Ngày thơ Việt Nam: Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ

Từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ là chủ đề tọa đàm văn học được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức sáng ngày 24/2 (tức rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn) trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội).

Tọa đàm có sự tham dự của lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, đoàn đại biểu nhà thơ Hàn Quốc, cùng đông đảo các nhà phê bình văn học, các nhà văn, nhà thơ và công chúng yêu thơ khắp mọi miền đất nước.

Đồng chủ trì tọa đàm là các nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình văn học: Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Trần Anh Thái, Chủ tịch Hội đồng Thơ, Hội Nhà văn Việt Nam; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Điệp, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình (Hội Nhà văn Việt Nam).

Một tác phẩm cần sự thăng hoa về cảm xúc, hoàn hảo về cấu trúc, ngữ nghĩa, thi ảnh và cả sự may mắn.

Tọa đàm có 12 tham luận của các nhà thơ, nhà phê bình văn học xoay quanh chủ đề nhằm phân tích, đánh giá về bản lĩnh và bản sắc của nhà thơ các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương chia sẻ: Kiến tạo văn học hiển nhiên là các nhà thơ. Nhắc đến thơ ca là nhắc đến diện mạo tâm hồn thể hiện qua toàn bộ hệ thống tác phẩm. Ở đó, có những nét riêng biệt giá trị gọi là bản sắc. Bản sắc không có sẵn, không hình thành trong chốc lát mà cả một quá trình. Một tác phẩm cần sự thăng hoa về cảm xúc, hoàn hảo về cấu trúc, ngữ nghĩa, thi ảnh và cả sự may mắn. Hình thành kỳ khu thế thì hình thành một nhà thơ càng không đơn giản. Đó phải là một chặng đường gian truân, khởi đầu từ bản lĩnh, để từ đó có thể đi tới cái kết là bản sắc.

Dù vậy, không phải cứ có bản lĩnh là có bản sắc. Nhiều người thừa bản lĩnh mà không kiến tạo được bản sắc. Như vậy, chứng tỏ điểm cuốn hút đến mê dụ của thơ ca chính là sự nghiệt ngã. Muốn chinh phục, người viết phải biết mình, từ đó tự tin để dẫn tới can đảm. Nhiều can đảm có thể tạo ra bản lĩnh...

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương phát biểu đề dẫn.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Bình Phương phát biểu đề dẫn.

“Bản lĩnh là khả năng biết khước từ cái cũ, cái mòn mỏi, cái không còn phù hợp với mình và khả năng biết chấp nhận cái khác. Trường tiếp thụ mở rộng thì trường sáng tác sẽ mở rộng. Con đường này phù hợp với người sáng tác chuyên nghiệp. Nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng là phục vụ cho con người với trách nhiệm, nghĩa vụ, sứ mệnh riêng vì chân lý, vẻ đẹp, sự kiêu hãnh của con người. Nhà thơ có thể là người đầu tiên đưa ra tính “tiên báo” và “cảnh báo” cho đời sống, đạt được như thế thì thật giá trị, nhưng đôi khi cũng thật mạo hiểm bởi có thể họ bị đẩy vào thế chênh vênh. Lịch sử thơ ca thế giới và Việt Nam không ít những ví dụ như thế”, nhà thơ Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh.

Nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ (Thái Nguyên) trong tham luận về thơ dân tộc thiểu số đã chỉ ra sự phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu của các tác giả trong khoảng 20 năm trở lại đây. Nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số đã định vị được tên tuổi của mình trong sự mến mộ của người đọc, tiêu biểu như: Y Phương (dân tộc Tày), Lò Ngân Sủn (dân tộc Giáy), Mã A Lềnh (dân tộc Mông), Triệu Kim Văn (dân tộc Dao), Lò Cao Nhum (dân tộc Thái), Pờ Sảo Mìn (dân tộc Pa Dí)...

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu là vô vàn nỗi lo cho hành trình đến tương lai của các nhà thơ, liên quan đến vấn đề giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập. Có thể điểm danh một số nguy cơ hàng đầu: Đội ngũ không còn nhiều người thông thạo tiếng mẹ đẻ, càng ít người sáng tác được bằng song ngữ; chất dân tộc miền núi ngày càng mờ đi; những nét bản sắc văn hóa của các tộc người thiểu số như phong tục tập quán, đời sống tinh thần, tâm linh... ngày càng nhạt.

Đông đảo các nhà thơ, nhà phê bình văn học và công chúng tham dự tọa đàm.

Đông đảo các nhà thơ, nhà phê bình văn học và công chúng tham dự tọa đàm.

Về bản lĩnh trong sáng tạo thơ ca, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng (Báo Nhân Dân) cho rằng có thể nhìn nhận hai khái niệm này ở trạng thái động. Nghĩa là không thể có bản lĩnh hay cá tính ngay từ ban đầu mà phải qua quá trình học hỏi, thử sức, rèn luyện, tìm đường, đối thoại, đối diện với những thành quả thơ ca đã có, những tác giả thành công đi trước.

Một chặng đường gian truân mà nhiều khi, bản lĩnh, cá tính nhà thơ còn được bồi đắp thêm trong những cuộc đối mặt với sự nghi ngờ, chê cười, xem thường, tẩy chay, lạnh lùng…

Đặc biệt trong bối cảnh mà những sự viết buông thả, dễ dãi, nhàn nhạt hay mòn sáo trong cách kể, tả, liên tưởng có xu hướng lạm phát, tràn lan, thì những vẻ lấp lánh và nỗ lực đổi mới cũng dễ bị vây bủa, ghì nén, chìm lấp. Chính bởi thế, những cá tính sáng tạo, những giá trị của nhiều sự nghiệp đã thành danh, những gương mặt đang tiếp tục vượt lên, càng cần được chú trọng...

Thực tế sáng tác và thẩm bình những năm qua, người làm nghề chứng kiến không ít trường hợp từng đột khởi, vụt sáng một chặng đường. Nhưng trên tiến trình đi tìm rõ nét hơn khuôn mặt mình, thì lại dần thỏa hiệp với trạng thái đam mê, bay bổng và những lấp lánh ban đầu mà mình đã có được.

Cũng như mối quan tâm đối với sự cách tân, đổi mới, biến đổi chính bản thân mình dần lại trở nên thứ yếu so với việc quan trọng nhất lúc này là giành giữ ngôi vị, so bì hơn kém, chiếm lĩnh giải thưởng, danh hiệu, tận dụng báo chí và xúc tiến truyền thông cho tên tuổi bản thân… Những điều đó vô hình chung khiến cho thi ca hồn nhiên, hưng phấn và góc cạnh dần chững lại, đều đều, bình bình và lâu dần trở nên mòn mỏi, quen thuộc trong những sáng tác mới.

Nhà phê bình văn học Hoàng Đăng Khoa (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) nhận định: Thơ là tự sự của tâm hồn. Hãy tự do tự tin tự chủ viết câu chuyện của tâm hồn mình theo cách của mình. Bản lĩnh thơ là đây mà bản sắc thơ cũng là đây. Tuy nhiên, cả bản lĩnh và bản sắc đều phải luôn được cài đặt ở chế độ động và mở, tức là nói không với cứng nhắc và bảo thủ. Bản lĩnh còn là biết tự xóa tẩy mình để làm mới mình, tức kiến tạo một phiên bản mới, một bản sắc mới. Bản lĩnh còn là biết độ lượng với chính mình, bởi cuộc thơ thì vô cùng, người thơ thì thường khi lực bất tòng tâm. Và bản lĩnh còn là vừa biết tận tâm tận lực với thơ, vừa biết xem thơ chỉ là một nghề chơi, dẫu lắm công phu (Lê Đạt gọi nhà thơ là “phu chữ”) thì nghề chơi này cũng vô tăm tích, giữa lễ hội của vô nghĩa.

Lý Hữu Lương - nhà thơ người Dao cũng là một người lính cho rằng nhà thơ chân chính đều có tinh thần tâm linh. Quá trình sáng tác là nhận thức về không gian bên trong bằng những tưởng tượng trải nghiệm của “cái tôi sâu thẳm” đầy lý tính nhằm khám phá ra cách thể hiện cá tính riêng của mình. Việc khôi phục, chuyển hóa diễn tả bằng từ ngữ thơ để diễn đạt tinh thần, tư duy trong không gian, thời gian đó ở điều kiện hiện tại sẽ tạo thành bản sắc. Thật ra, đó là một quá trình hết sức khó khăn với người sáng tác.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ngay-tho-viet-nam-tu-ban-linh-den-ban-sac-nha-tho-post797369.html