Ngày thống nhất anh sẽ về!

Trong những đêm thao thức không ngủ và giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống thời chiến, lời hẹn sẽ trở về trong ngày đất nước thống nhất của chồng-Anh hùng LLVT nhân dân Đỗ Văn Trì, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã trở thành động lực mạnh mẽ để bà Ngô Thị Liên vững dạ nuôi con, chờ ngày gia đình đoàn tụ.

Gần 60 năm nên duyên vợ chồng thì quá nửa thời gian phải sống trong xa cách, nhưng bà Liên không một lời than vãn, bởi bà có một niềm tin son sắt dành cho chồng. “Trước lúc lên đường vào miền Nam, anh Trì được đơn vị cho nghỉ 10 ngày phép về thăm nhà. Hôm chia tay, anh hứa đi rồi sẽ về với tôi trong ngày hòa bình, thống nhất. Và tôi luôn tin là anh sẽ làm được như những lần vượt qua lằn ranh của sự sống chết giữa bom đạn của kẻ thù”, bà Ngô Thị Liên tâm sự.

Tâm sự ấy của bà Liên khiến chúng tôi nhớ tới câu chuyện chiến đấu từng được đồng đội và chính anh hùng Đỗ Văn Trì chia sẻ trong những lần trò chuyện trước đó. Ông sinh ra và lớn lên ở xã Thụy Văn (Thái Thụy, Thái Bình). Tháng 2-1964, 18 tuổi, Đỗ Văn Trì nhập ngũ rồi được về làm xạ thủ trung liên thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Tháng 7-1965, đơn vị ông nhận nhiệm vụ phòng ngự ở đồi H3-Q6 (trên đất Lào). Chính tại đây, phẩm chất anh hùng của ông đã tỏa sáng.

Đại tá Đỗ Văn Trì và vợ. Ảnh chụp lại

Đại tá Đỗ Văn Trì và vợ. Ảnh chụp lại

Nhớ về sự kiện năm đó, Đại tá Đỗ Văn Trì kể: "Sáng 21-7, tổ trung liên tôi nhận lệnh lên giữ chốt. Khi địch tiến vào gần trận địa, một khẩu trung liên bất ngờ không bắn được, tôi buộc phải sang giúp đỡ. Bình tĩnh điều chỉnh thước ngắm, tôi bắn từng loạt đạn chính xác vào giữa đội hình địch. Dù bị thương vong nhiều nhưng ỷ vào quân số đông và hỏa lực mạnh, chúng vẫn tràn lên. Một quả đạn cối nổ gần làm tôi bị thương vào đầu, cánh tay. Máu chảy nhiều khiến tôi khá choáng váng nhưng vẫn cố gắng chiến đấu. Bỗng tôi thấy bụng dưới đau nhói, nhìn xuống thấy ruột lòi ra, tôi mới biết mình bị thương lần hai. Có lẽ do căng thẳng quá mà mình chai sạn với đau đớn, tôi nhờ đồng đội úp bát lên, cuốn vải màn xung quanh rồi tiếp tục cầm súng. Nhưng do mất máu nhiều, lúc sau, tôi không thể chiến đấu được đành phải vào trong hầm. Do đạn của đơn vị cạn dần, chính trị viên lệnh cho thương binh nhẹ đi gom đạn tiếp tế cho các xạ thủ chiến đấu. Với cánh tay chưa bị thương và hai chân, tôi cũng cố lắp được ba băng đạn, chuyển lên cho anh em chiến đấu".

Kết thúc trận đánh, Đỗ Văn Trì được đưa về trạm phẫu, khi lên bàn mổ, do thiếu thuốc gây mê nên các bác sĩ buộc phải “mổ sống” cho ông. Ca mổ kéo dài 12 tiếng, phải cắt bỏ 2 thùy gan và rạch nhiều vị trí trên cơ thể để lấy những mảnh đạn găm mà ông chỉ mím chặt môi không một tiếng kêu. Sau đó, ông được đưa về nước điều trị rồi phục viên.

Trở về quê hương trong khi chưa thỏa khát vọng cống hiến cho đất nước, ông đứng ngồi không yên. May nhờ có cô thôn nữ Ngô Thị Liên là người cùng làng thường xuyên hỏi han, động viên, ông mới tạm vơi bớt nỗi niềm. Tình cảm của hai người cũng lớn dần lên sau mỗi ngày trò chuyện hay cùng ra đồng cấy cày sớm hôm.

Giữa lúc tình cảm đôi lứa đang độ chín thì bất ngờ cấp trên gọi ông trở lại Quân đội và ông còn được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì thành tích đặc biệt trong chiến đấu tại đồi H3-Q6.

Trước khi cùng Trung đoàn 174 trở lại chiến trường Lào, biết ông đã có tình cảm với Ngô Thị Liên nên gia đình giục hai người làm đám cưới. Trong khi ông từ chối vì sợ có thể làm lỡ dở đời người con gái thì Liên lại đồng ý làm đám hỏi, sẵn sàng trở thành “nàng dâu non” thay người yêu gánh vác việc hậu phương. Phải đến 4 năm sau, tranh thủ 10 ngày phép, hai người mới tổ chức đám cưới. Bà Liên kể: “Lễ thành hôn diễn ra thật đơn sơ với cơi trầu, buồng cau và lời chúc phúc của bạn bè cùng hai bên gia đình. Rồi anh Trì lại mải miết với việc nhà binh, còn tôi tiếp tục công tác ở địa phương, chăm lo hai bên gia đình”.

Cuối năm 1974, do Trung đoàn trưởng Trung đoàn 148 Doãn Mão bị thương, cấp trên quyết định bổ nhiệm anh hùng Đỗ Văn Trì làm Trung đoàn trưởng và chỉ huy đơn vị hành quân vào Nam, tham gia đánh trận mở màn trong Chiến dịch Tây Nguyên-chiến dịch mở màn then chốt của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Kết thúc trận đánh, Trung đoàn 148 hoàn thành nhiệm vụ, được tuyên dương anh hùng ngay tại mặt trận và tiếp tục cùng các cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn.

Bà Liên kể: “Nhiều tháng trôi qua sau ngày miền Nam giải phóng, tôi không có thông tin gì về anh. Bối rối và lo lắng quá, tôi đánh liều viết thư gửi lên Tổng cục Chính trị hỏi thăm. Bức thư được Tổng cục chuyển về đơn vị anh, sau đó, tôi nhận được thư báo bình an cùng lời hứa sẽ về sớm của anh. Vậy mà mãi đến đầu năm 1976, anh Trì mới cùng đơn vị ra Bắc. Lần đầu tiên anh biết mặt con trai đầu thì cháu cũng đã hơn 2 tuổi”.

Suốt bao năm ông đi chiến đấu, nhiều khi đi là biền biệt, bà Liên ở nhà không một lời kêu ca. Cả 3 lần sinh, bà đều vượt cạn một mình. Mãi đến khi Đại tá Đỗ Văn Trì nghỉ hưu, hai vợ chồng mới có điều kiện chăm sóc nhau. Do nhiều lần bị thương nặng trong chiến đấu nên sau này sức khỏe của ông không tốt. Việc ra vào bệnh viện “như cơm bữa” lại một tay bà chăm lo từng bữa cơm, giấc ngủ hay viên thuốc cho ông. “Cuộc đời tôi may nhờ có bà ấy đồng hành!”, Đại tá Đỗ Văn Trì xúc động bộc bạch.

SONG THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/ngay-thong-nhat-anh-se-ve-825727