Ngày Tết, vui thú với trò chơi 'đổ xăm hường' của người Huế
Trong những ngày Tết của người Huế, 'đổ xăm hường' không chỉ là trò chơi giải khuây, thú vui này cũng là cách để mọi người thử vận may, đoán xem trong năm mới mình có được nhiều may mắn hay không.Trong những ngày Tết của người Huế, 'đổ xăm hường' không chỉ là trò chơi giải khuây, thú vui này cũng là cách để mọi người thử vận may, đoán xem trong năm mới mình có được nhiều may mắn hay không.
Ngày Tết vui "đổ xăm hường"
Nhiều năm trở lại đây, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, nếu có cơ hội ghé thăm Hoàng Cung Huế, du khách gần xa không khỏi thích thú khi được tự mình tìm hiểu và trải nghiệm những trò chơi cung đình hết sức đặc sắc. Những trò chơi này được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức nhằm tạo không khí vui tươi, đầm ấm cho người dân và du khách nhân dịp năm mới. Trong các trò chơi, "đổ xăm hường" là một thú vui thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Theo như tên gọi của trò chơi, "xăm" được dịch nghĩa ra là "cái thẻ", còn "hường" ở đây là chữ "hồng" - màu của mặt "tứ" trên các hột xúc xắc. Chơi "đổ xăm hường" là gieo các hột xúc xắc để dành những chiếc thẻ khắc chữ ghi các học vị trong hệ thống khoa cử thời xưa như: Tú tài, Cử nhân, Tiến sĩ, Hội nguyên, Thám hoa, Bảng nhãn, Trạng nguyên. Tương ứng với mỗi loại thẻ sẽ có một số điểm riêng.
Theo luật của người xưa, người chơi gieo sáu con xúc xắc được khắc dấu chấm theo thứ tự: nhất, nhị, tam, tứ, ngũ, lục (trong đó mặt nhất và mặt tứ tô màu đỏ, các mặt khác tô màu đen) rồi căn cứ vào các mặt hiện ra để tính điểm và nhận cho mình chiếc thẻ thích hợp.
Thang điểm cơ bản dựa trên mặt tứ, gọi là hường. Khi kết thúc ván chơi, ai đang giữ trong tay gồm những thẻ nào, có được bao nhiêu điểm, tổng số điểm cộng lại sẽ giúp xác định kẻ thắng người thua. Số người tham gia trò chơi xăm hường không quy định cụ thể, thường là 6, nhưng ít người hơn vẫn có thể chơi được.
Các cao niên cho hay, "đổ xăm hường" ban đầu là thú vui tao nhã thịnh hành trong Hoàng Cung. Về sau thì được phổ biến ở Vương phủ, Quan phủ rồi từ đó mới lưu truyền ra dân gian cho đến ngày nay. Trước đây, "đổ xăm hường" không chỉ là trò chơi ngày Tết mà còn được người dân ở Huế, đặc biệt là ở các phủ đệ chơi quanh năm.
Trong những ngày Tết, trò chơi này không chỉ giúp người chơi giải khuây mà còn thử đoán vận may. Thông qua các mặt xúc xắc đổ được, mọi người đoán xem trong năm mới mình có được nhiều may mắn hay không.
40 năm chế tác thẻ xăm
Gắn bó với nghề chế tác thẻ xăm hường hơn 40 năm nay, ông Đặng Văn Tố (72 tuổi, phường Hương Sơ, TP Huế) cho hay, khác với những trò mang tính đỏ đen, "đổ xăm hường" chủ yếu mang lại sự vui vẻ, được thua chỉ là thứ yếu. Sáu hột xúc sắc đổ ra là do sự ngẫu nhiên, không gian dối.
"Cái hay của trò chơi cũng nằm ở chỗ, đây cũng là một hình thức thể hiện của các kỳ thi ngày xưa. Thể hiện tinh thần hiếu học và ước vọng khoa bảng của những sĩ tử. Các kỳ thi gồm ba cấp: thi Hương, thi Hội, thi Đình với danh hiệu cao nhất là Trạng nguyên. Tuy nhiên, vì đây là một trò chơi đã lâu đời nên giờ không còn nhiều người biết đến như trước", ông Tố nói.
Hiện tại, ông Đặng Văn Tố được xem là người cuối cùng ở Huế còn gắn bó với nghề chế tác thẻ xăm hường bằng phương pháp thủ công. Trong căn nhà nhỏ của mình, lâu nay ông vẫn dành một khoảng không gian riêng để phục vụ công việc này.
Ông Tố kể, lúc còn nhỏ mình thường hay xem người thân, hàng xóm chơi đổ xăm hường. Rồi vì mê quá mà đã bắt chước, tự tay làm cho mình một bộ. Bộ thẻ xăm làm xong được nhiều người khen đẹp, khéo tay nên ông bén duyên luôn với công việc này từ đó.
Trước đây, những bộ xăm hường của ông Tố được làm bằng tre, gỗ nhưng độ bền không cao, hình khắc trên thẻ xăm cũng nhanh phai. Về sau, ông đã nghiên cứu sử dụng xương bò lai Thái để làm nguyên liệu. Xương bò được xử lý qua nhiều công đoạn như: làm sạch, luộc, ngâm vôi tẩy trắng, cưa nhỏ, gia công, khắc trang trí… đã cho ra những tấm thẻ xăm vừa bắt mắt, vừa có hồn. Sản phẩm của ông Tố vừa đẹp lại vừa bền nên được nhiều người lựa chọn.
Tại hội thi hàng lưu niệm và quà tặng Festival Huế 2010, sản phẩm xăm hường bằng xương của ông Đặng Văn Tố được du khách rất đón nhận và đã dành được giải khuyến khích. Ông Tố cho hay, khách nước ngoài khi tìm hiểu về trò chơi "đổ xăm hường", họ rất tò mò và thích thú. Vậy nên, ông cũng mong muốn làm sao có ai đó am hiểu luật chơi và có khả năng dịch ra tiếng Anh để du khách có thể hiểu.
Không chỉ để chơi, với vẻ ngoài tinh xảo, bắt mắt, bộ xăm hường cũng có thể làm quà tặng lưu niệm để trưng bày. Đó cũng là một cách để gìn giữ, phần nào giúp trò chơi này không còn bị mai một đi./