Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7: Nghĩa tình trong những căn nhà tình nghĩa
Với tình cảm, đạo lý và trách nhiệm, thời gian qua, công tác 'Đền ơn đáp nghĩa' đã được tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện hiệu quả, bằng nhiều chương trình, hoạt động thiết thực thể hiện sự tri ân, đồng hành và hỗ trợ người có công với cách mạng.
Những ngày tháng 7 này, cùng với cả nước, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh tiếp tục lan tỏa hành trình tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh và những gia đình có nhiều đóng góp cho hòa bình, độc lập. Những việc làm thiết thực đã phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh, mang lại niềm tin, nghị lực và cuộc sống tốt đẹp hơn cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Xoa dịu nỗi đau chiến tranh
Thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa", thời gian qua, các cấp, ngành và người dân trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hướng đến gia đình người có công với cách mạng như: Thăm, tặng quà vào các dịp lễ, Tết; xây mới, sửa chữa nhà ở; chỉnh trang nghĩa trang liệt sỹ... Đặc biệt, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ là một trong những nội dung trọng tâm luôn được tỉnh quan tâm, giúp các gia đình có được căn nhà kiên cố, có điều kiện ổn định cuộc sống.
Là thương binh hạng 3/4, ông Đào Bá Tho, xã Thuận An, thị xã Bình Minh đã được chính quyền địa phương chăm lo, thường xuyên thăm và tặng quà, động viên vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn, việc có được một căn nhà kiên cố để ổn định cuộc sống luôn là ước mơ khó thực hiện của ông. Mới đây, gia đình ông Tho phấn khởi khi được hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng nhà mới khang trang.
Ông Tho chia sẻ: “Căn nhà cũ xuống cấp rồi, may nhờ được quan tâm kịp thời của các cấp giúp chúng tôi hoàn thành căn nhà mới. Cảm ơn Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến những gia đình chính sách, người có công cách mạng như chúng tôi”.
Cùng chung niềm vui như gia đình ông Tho, gia đình ông Nguyễn Văn Bồng (con của liệt sỹ) ở xã Chánh An, huyện Mang Thít cũng ấm lòng khi được địa phương quan tâm và kịp thời hỗ trợ kinh phí xây dựng căn nhà mới. Ông Bồng nói: “Thời gian qua, các cấp, ngành đã quan tâm thực hiện các chính sách với người có công. Bây giờ, gia đình tôi còn được hỗ trợ căn nhà khang trang nên rất vui và thấy ấm lòng hơn”.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, ngoài nguồn ngân sách nhà nước, tỉnh còn vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình người có công với cách mạng. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã xây mới và sửa chữa gần 1.000 căn nhà tình nghĩa, giúp các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh cơ bản có được nhà ở khang trang.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Võ Văn Tám cho biết, năm 2024, tỉnh Vĩnh Long thuận lợi trong công tác xây dựng và sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng khi huy động được nguồn lực xã hội hóa. Đến nay, tỉnh đã thực hiện xây dựng và sửa chữa 458 căn nhà cho người có công; trong đó xây dựng mới 65 căn nhà, sửa chữa 393 căn nhà. Để thực hiện tốt công tác này, thời gian qua, Sở đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc và phối hợp với các ban, ngành của địa phương tổ chức rà soát, khởi công, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nhằm đảm bảo chất lượng và tiến độ để người có công được hỗ trợ về nhà ở kịp thời. Những căn nhà tình nghĩa được xây dựng không chỉ là niềm vui, hạnh phúc của các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng mà còn thể hiện trách nhiệm của cộng đồng xã hội, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh và đóng góp cho hòa bình, độc lập của dân tộc.
Tiếp nối hành trình tri ân
Là thế hệ trẻ, được sinh ra trong hòa bình, tuổi trẻ tỉnh Vĩnh Long luôn thể hiện sự trân trọng và biết ơn những anh hùng, liệt sỹ, thương binh, gia đình người có công với cách mạng đã đóng góp vì hòa bình, độc lập của Tổ quốc. Các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã cùng nhau lan tỏa Hành trình tri ân tìm về nguồn cội với những việc làm thiết thực như: Thăm, tặng quà và nấu bữa cơm yêu thương với gia đình thương binh, liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng; thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ; chỉnh trang khuôn viên nghĩa trang; nói chuyện chuyên đề giáo dục truyền thống cách mạng…
Bà Lê Thị Phận, xã Phú Quới, huyện Long Hồ là mẹ liệt sỹ; trong kháng chiến bà cũng là giao liên vận chuyển lương thực nuôi bộ đội. Cùng tham gia tổ chức bữa cơm yêu thương tại gia đình bà, các cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên, sinh viên đã có những giây phút lắng đọng khi được nghe kể về những năm tháng hào hùng, biết về những gian khó và nghị lực của bà. Bên mâm cơm, các bạn trẻ quây quần, mang đến niềm vui và tiếng cười cho người mẹ từng chịu nỗi đau mất con và cảnh tù đày do chiến tranh.
Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Đại học Cửu Long Thái Thị Hiền cho biết, chương trình bữa cơm yêu thương được Đoàn Thanh niên trường duy trì hằng năm nhằm bày tỏ lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng, qua đó góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, tiếp lửa truyền thống cho sinh viên ra sức học tập, rèn luyện xứng đáng với thế hệ đi trước. Được nghe những lời chia sẻ, những câu chuyện của người đi trước, tuổi trẻ của Trường hiểu thêm về một phần lịch sử của dân tộc. Đây sẽ là hành trang để các bạn trưởng thành và sống có trách nhiệm hơn.
Đã thành thông lệ, cứ đến dịp những ngày cuối tháng 7, các đoàn viên, thanh niên lại tề tựu về Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Vĩnh Long cùng thắp nến tri ân, vừa ôn lại truyền thống, vừa tưởng nhớ công lao của những người đã nằm xuống vì độc lập, hòa bình hôm nay. Chương trình như lời nhắc nhở ký ức về một thời "mưa bom, lửa đạn”, về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, từ đó mỗi thanh niên ý thức hơn trách nhiệm phải sống, học tập, lao động, bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước.
Trưởng Ban Thanh niên Công an tỉnh Vĩnh Long Phạm Minh Mẩn cho biết: “Tôi cảm thấy xúc động mỗi khi được tham gia Lễ thắp nến tri ân nhân kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ hằng năm để bày tỏ lòng tri ân trước những đóng góp của các anh hùng liệt sỹ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nén hương, bông hoa, ngọn nến được dâng lên với tấm lòng thành kính và tuổi trẻ hôm nay nguyện ra sức rèn luyện, đóng góp nhiều hơn cho công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp".
Tỉnh Vĩnh Long đang quản lý hồ sơ trên 16.800 liệt sỹ, hơn 4.900 thương, bệnh binh; trên 2.800 Mẹ Việt Nam Anh hùng (72 Mẹ còn sống); trên 48.000 đối tượng là người hoạt động kháng chiến, người có công, gia đình có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và đối tượng khác. Thời gian qua, tỉnh tập trung thực hiện đầy đủ các chính sách cho người có công với cách mạng, thực hiện tốt công tác điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người có công và thân nhân liệt sỹ...
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, tỉnh Vĩnh Long tổ chức nhiều đoàn, đi thăm, tặng quà đồng thời triển khai nhiều hoạt động chăm lo, động viên các gia đình có công với cách mạng.