trâu) và được nhận tiền cúng của chủ nhà cũng được xem là tiền thưởng trong năm.

Mùng 4 tết, có Hội xuân núi Bà hay ở Trảng Bàng có lễ khai ấn tại hội quán Thất Phủ. Xưa nay cứ độ tết đến, cả nhà, cả xóm rủ nhau lên núi viếng Bà, vãng cảnh, đầu năm gặp nhau mọi người thường hỏi “đi núi Bà chưa?”, đã dần trở thành nét đẹp vào dịp tết của người dân Tây Ninh.

Mùng 7 cúng khai hạ, trong dân gian có câu “ba ngày tết bảy ngày xuân”, nên vào mùng 7 tết có lễ khai hạ hay còn gọi là khai sơn, được hiểu là kết thúc các hoạt động của ngày tết, mọi người trở lại công việc làm ăn hằng ngày.

Trong ngày này, nhiều đình, miếu tổ chức lễ cúng khai hạ, có nơi cúng sớm hơn vào mùng ba hay mùng bốn tết. Bà con ở An Phú (nay thuộc khu phố Hòa Phú, phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng) sắm sanh lễ vật đến cúng ở miếu Tiên Sư. Cư dân nơi đây cho biết, theo cổ lệ mùng bảy tết là ngày vía ông Tiên Sư.

Mùng 8 cúng sao hội, ở tư gia, chùa, hội quán, thánh thất Cao Đài hay ngay cả đền thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản (thành phố Tây Ninh) đều có tổ chức cúng. Nghe các ông già bà cả kể, hồi đó cúng sao vào 12 giờ khuya mùng tám, tức thời khắc chuyển giao từ mùng tám sang mùng chín tháng Giêng. Bởi mùng 9 vía Trời, các vị tinh quân (sao) về chầu Ngọc Hoàng, ở dân gian làm lễ cúng sao hội, tức tất cả các sao đều cúng chung trong ngày này.

Mùng chín vía trời, ở Tây Ninh có lễ vía Đức Chí Tôn diễn ra vào mùng 8-9 tháng Giêng, đây là một trong những lễ quan trọng hàng đầu của tín đồ đạo Cao Đài. Đại lễ diễn ra từ Tòa thánh Tây Ninh cho đến địa phương ở các thánh thất, điện thờ Phật Mẫu… và tư gia tín đồ, đều thiết lập hoa, trà, rượu, quả, đèn hương rực rỡ, đọc kinh nghiêm trang thành tâm cầu nguyện.

Mùng 10 vía đất, còn được hiểu là ngày cúng để tạ ơn đất đai, tri ân người mở đất, trong đó ông Địa là vị thần chủ quản đất đai nên mọi người bày đồ cúng trước bàn thờ ông Địa trong nhà. Đồ cúng thường có cá lóc nướng trui, bộ tam sên, rau lang luộc, mắm nêm… những món ăn dân dã gợi nhớ về buổi đầu khẩn hoang mở cõi của tiền nhân.

Theo quan niệm ngũ hành tương sinh “thổ sinh kim” tức đất sinh ra vàng bạc, tiền tài nên về sau ông Địa và ông Thần Tài được xem là một đôi thờ chung cùng một tran. Những năm gần đây mọi người xem mùng 10 tháng Giêng còn là ngày vía Thần Tài, trong ngày này, mọi người đi mua vàng để lấy hên, lấy lộc, cầu may mắn, sung túc, giàu có trong suốt năm.

Ngày tết ở Tây Ninh dù xưa hay nay thì nhà nhà đều tất bật để lo cho cái tết được sung túc và mong cầu một năm mới sang mọi việc luôn được thuận lợi.

P.T.P

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ngay-tet-o-tay-ninh-xua-va-nay-a154234.html