Ngày thương binh - Liệt sĩ 27/7: Người cựu chiến binh 7 lần được phong danh hiệu dũng sĩ
Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi nhắc lại những năm tháng gian khổ mà đầy hào hùng ấy, cựu chiến binh Trần Quang Vinh, người đã được phong tặng danh hiệu dũng sĩ tới bảy lần, vẫn không khỏi xúc động và tự hào.
Trong căn nhà nhỏ trên phố Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội, ông Trần Quang Vinh, 85 tuổi, vẫn còn rất minh mẫn và nhanh nhẹn, đặc biệt khi kể về cuộc đời binh nghiệp đầy hào hùng của mình.
Sinh ra và lớn lên tại Võ Liệt, Thanh Chương, Nghệ An, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, năm 1958, chàng thanh niên Trần Quang Vinh bắt đầu cuộc đời binh nghiệp khi tham gia vào Tiểu đoàn Công binh 25, Quân khu 4, và sau đó được cử đi học tại Trường Sỹ quan Công binh ở Bắc Ninh.
Năm 1965, ông Vinh cùng đồng đội bắt đầu hành quân vào chiến trường Tây Nguyên, nơi ông đã tham gia nhiều chiến dịch lớn nhỏ và lập nên những chiến công vang dội.
Nhớ lại trận đầu tiên là Chiến dịch Pleime năm 1965, ông Vinh kể về nhiệm vụ "vây đồn, diệt viện" với mục tiêu tiêu hao sinh lực địch. Ông và đồng đội đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ trong điều kiện chiến trường rừng núi thiếu thốn đủ thứ. Đơn vị của ông không chỉ phải chiến đấu, mà còn tự tăng gia sản xuất để nuôi sống quân đội, mở đường quân sự, làm cầu gỗ, và xẻ gỗ đóng thuyền ghép thành phà để vận chuyển xe, pháo.
Là một sĩ quan chuyên ngành cầu đường, vượt sông, rà phá bom mìn và chất nổ, ông Vinh đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn. Ông nhớ rõ trận phục kích địch trên tuyến đường từ Ban Mê Thuột vào phía Nam, nơi đơn vị của ông đã diệt được 17 xe và toàn bộ đoàn vận tải của địch. Trong trận này, ông không may bị thương ở đầu, nhưng vẫn kiên quyết xin trở lại đơn vị ngay sau khi tỉnh dậy.
"Tỉnh dậy, tôi thấy anh em đã đưa về Trạm xá, nhưng lúc đó không ai muốn rời đơn vị, nên tôi nhất định xin về đơn vị, vì sợ ở lại điều dưỡng họ sẽ đưa mình trở ra và không được chiến đấu, ở cạnh anh em," ông Vinh nhớ lại.
Chiến trường Tây Nguyên lúc đó đầy khó khăn và thiếu thốn, nhiều bộ đội hy sinh do bệnh tật và điều kiện khắc nghiệt. Ông Vinh từng bị sốt rét ác tính, tưởng chừng không qua khỏi, nhưng nhờ sự tận tình của các y bác sĩ, ông được cứu sống. "Tôi sốt rét kéo dài, hồng cầu còn 34 vạn, tưởng không thể qua khỏi. Nhờ từng giọt máu hiếm hoi san sẻ của y bác sĩ lúc đó mà tôi được cứu sống," ông Vinh kể.
Sau khi miền Nam được giải phóng, ông Vinh tiếp tục tham gia chiến dịch biên giới Tây Nam. "Chúng tôi thường xuyên ngủ hầm, mưa dầm đói khổ nhưng không nản chí quyết tâm chiến đấu cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau đó, chúng tôi còn chiến đấu giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng của bọn Khmer Đỏ," ông Vinh kể lại.
Ông nhớ lại những khoảnh khắc xúc động khi tiến vào giải phóng Sài Gòn và được bà con vỗ tay chào đón: "Khi ngồi trên xe cơ giới tiến vào Tân Sơn Nhất, bà con nhìn thấy vỗ tay vui sướng. Khoảnh khắc đó thật xúc động".
Năm 1977, sau hơn 10 năm chiến đấu ở Tây Nguyên và 4 năm ở biên giới Tây Nam, ông Vinh được điều về công tác tại Ban Công binh, Mặt trận Tây Nguyên, sau đó học tại Học viện Hậu cần và làm việc tại Bộ Quốc phòng với vai trò Thanh tra viên, Chánh Thanh tra hậu cần, kỹ thuật, tài chính, kinh tế. Ông đã dành cả đời mình để cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, luôn kiên cường và quyết tâm trong mọi hoàn cảnh.
Cuộc đời binh nghiệp của ông Vinh không chỉ là những chiến công trên chiến trường, mà còn là tấm gương sáng về lòng kiên trung và tinh thần dũng cảm. Với ông, việc được trở về và hưởng tự do sau chiến tranh là một hạnh phúc và may mắn lớn. Ông kể rằng, so với những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, ông cảm thấy mình may mắn hơn nhiều.
Hiện nay, dù đã nghỉ hưu, ông Vinh và vợ vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là nói chuyện lịch sử với học sinh trên địa bàn vào các dịp lễ, tết. Ông hy vọng thông qua những câu chuyện của mình, các em học sinh có thể hiểu hơn về một thời khói lửa, về những hy sinh anh dũng của thế hệ cha ông, từ đó có quyết tâm rèn luyện, trở thành những người có ích cho xã hội.
Vợ ông, bà Nguyễn Thị Tiến, kể lại: "Tôi vừa 18 tuổi, được người anh giới thiệu có anh bộ đội kiên cường, dũng cảm. Vậy là sau 2-3 lần gặp nhau, chúng tôi nên duyên vợ chồng"> Sau đám cưới, ông Vinh lại hành quân vào đơn vị, mỗi năm chỉ về thăm nhà một lần, có năm không có tin tức gì. Sau hơn 40 năm phục vụ trong quân đội, đến năm 2000, ông Vinh về hưu, vợ chồng mới có cơ hội chăm sóc nhau.
Cuộc đời của cựu chiến binh Trần Quang Vinh là một câu chuyện đầy cảm động và hào hùng về lòng yêu nước, sự kiên cường và ý chí sắt đá. Ông không chỉ là một chiến binh dũng cảm, mà còn là một tấm gương sáng của một đảng viên kiên cường, luôn quyết tâm trong mọi hoàn cảnh. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là nguồn cảm hứng lớn lao cho thế hệ trẻ, góp phần giáo dục và truyền cảm hứng về lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm, kiên cường.