Ngày Thế giới chống lao động trẻ em (12/6): Nghĩ về những đứa trẻ mưu sinh trên phố

Nhiều trẻ phải ra đường để kiếm tiền bằng nhiều cách, cơ quan nào có thể giúp đỡ hoặc làm sao để bảo vệ các em không bị xâm hại?

Nhiều trẻ em vẫn phải mưu sinh trên phố. (Ảnh minh họa)

Nhiều trẻ em vẫn phải mưu sinh trên phố. (Ảnh minh họa)

Tháng 6 - tháng hành động vì trẻ em, tôi lại nhớ về mấy đứa trẻ mưu sinh đủ nghề giữa trời nắng chang chang của Sài Gòn. Chúng theo mẹ và lớn lên với tuổi thơ không nhiều ký ức của niềm vui mà bằng những ngày kiếm tiền cùng mẹ.

Có những đứa nhỏ cầm xấp vé số thật dày đi nài nỉ từng người ở công viên. Có đứa ngồi canh em cho mẹ đi bánh từng ly nước hay mấy gói bánh tráng trộn. Nhiều bé nhỏ hơn, nằm trên xe cho mẹ đẩy đi bán vé số.

“Sao không để bé ở nhà mà đẩy con theo nắng nôi vậy?”. Tôi hỏi người phụ nữ trạc 30 tuổi. Chị trả lời bằng giọng miền Tây nhẹ huề: “Em lên đây mưu sinh, có hai mẹ con hà, chồng em bỏ nhà đi biệt xứ, bỏ lại hai mẹ con…”. Rồi người mẹ cười hì hì, mời tôi mua giúp. Con gái chị nằm trong xe ê a, ngậm kẹo.

Nghĩ về những đứa trẻ như vậy giữa phố, tôi nhớ mới đây có vụ người phụ nữ mới 27 tuổi, có bốn con, vì mưu sinh đã dắt theo những đứa trẻ (lớn nhứt 10 tuổi và nhỏ nhứt 9 tháng) để… phụ mẹ giữa trung tâm TP. Hồ Chí Minh.

Đứa lớn phụ mẹ chăm đứa bé nhứt. Còn hai bé ở giữa, có thể đỡ đần mẹ bán hàng. Có lẽ đã quá quen với cảnh đường phố tấp nập, người mẹ tự tin để hai đứa trẻ ở một ngả đường và đi đưa tiền cho người quen cách đó 100m. Khi quay lại, người mẹ mới tá hỏa vì không thấy con mình đâu, tất tả đi tìm trong mờ mịt.

Vụ việc được đưa lên báo chí, mạng xã hội. Công an lập tức vào cuộc. Bằng các nghiệp vụ, công an đã tìm được hai bé, phá vụ án bắt cóc. Kẻ bắt cóc khai dụ hai bé về một chung cư cao cấp ở Bình Thạnh để quay phim khiêu dâm. May mà hành vi ấy chưa kịp thực hiện, nhưng dấu ấn bị dụ khỏi vòng tay mẹ chắc sẽ khó phôi phai trong ký ức của các con và người mẹ. Hoàn cảnh đã đẩy họ ra đường.

Là một người có con nhỏ trong độ tuổi các bé, thú thật, tôi dõi theo vụ việc và vỡ òa vì các bé được tìm thấy. Thực sự, không ai muốn dắt con mình ra đường mưu sinh nếu không phải vì hoàn cảnh bắt buộc.

Cũng lớn lên trong hoàn cảnh nghèo cùng, ở làng quê heo hút thời những năm chín mươi mấy, tôi phải lao vào cuộc mưu sinh từ sớm. Có những ngày nghỉ học, lúc đó dù nhỏ thó nhưng tôi đã cùng vài người bạn lên núi đốn củi, bức mây hay săn vỏ cây bời lời đem bán, phụ má, ngoại tiền chợ, để dành dụm mua sách vở, đóng học phí.

Hè năm lớp 10, để tiếp tục học, tôi và đứa bạn thân gần nhà đã liều mình leo lên chiếc xe đò chòng chành rời quê. Biết con mình dành 3 tháng hè đi làm thêm ở Đà Nẵng khi đang tuổi ăn tuổi lớn, chưa bao giờ đi thành phố lần nào sẽ đầy vất vả, hiểm nguy, nhưng má tôi cũng bấm bụng gật đầu sau khi tôi thuyết phục.

Sau khi đến Đà Nẵng, tôi và một người bạn làm cho một tiệm cơm hạng sang ở đường Nguyễn Chí Thanh. Chủ là người Huế, khá khó chịu và tính toán với người làm, nhứt là với những người làm thời vụ như tôi. Tìm đường học, khổ mấy tôi cũng chịu được. Má hiểu tâm ý của tôi trong khi không tìm ra nguồn tài chính nào khác ngoài mấy sào ruộng “trông trời mưa nắng phải thì”, đủ ăn là mừng nên đã để tôi đi.

Ngỡ đó là chuyện mà chỉ có bọn trẻ những năm chín mươi mấy, hai ngàn mới trải, khi vào TP. Hồ Chí Minh học và ở lại làm việc, tôi thấy nhiều đứa trẻ còn khổ hơn mình. Không ít lần tôi thấy mấy đứa nhỏ bán vé số ở công viên 30/4. Các con mặc đồ học sinh, tới mời mua và sẵn sàng chiêu trò, dựa hết vào người khách này đến khách khác để năn nỉ.

Tôi thấy sợ cho các em, với nguy cơ lạm dụng tiềm ẩn từ chính công việc và cách nài nỉ khách mua kiểu ấy. Thỉnh thoảng, trên con phố ẩm thực Khánh Vĩnh (quận 4), nơi tôi thường đi về mỗi tối, có nhóm mấy đứa trẻ chuyên ngậm dầu phun lửa để xin tiền từ khách nhậu.

Ngoài kia, ở ngã tư nào đó hay một vài cây cầu, bất chợt tôi lại bắt gặp mấy em nhỏ đen nhẻm, tóc xoăn, địu em trên lưng và ngả mũ xin tiền người đi đường. Đứa bé trên lưng ngủ mê mệt như thể không màn tới cuộc sống ồn ào đang diễn ra.

Ở ta có tới 17 cơ quan bảo vệ trẻ em, có trách nhiệm phòng chống, giải quyết các vấn đề xâm hại trẻ em xuất phát từ Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định số 56 của Chính phủ năm 2017 và Nghị định số 80 năm 2017 của Chính phủ về xây dựng trường học an toàn, lành mạnh. Những đứa trẻ phải bán sức lao động quá sớm ở nhiều nhà hàng, quán ăn hay cả những công việc nặng nhọc khác, có cơ quan nào nắm bắt, hỗ trợ? Các em bị đẩy ra đường để kiếm tiền bằng nhiều cách, cơ quan nào có thể giúp đỡ hoặc làm sao để bảo vệ các em không bị xâm hại?

Xâm hại trẻ em - tôi nghĩ không phải chỉ là hành vi liên quan đến tình dục mà đâu đó còn là bóc lột sức lao động, sử dụng các em như một phương tiện kiếm tiền. Mong rằng, những cơ quan bảo vệ trẻ em hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn, không phải chờ tới khi trẻ bị hại rồi mới lên tiếng, bày tỏ bức xúc, lên án…

Và quan trọng hơn, mỗi người trong độ tuổi sinh đẻ, đừng ngây thơ nghĩ rằng “trời sinh voi sinh cỏ” rồi vô tư “giới thiệu” con mình trên đời nhưng lại không chu toàn việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục. Có lẽ họ cũng cần được giáo dục, tuyên truyền để có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình và các gạch nối trong cuộc đời mình, nhứt là với trẻ con.

Trước mắt, với trẻ nghèo khó ở quanh ta, mỗi người bằng từ tâm, trách nhiệm của mình có thể hướng đến các em, chăm lo tốt nhất có thể, không chỉ món quà mà quan trọng hơn là sự học, chia sẻ các kỹ năng phòng chống xâm hại. Đặc biệt là trẻ vùng cao, vùng xa, thiếu bữa ăn ngon, sách vở đến trường.

Nhiều năm qua, các ngành, các cấp đã làm rất tốt câu chuyện chăm sóc trẻ em, giúp trẻ có cơ hội đến trường; cá nhân, tổ chức cũng hướng về trẻ em như hoạt động chăm sóc tương lai đất nước. Điều này rất đáng trân trọng và cần phát huy thêm nữa, không chỉ dịp Tết Thiếu nhi mà còn rất nhiều thời điểm khác: Tết Trung thu, đầu năm học mới, kết thúc năm học, Tết Nguyên đán...

“Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai”. Thế giới ấy do chính chúng ta xây dựng hôm nay chứ không ai khác!

Lưu Đình Long

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-the-gioi-chong-lao-dong-tre-em-126-nghi-ve-nhung-dua-tre-muu-sinh-tren-pho-272996.html