Ngày thứ hai xét xử đại án BIDV: Các bị cáo đều đổ tội cho người đã mất

Ngày 27-10, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đại án gây thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).

Qua cáo trạng và quá trình xét hỏi cho thấy, ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch BIDV, đã tử vong) là người trực tiếp chỉ đạo, gây sức ép với cấp dưới cho Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) và Công ty TNHH Thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) vay tiền, dẫn đến thiệt hại.

Trình bày tại tòa, bị cáo Trần Lục Lang, nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, khi thẩm định đã thấy 8 yếu tố rủi ro, thiếu tài sản bảo đảm đối với dự án của Công ty Bình Hà. Tuy nhiên, bị cáo Lang khai nếu không thẩm định được thì bị ông Trần Bắc Hà dọa cách chức.

Cáo trạng xác định, vào năm 2015, ông Trần Bắc Hà có trao đổi với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt ứng dụng công nghệ cao. Dự án dự kiến có quy mô chăn nuôi 150.000 con bò/năm, tổng vốn đầu tư hơn 4.200 tỷ đồng, thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.

Ông Hà giới thiệu hai nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, đồng thời cam kết BIDV sẽ tạo điều kiện về vốn vay cho dự án. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú do con trai ông Hà là Trần Duy Tùng (hiện đang bỏ trốn) làm Tổng Giám đốc nên theo quy định, BIDV không được cấp vốn cho công ty này.

Ông Hà chủ trương thành lập Công ty Bình Hà gồm ba cổ đông là Trần Anh Quang (cháu họ ông Hà và là lái xe cho Tùng), Thái Thành Vinh (bạn của Tùng) và Đinh Văn Dũng (do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu).

Liên quan đến Công ty Trung Dũng, vào tháng 8-2011, các bị cáo Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Trần Hồng Quang, Đặng Thanh Nam (BIDV chi nhánh Hà Thành) vẫn thực hiện việc cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng mặc dù biết công ty này đang làm ăn khó khăn.

Do áp lực từ sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo trên đã quyết định giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay 26 khoản còn dư nợ hơn 600 tỷ đồng, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản bảo đảm khoản giải ngân cho vay để đảo nợ. Hành vi này của các bị cáo đã gây thiệt hại cho BIDV tổng số tiền hơn 860 tỷ đồng.

Thừa nhận trách nhiệm liên đới trong vụ án, nhưng bị cáo Ngô Duy Chính (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) cho rằng, bản thân có các hành vi sai phạm trên là do thực hiện theo sự chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà và tin tưởng vào cán bộ cấp dưới.

Thực tế, ông Trần Bắc Hà đã buộc giám đốc chi nhánh điều chuyển công tác các phó giám đốc chi nhánh để giao bị cáo Nguyễn Xuân Giáp phụ trách quan hệ khách hàng vì từng có ý kiến dừng giải ngân. Khi Công ty Trung Dũng đề nghị phát hành thư tín dụng, ông Trần Bắc Hà có bút phê chỉ đạo nên bị cáo Giáp và cán bộ Phòng Quan hệ khách hàng phải thực hiện.

Tại phiên tòa, rất nhiều bị cáo trước đây là cấp dưới của ông Trần Bắc Hà cũng đã đổ tội cho ông này có những chỉ đạo thao túng ngân hàng.

Chu Dũng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/phap-dinh/982019/ngay-thu-hai-xet-xu-dai-an-bidv-cac-bi-cao-deu-do-toi-cho-nguoi-da-mat