Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7): Thắp lửa tri ân

Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), chia sẻ cảm xúc của mình, những người lính già tự hào vì là một phần của thế hệ đã viết nên trang sử hào hùng của dân tộc…

Cựu chiến binh Hàn Minh Thái (trái).

Cựu chiến binh Hàn Minh Thái (trái).

Trong bài viết "Uống nước nhớ nguồn", Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: "Ngày 27 tháng 7 hằng năm cũng là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thể hiện lòng biết ơn sâu nặng tới gia đình người có công với cách mạng. Truyền thống cao đẹp 'uống nước nhớ nguồn' đã trở thành sợi dây thiêng liêng kết nối các thế hệ người Việt Nam, là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn để toàn dân tộc đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với những hy sinh, cống hiến to lớn của lớp lớp các thế hệ cha anh đi trước".

Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Tập trung nguồn lực để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công, nhất là tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nơi biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng, vùng kháng chiến trước đây. Đẩy mạnh chương trình đền ơn đáp nghĩa như xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, hỗ trợ y tế, phục hồi chức năng, đào tạo nghề và tạo việc làm bền vững cho con em người có công...

Tổ chức tốt các hoạt động tri ân, tưởng niệm, thăm hỏi, tôn vinh người có công với cách mạng một cách thiết thực, chu đáo, tránh hình thức, lãng phí. Phát động các phong trào 'Đền ơn đáp nghĩa', 'Toàn dân chăm sóc người có công' gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, quốc phòng, an ninh toàn dân và an sinh xã hội bền vững..."

Nhân Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7), Báo Thế giới và Việt Nam trân trọng giới thiệu những chia sẻ xúc động của hai cựu chiến binh như lời tri ân sâu sắc gửi tới những người đã hy sinh và cống hiến vì Tổ quốc.

Cựu chiến binh Hàn Minh Thái, quê Thanh Hóa, đơn vị E273, Quân đoàn 3: Tô thắm hình ảnh Bộ đội cụ Hồ

Mỗi năm, đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ký ức về thời tuổi trẻ sục sôi trong khói lửa chiến tranh lại ùa về. Tôi – người lính già may mắn trở về từ chiến trường ác liệt, luôn day dứt nhớ đến những đồng đội đã nằm lại nơi rừng sâu, núi thẳm khi tuổi đời còn rất trẻ. Tôi tự nhủ, phải sống sao cho xứng đáng, để tô thắm thêm hình ảnh người lính Bộ đội cụ Hồ.

Trong tôi, những năm tháng chiến đấu dường như vẫn còn nguyên vẹn: Một tháng vật lộn với cơn sốt rét giữa rừng sâu; những đêm hành quân trong tiếng bom đạn rung trời; ánh mắt lặng lẽ của đồng đội trước giờ xung phong; hay những bữa ăn rôm rả, để rồi chỉ sau một trận đánh đã người còn, kẻ mất...

Điều khiến tôi xúc động và nhớ nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình, chính là tình đồng chí, đồng đội keo sơn như ruột thịt. Giữa làn "mưa bom bão đạn", nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như sợi chỉ, chúng tôi cùng nhau chia sẻ từng củ sắn, ngụm nước, từng lời động viên để xua đi nỗi nhớ quê nhà, nhớ cha mẹ già.

Những ký ức ấy không chỉ là về những trận đánh cam go mà còn là câu chuyện về tình người, về lý tưởng cao đẹp đã thôi thúc người lính vượt qua gian khổ, kiên cường, không lùi bước trước kẻ thù.

Ngày 27/7 còn là ngày nhắc nhở, hãy sống tử tế, biết ơn và trân quý hòa bình, độc lập. Tôi tự hào vì là một phần của thế hệ đã viết nên trang sử hào hùng ấy. Đó là những kỷ niệm thiêng liêng, không bao giờ phai mờ trong tim. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những người có công luôn cảm thấy ấm lòng và tự hào về những đóng góp của mình cho Tổ quốc.

Cuộc sống sau chiến tranh không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhiều cựu chiến binh phải đối mặt với khó khăn về sức khỏe, kinh tế, tâm lý. Sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, thông qua các chính sách hỗ trợ, giúp các cựu chiến binh vơi đi phần nào gánh nặng, cảm thấy được thấu hiểu và chia sẻ. Được quan tâm khiến chúng tôi cảm thấy mình vẫn là một phần quan trọng của xã hội, không bị lãng quên; đồng thời củng cố niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, vào con đường phát triển của đất nước.

Đặc biệt, chúng tôi như có thêm động lực để tiếp tục phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", sống liêm khiết, giản dị, gương mẫu trong mọi hoạt động, tham gia tích cực vào các công tác xã hội, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước ngày càng vươn mình phát triển. Nhưng tôi luôn mong thế hệ trẻ hôm nay đừng quên rằng, hòa bình không phải tự nhiên mà có - đó là kết quả của sự hy sinh bằng máu, nước mắt và tuổi xuân của bao lớp người đi trước.

Hãy biết trân trọng quá khứ bằng những hành động cụ thể trong hiện tại và tương lai. Không ngừng học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có ích, có tri thức, có đạo đức - đó là cách tri ân thiết thực nhất đối với những người đã ngã xuống. Tôi tin, với trí tuệ và nhiệt huyết, thế hệ trẻ hôm nay sẽ tiếp bước cha anh, viết tiếp những trang sử vẻ vang cho dân tộc.

Cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng, quê Thái Bình cũ, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320: Sống lại những ký ức hào hùng

Cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng.

Cựu chiến binh Nguyễn Anh Dũng.

Cứ đến ngày 27/7, trong lòng tôi lại dâng lên rất nhiều cảm xúc khó tả, nhớ lắm, những đồng đội đã hy sinh. Chiến tranh là đau thương, mất mát nhưng cũng là nơi kết tinh sâu sắc nhất tình người, tình đồng đội.

Chúng tôi từng ăn củ chuối cầm hơi, từng đi qua những cánh rừng bị hủy diệt vì bom B52 và chất độc da cam, từng mê man giữa rừng sâu trong cơn sốt rét. Chúng tôi cũng từng thức trắng nhiều đêm để đi trinh sát căn cứ địch, thao thức nhớ thương trong những đêm không ngủ mỗi khi Tết đến, Xuân về.

Có những gương mặt tôi còn nhớ rõ đến từng nụ cười, từng câu nói trước lúc vào trận. Có người gửi lại tôi địa chỉ quê nhà, dặn dò: “Nếu tôi không về, nhớ đến thăm và động viên mẹ tôi nhé” và rồi, người đó đã mãi mãi không trở về...

Đất nước đã hòa bình nửa thế kỷ, nhưng trong những đêm mất ngủ, tôi vẫn thường nghĩ về những ngày hành quân trên Trường Sơn, những đêm trinh sát, những trận đánh ác liệt và cảm xúc trào dâng trong ngày chiến thắng 30/4 khi có mặt tại Sài Gòn hoa lệ.

Mỗi dịp này, ký ức về những đồng đội đã hy sinh lại trỗi dậy, nhắc nhở tôi phải sống xứng đáng với những người đã nằm lại, để thế hệ sau hiểu rằng, độc lập hôm nay là kết quả của máu xương biết bao người đi trước.

Tôi không thể quên trận đánh đầu tiên trong đời lính, diễn ra trong chiến dịch Xuân - Hè năm 1972 tại Kon Tum. Đầu tháng 4 năm 1972, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320 có nhiệm vụ đánh chiếm căn cứ Đắk Tô - Tân Cảnh - một trong những cứ điểm phòng thủ then chốt của địch ở Bắc Kon Tum, nhằm mở đường tiến vào thị xã.

Trung đội phòng không 12,7 ly chúng tôi có nhiệm vụ đánh chặn máy bay địch. Rạng sáng ngày 6/4/1972, sau khi pháo binh ta từ phía sau pháo kích dồn dập vào căn cứ địch thì bộ binh bắt đầu tấn công. Lúc này, hai máy bay A37 địch bay đến ném bom xuống trận địa của ta. Cả hai khẩu đội 12,7 ly đồng loạt nổ súng. Máy bay địch phát hiện trận địa phòng không và một chiếc A37 vòng lại bổ nhào ném bom trúng khẩu đội bên cạnh tôi.

Tôi chạy sang, thấy cả ba anh đã hy sinh. Cầm tay một người đồng đội, tôi thấy vẫn còn hơi ấm. Tim tôi như nghẹn lại mà sao không khóc được. Lần đầu tiên chứng kiến đồng đội hy sinh trên chiến trường tôi run lên, cảm giác như đứng không vững. Sau này còn nhiều mất mát nữa nhưng ký ức ấy mãi là nỗi ám ảnh sâu sắc nhất trong tôi.

Tôi mong thế hệ trẻ không chỉ nhớ bằng hoa, bằng những bài diễn văn trong lễ kỷ niệm, mà là bằng hành động - sống tốt, sống có lý tưởng, biết yêu thương nhau, biết giữ gìn những giá trị cha ông để lại.

Khi còn trẻ, thế hệ chúng tôi đã sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Giờ đây, tôi chỉ mong lớp trẻ cũng có tinh thần trách nhiệm như thế trong học tập, trong lao động, trong việc gìn giữ hòa bình và phẩm giá dân tộc mình. Đồng thời, hiểu rằng chính từ máu xương cha ông mới có cuộc sống hôm nay. Biết ơn không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động: Sống có trách nhiệm và không thờ ơ trước những hy sinh của người đi trước.

Nhà nước đã và đang làm được nhiều điều để tri ân người có công từ chính sách ưu đãi, thăm hỏi, hỗ trợ nhà ở, đến việc chăm sóc thân nhân liệt sĩ. Ngày 27/7 hằng năm, nhiều nơi tổ chức thắp nến tri ân, lễ tưởng niệm rất chu đáo, khiến những người lính già cảm thấy được an ủi, ấm lòng.

Tuy nhiên, tôi vẫn mong Nhà nước và cộng đồng quan tâm đều hơn, sâu hơn nữa không chỉ vào dịp lễ, mà suốt cả năm. Tôi còn nhiều đồng đội tôi sống âm thầm, bệnh tật, hoàn cảnh khó khăn ít ai biết đến. Việc tri ân không chỉ là về vật chất, mà còn là sự lắng nghe, thấu hiểu và trân trọng từ trái tim.

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ngay-thuong-binh-liet-si-277-thap-lua-tri-an-322205.html