Ngày thứ 3 liên tiếp Việt Nam vượt mốc 30.000 ca mắc Covid-19
Trong 3 ngày 15, 16 và 17/2, số ca mắc Covid-19 mới được Bộ Y tế công bố tại Việt Nam là trên 30.000 ca nhiễm.
Số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tại Việt Nam vẫn trên đà tăng mạnh, vượt 20.000 ca bệnh kể từ ngày 8/2 đến nay. Xu hướng này phù hợp với nhận định của các chuyên gia và Bộ Y tế sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Theo công bố của Bộ Y tế, ngày 17/2, Việt Nam có 36.200 ca nhiễm mới, trong đó, 10 người nhập cảnh và 36.190 ca tại 62 tỉnh, thành phố.
Đáng chú ý, 12 tỉnh, thành phố ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới trong ngày, số lượng cao nhất từ trước nay. Các địa phương này gồm: Hà Nội (3.893), Thái Nguyên (2.478), Quảng Ninh (2.477), Hải Phòng (1.548), Phú Thọ (1.417), Vĩnh Phúc (1.362), Bắc Ninh (1.362), Nghệ An (1.352), Hải Dương (1.350), Nam Định (1.344), Hòa Bình (1.256), Bắc Giang (1.112).
Hà Nội phát hiện 3.893 ca nhiễm trong 24 giờ
Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 16/2 đến 18h ngày 17/2, trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.893 ca mắc Covid-19. Trong đó, 913 F0 được phát hiện tại cộng đồng; 2.980 ca đã cách ly.
Số lượng F0 phân bố tại 496 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số xã, phường có số mắc cao trong ngày là: An Khánh (Hoài Đức) 33 ca; Ninh Hiệp (Gia Lâm) 18 ca; Long Biên (Long Biên) 17 ca; Quảng An (Tây Hồ) 17 ca; Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) 17 ca; Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm) 16 ca; Điện Biên (Ba Đình) 16 ca.
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021) đến nay là 186.998 ca. Theo công bố từ Bộ Y tế, ngày 17/2, Hà Nội có 19 bệnh nhân Covid-19 tử vong, cao nhất cả nước.
Tính đến hết 16/2, Hà Nội có 126.073 F0 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 121.000 F0 điều trị tại nhà và 853 ca điều trị tại khu cách ly. Hơn 3% còn lại (khoảng 4.000 ca) phải nhập viện điều trị.
Số lượng bệnh nhân nặng tại Hà Nội cũng có xu hướng tăng nhẹ, trong đó khoảng 2.500 ca mức độ trung bình (tăng gần 30% so với trung bình 7 ngày trước); gần 700 ca mức độ nặng/nguy kịch tăng gần 15%; 608 ca thở oxy (tăng 18%); 44 ca phải thở máy xâm lấn (tăng 13%).
Số còn lại là bệnh nhân thở oxy dòng cao (HFNC), lọc máu, ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể).
Ca nhiễm Omicron cộng đồng thứ 11 tại TP.HCM
Thông tin tại họp báo định kỳ về tình hình dịch Covid-19 tại thành phố của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM chiều 17/2, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, thông tin về ca nhiễm Omicron cộng đồng thứ 11 phát hiện trên địa bàn.
Bà Mai cho biết trong 5 ca mắc Omicron trong cộng đồng được ghi nhận gần đây, TP.HCM xác định 19 F1. Trong đó, 3 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Một ca trong số này được xác định mắc Covid-19 do biến chủng Omicron gây ra.
Như vậy, từ ngày 1/1 đến nay, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 166 ca nhiễm biến chủng Omicron (gồm 155 ca nhập cảnh và 11 ca được phát hiện tại cộng đồng).
Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết cơ quan này đang phối hợp với các sở, ngành để tăng cường giám sát, mở lại các đường bay và giám sát cả ở nhập cảnh và trong cộng đồng.
Ngoài ra, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM có xu hướng tăng kể từ ngày 7/2, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần.
Từ 76 ca nhiễm ngày 7/2, số ca mắc tăng lên nhanh chóng ở mức 300 F0 trong ngày 12/1, sau tăng đến 620 ca ngày 16/2 và 483 ca trong ngày 17/2.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết một trong những vấn đề được chuyên gia ngành y tế rất quan tâm là số ca trong cộng đồng đang “nhích nhẹ lên”. Nguyên nhân là người dân về lại thành phố sau kỳ nghỉ lễ và TP.HCM cho học sinh trở lại trường.
Trong bối cảnh số ca nhiễm có xu hướng tăng tại trường học, ngành y tế và giáo dục và y tế sẽ tiếp tục tăng cường, đồng thời, quan sát các trường, khu vực có ca dương tính để xử lý kịp thời.
Ca nhiễm tăng cao tại các tỉnh phía Bắc
Chiều 17/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông tin trong 12 giờ qua, từ 6h đến 18h ngày 17/2, toàn tỉnh ghi nhận 1.339 ca dương tính mới. Trong đó, 262 ca phát hiện tại cộng đồng; 1.077 ca đã được cách ly từ trước (1.070 ca là F1,07 ca từ ngoại tỉnh có dịch về).
Các địa phương có số bệnh nhân cao nhất trong 12 giờ qua là Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nam Đàn, TP Vinh, Nghi Lộc. Như vậy, trong 24 giờ qua, từ 18h ngày 16/2 đến 18h ngày 17/2, tỉnh Nghệ An ghi nhận 2.558 ca dương tính mới, trong đó có 591 ca cộng đồng. Ba bệnh nhân tử vong do Covid-19.
Theo báo cáo cập nhật dịch Covid-19 tỉnh Quảng Ninh, trong 24 giờ qua, tính đến 16h ngày 17/2, toàn tỉnh ghi nhận 2.477 ca mắc Covid-19 mới (gồm 2.248 ca cộng đồng, 229 ca đã quản lý, cách ly). Đây là ngày đầu tiên Quảng Ninh vượt ngưỡng 2.000 ca bệnh/ngày.
Các địa phương ghi nhận nhiều F0 nhất là Hạ Long (1.020), Quảng Yên (345), Uông Bí (268), Đông Triều (203), Cẩm Phả (202).
Ngoài ra, số ca nhiễm là học sinh cũng tăng cao đột biến với 747 ca (chiếm 30,16%), 36 ca là giáo viên (1,45%). Số ca mắc là công nhân, người lao động vẫn duy trì ở mức cao, trong đó 313 ca mắc là công nhân làm việc tại các công ty, khu công nghiệp (chiếm 12,64%), xu hướng này giảm hơn so với ngày hôm qua.
Cùng thời gian này, Thái Nguyên ghi nhận 2.478 trường hợp có xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, theo thông tin từ báo Thái Nguyên. Các địa phương ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất là thị xã Phổ Yên (985), TP Thái Nguyên (474), Đại Từ (225), Phú Bình (212), Phú Lương (167), TP Sông Công (166), Đồng Hỷ (122)...
Ngoài ra, tỉnh này cũng ghi nhận 5.478 trường hợp F1 mới được phát hiện liên quan các ca bệnh mới. Hiện, toàn tỉnh có 28.911 trường hợp thực hiện cách ly tại địa phương.
Theo cổng thông tin điện tử TP Hải Phòng, hiện nay, dịch bệnh trên địa bàn thành phố diễn biến phức tạp. Số ca F0 cộng đồng những ngày gần đây đều trên 1.000 trường hợp.
Số ca tích lũy tính đến ngày 14/2/2022 tại thành phố là 34.423. Trong đó, số F0 đang được quản lý và điều trị tại nhà là 31032 ca (chiếm 95,7%). Các cơ sở hành nghề y dược tư nhân đã tích cực tham gia hỗ trợ, điều trị cho các F0 điều trị tại nhà, góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế trên địa bàn.
Theo báo cáo của CDC tỉnh Hòa Bình, tính đến 16h ngày 17/2, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 1.256 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó, 418 trẻ dưới 18 tuổi, 775 trường hợp trong độ tuổi 18-65, 63 người trên 65 tuổi.
Về tiền sử tiêm chủng, có 345 trường hợp chưa tiêm, 16 trường hợp tiêm một mũi, 895 trường hợp tiêm đủ 2 mũi trở lên. Trong số 1.256 ca bệnh, 901 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng, 355 ca đã được cách ly trước đó.
Các địa phương có nhiều ca nhiễm nhất tại tỉnh Hòa Bình là Lương Sơn (170), TP Hòa Bình (296), Đà Bắc (53), Cao Phong (39), Tân Lạc (50), Mai Châu (50), Lạc Sơn (250). Trong ngày, Hòa Bình không ghi nhận trường hợp tử vong do Covid-19.
Ngày 17/2, theo bản tin của Bộ Y tế, Ninh Bình không ghi nhận ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh, trong ngày 17/2, số ca bệnh mới được phát hiện trên địa bàn là 1.870 ca, giảm 277 ca so với hôm qua. Trong đó, tại cộng đồng là 1.705 ca; khu vực phong tỏa có 165 ca.
Số ca mắc mới tại các địa phương cụ thể như sau: TP Ninh Bình (573), TP Tam Điệp (305), Hoa Lư (264), Yên Mô (225), Yên Khánh (214), Gia Viễn (147), Nho Quan (80), Kim Sơn (62).
Việt Nam cấp phép 3 thuốc chứa Molnupiravir
Ngày 17/2, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, đã có Quyết định về việc ban hành danh mục 3 thuốc sản xuất trong nước được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.
Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, đăng ký kiểm tra chất lượng, nguyên liệu theo tiêu chuẩn và phải đạt yêu cầu mới được đưa vào sản xuất; phối hợp với các cơ sở điều trị thực hiện đúng quy định hiện hành về thuốc kê đơn, theo dõi an toàn, hiệu quả, tác dụng không mong muốn của thuốc trên người.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong ngày 16/2, cả nước có thêm 2.738.773 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Đây là ngày Việt Nam đạt số lượng mũi tiêm vaccine cao nhất kể từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay.
Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm tại nước ta là 189.761.776 liều, trong đó tiêm mũi một là 79.879.844 liều, tiêm mũi 2 là 75.740.234 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 34.141.698 liều.