Ngày thứ 2 kỳ thi vào lớp 10 chuyên: Đề thi khó, nhưng hay
Ngày 13/7 các thí sinh dự thi vào lớp 10 chuyên của 2 trường THPT chuyên KHTN và THPT chuyên KHXH&NV tiếp tục các bài thi Toán (vòng 2) và môn Ngữ văn - môn thi được trông chờ nhất trong khóa tuyển sinh đầu tiên của trường chuyên này.
Phổ điểm Toán: Loanh quanh ở mức 5 điểm
Thí sinh dự thi môn Toán (vòng 2) vào lớp 10 Trường THPT chuyên KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội). Với số hồ sơ nộp vào ở mức trên dưới 700, tỷ lệ chọi vào hai lớp lần lượt là 1/7,8 và 1/7,7.
Đề Toán gồm bốn câu, làm trong 150 phút, dành cho thí sinh thi chuyên Toán và Tin trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên.
Nhận định về đề thi môn Toán (vòng 2), TS Phạm Ngọc Hưng, giáo viên Toán - Hệ thống Giáo dục HOCMAI phân tích, đề có cấu trúc tương tự như các năm gần đây, gồm 4 câu hỏi lớn.
Các bài toán trong đề thi đều ở dạng quen thuộc, không xuất hiện những bài toán lạ, các bài toán tổ hợp, toán rời rạc. Đề thi có điểm số cho từng câu, cũng sẽ giúp thí sinh kiểm soát bài làm trong khi thi được hiệu quả hơn. Điểm trung bình khoảng 5 - 6 điểm. Sẽ có điểm 9, 10.
Thầy Nguyễn Mạnh Cường, giáo viên Toán trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) nhận định: Nhìn chung đề thi khó, khá bí hướng suy nghĩ cho học sinh và phổ điểm sẽ không cao. Câu 1: dùng các phép thế và khai triển, nhưng khá cồng kềnh cũng như khó nhìn ra cách biến đổi; Câu 2: bài số học khó tìm ra hướng biến đổi. Bài tổ hợp sẽ khó đối với học sinh, mặc dù không lạ; Câu 3: 2 ý đầu không phức tạp, nhưng ý thứ 3 khá khó vì hình vẽ rối, và kỹ thuật chứng minh cũng lắt léo; Câu 4 là bất đẳng thức khó. Sẽ không nhiều học sinh làm được bài này. Nếu xét về độ mới thì không mới, nhưng đòi hỏi kỹ thuật, lắt léo hơn, tính toán nhiều hơn. Phổ điểm sẽ loanh quanh mức 5 điểm.
Năm học 2020-2021, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển 90 học sinh lớp chuyên Toán và 90 em lớp chuyên Tin. Kỳ thi vào lớp 10 của trường diễn ra ngày 12 - 13/7. Năm học trước, điểm chuẩn vào lớp chuyên Toán và chuyên Tin lần lượt là 22 và 21,5.
Đề chuyên Văn khó nhưng hay
Cũng trong sáng 13/7, các thí sinh dự thi vào lớp chuyên Văn THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) làm bài thi chuyên Ngữ văn. Đề thi gồm 2 câu: nghị luận xã hội 4 điểm, nghị luận văn học 6 điểm.
Trong đó, câu nghị luận xã hội hỏi: “Phải chăng lắng nghe người khác là đánh mất cơ hội thể hiện bản thân mình”. Phần nghị luận văn học đưa ra một câu viết của nhà thơ Xuân Quỳnh: “Thơ đối với cuộc sống ví như một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh”. Từ trải nghiệm văn học của bản thân, em hãy bàn luận ý kiến trên. Sau 150 phút làm bài, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với tâm trạng thoải mái, thích thú với đề thi chuyên lần này.
Rời phòng thi, thí sinh Uyên Ly (Hà Nội) chia sẻ, em rất thích câu hỏi nghị luận xã hội khi đề cập tới cách lắng nghe, cách thể hiện bản thân của giới trẻ trong xã hội hiện nay. Khi đọc đề, em đã thấy đâu đó bóng dáng của chính mình. Đôi khi chính bản thân em hay nhiều bạn trẻ khác có những lúc khao khát muốn thể hiện cái tôi của chính mình, khẳng định bản thân với người lớn mà quên rằng cần phải lắng nghe và suy ngẫm. Câu hỏi rất ngắn, nhưng lại vô cùng sâu sắc và ý nghĩa, như một lời nhắc nhẹ với mỗi thí sinh.
Chung nhận định này, nhiều thí sinh cho rằng: Với đề thi Ngữ văn, sẽ không thể nói quá khó hay dễ, nó sẽ dễ khi mạch cảm xúc của thí sinh chạm đúng những gì đề bài đưa ra. Ngược lại, có thể đề hỏi không “đánh đố” nhưng vẫn khó viết nếu không có nhiều cảm xúc với vấn đề đó.
Theo đánh giá của TS Trịnh Thu Tuyết, giáo viên Ngữ văn - Hệ thống Giáo dục HOCMAI: Dư luận mấy ngày nay rất chờ đợi đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên KHXH & NV năm 2020 -2021, bởi đây là khóa đầu tiên của trường THPT chuyên KHXH & NV, đặc biệt được chờ đợi chính là đề thi môn Ngữ văn chuyên sáng nay, 13/7/2020.
Theo đó, về cấu trúc, đề thi vẫn theo đúng hướng cấu trúc đề tuyển sinh môn Ngữ văn chuyên của các tỉnh, thành phố nói chung và các khối chuyên Hà Nội nói riêng, đó là cấu trúc 4/6 dành cho hai câu hỏi nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Câu Nghị luận xã hội được chú ý bởi sự ngắn gọn, hàm súc, bởi cách đưa vấn đề nghị luận ngay trong yếu tố lệnh của cùng một cấu trúc câu nghi vấn. Câu nghị luận văn học đặt ra những vấn đề quen thuộc của lý luận văn học, đó là chức năng của văn học nói chung, hai phạm trù nội dung – nghệ thuật của thơ nói riêng. Vấn đề tuy quen thuộc nhưng không hề dễ với học trò lớp 9 khi các em phải nhận ra vai trò, giá trị, ý nghĩa của văn chương, của thơ với cuộc sống.
Theo cô Tuyết, đề Ngữ văn chuyên của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên KHXH & NV năm 2020 đã có một sự ra mắt an toàn và tương đối ấn tượng với hai câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học không mới nhưng vẫn có thể giúp tìm những học trò yêu văn chương, cá tính và sâu sắc. Trong tương lai, chúng ta vẫn hi vọng đón đợi những đề thi tuyển sinh hoàn toàn bứt ra khỏi lối mòn, từ cấu trúc tới vấn đề…