Ngày thường của thợ điện Anh hùng lao động

Với công nhân – Anh hùng lao động Trương Thái Sơn, sự gắn bó và cống hiến cho ngành điện là niềm tự hào

rở về từ lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới và Kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21-12-2020), công nhân – Anh hùng lao động Trương Thái Sơn miệt mài với công việc tại Công ty Điện lực Chợ Lớn thuộc Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC).

Công nhân Trương Thái Sơn gắn bó với Công ty Điện lực Chợ Lớn từ năm 2001, nhận quyết định về hưu từ tháng 4-2020. Mặc dù vậy, ông được Công ty Điện lực Chợ Lớn tin tưởng giữ lại, phân công nhiệm vụ hướng dẫn những thợ điện trẻ, mới vào nghề.

Tâm sự của Anh hùng lao động Trương Thái Sơn

Tâm sự của Anh hùng lao động Trương Thái Sơn

Hơn 1 tháng nay, niềm vinh dự trở thành 1 trong 2 công nhân ngành điện được trao danh hiệu Anh hùng Lao động càng nhắc nhở, thôi thúc ông làm việc hăng say hơn, trách nhiệm hơn nữa.

Hằng ngày, nếu không có lịch sửa chữa, thi công tại hiện trường thì ông đi kiểm tra các tủ điện trung thế, trạm biến áp. Thời gian dôi dư, ông dành cho nghiên cứu, tìm hiểu vật tư, công nghệ và cách làm mới phù hợp với thực tiễn hơn, đỡ mất thời gian, giảm công sức lao động hơn.

Điều khác biệt duy nhất là hiện không còn là công nhân chính thức nên ông không trực tiếp đăng ký công trình thi đua hay sáng kiến mà chỉ dẫn anh em trong tổ thực hiện.

"Tôi là một công nhân điện lực, mỗi ngày được làm thật tốt công việc của mình để đóng góp 1 phần nhỏ bé của mình cho ngành điện, cho TP HCM đã là một ngày hạnh phúc. Nhiệm vụ chính của tôi là hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật cho các bạn trẻ. Thế nhưng, tụi nhỏ làm tới đâu là tôi làm tới đó hoặc làm nhiều hơn chứ ngồi không chỉ việc thì tôi không chịu được" - ông bộc bạch.

Nhắc đến cái tên Trương Thái Sơn, tất cả anh em công nhân Đội Quản lý Điện quận 5 (Công ty Điện lực Chợ Lớn) đều bày tỏ sự quý mến bởi sự nhiệt tình, tận tụy, chỉn chu và niềm đam mê công việc ở ông. Lớp công nhân trẻ còn đặc biệt yêu quý vì mỗi khi có điều chưa rõ hoặc vướng mắc, trở ngại gì trong chuyên môn, cứ hỏi "anh Sơn" là được hướng dẫn thấu đáo bởi ông không bao giờ giấu nghề.

Là đàn anh đi trước, để ý thấy anh em nào còn yếu tay nghề hay lý thuyết về kỹ thuật an toàn điện, ông chủ động hướng dẫn, kèm cặp, chỉ dạy tận tình. Trước khi nghỉ hưu, ông tập hợp tất cả những ghi chép, lưu ý của mình trong công việc và gửi cho công ty làm tài liệu tham khảo.

Ông Trương Thái Sơn nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới

Ông Trương Thái Sơn nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới

"Một người thợ sửa chữa, quản lý đường dây và trạm cần phải nắm được kỹ thuật điện, kỹ thuật đường dây lưới điện, phải am hiểu rõ thiết bị về mặt nguyên lý và kết cấu mà mình đang quản lý như: máy cắt trung thế, máy biến thế, động cơ…; phải biết gia công cơ khí tốt để khi thi công, lắp đặt thiết bị được nhanh chóng, giúp dễ dàng hoàn thành nhiệm vụ. Đối với anh em bậc thợ thấp hay học sinh thực tập thì các kiến thức bao quát này sẽ có người không hiểu, không nắm bắt được. Với anh em thợ trẻ, bậc thấp, học sinh thực tập, ngoài việc hướng dẫn chuyên môn, tôi luôn quan tâm nhắc nhở họ phải xem trọng việc trang bị an toàn nơi làm việc. Trước khi công tác phải có ý thức trong việc kiểm tra thực hiện tiếp địa, rào chắn nơi công trường…" - ông Sơn say sưa nói và cho biết những việc ông đang làm đều nhằm mục đích hướng dẫn thực tế cho tất cả anh em công nhân trong tổ cùng am hiểu nhằm công tác được tốt hơn, đúng kỹ thuật, giúp lưới điện luôn được vận hành tin cậy, an toàn.

Nổi tiếng khắp Tập đoàn Điện lực Việt Nam với danh hiệu là "cây sáng kiến" không chỉ của điện lực TP HCM mà của cả ngành điện Việt Nam, ông Trương Thái Sơn đã có cả "bộ sưu tập" giải thưởng, bằng khen trước khi được xét chọn danh hiệu Anh hùng Lao động.

Cụ thể, từ năm 2006 đến nay, ông đã có hơn 30 sáng kiến được công nhận và đưa vào áp dụng thực tiễn trong công tác và làm giáo trình đào tạo công nhân mới, làm lợi cho ngành điện nhiều tỉ đồng. Từ năm 2009, mỗi năm ông cho ra đời vài sáng kiến. Riêng năm 2019, ông có đến 4 sáng kiến được báo cáo và ứng dụng trong đơn vị.

Những người biết rõ về "chú thợ điện Anh hùng Lao động" càng quý mến ông hơn bởi những thành tích đáng nể ông đạt được là kết quả của quá trình rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ và niềm đam mê bất tận dành cho công việc.

Xuất thân trong gia đình lao động nghèo nên khi còn trẻ, thanh niên Trương Thái Sơn đã kiên trì theo học lớp bổ túc văn hóa để có bằng trung học phổ thông rồi chọn học nghề kỹ thuật điện, điện công nghiệp, đọc thêm rất nhiều sách báo viết về kỹ thuật điện. Sau này đi làm, ông lăn xả vào việc, không ngại khó, không ngại cực khổ đồng thời tiếp tục thói quen tìm tòi, học hỏi qua sách vở rồi vận dụng thực hành ngay trong công việc hằng ngày. Hàng chục sáng kiến của ông lần lượt ra đời từ quá trình vừa làm vừa học như vậy.

Từ năm 2009, mỗi năm ông cho ra đời vài sáng kiến

Từ năm 2009, mỗi năm ông cho ra đời vài sáng kiến

"Khi ra công trường, công nhân phải có cái nhìn bao quát, khâu nào nhanh, khâu nào chậm, khâu nào có những vướng mắc, cản trở công việc có thể cải tiến được… Tôi chịu khó quan sát và ghi nhận lại, nghĩ cách phải làm sao để thi công hiệu quả hơn, đỡ mất sức anh em hơn rồi báo cáo lãnh đạo để ứng dụng" - ông Sơn nói về các sáng kiến của mình.

Về năng lực làm việc của công nhân Trương Thái Sơn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đánh giá ông luôn là người đảm nhận và chịu trách nhiệm chính trong các công tác quản lý, sửa chữa, tiểu tu lưới điện; luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, hết lòng và trách nhiệm trong công việc của mình; thực hiện nghiêm túc việc trang bị đầy đủ các dụng cụ an toàn, bảo hộ lao động; thực hiện đúng, đủ, nghiêm các biện pháp an toàn, các quy định về kỹ thuật an toàn điện; luôn có chế độ giám sát chặt chẽ ở công trường, không để xảy ra tai nạn lao động… Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn ghi nhận ông có công lớn trong việc bồi dưỡng, đào tạo đồng nghiệp và thế hệ trẻ trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh...

Đã gần 2 tháng sau lễ đón nhận danh hiệu cao quý, trao đổi với chúng tôi, "chú thợ điện" vẫn còn nguyên cảm xúc hạnh phúc xen lẫn tự hào. "Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ nhận được danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động. Tôi hiểu rằng danh hiệu này không dành cho riêng mình, không chỉ là công sức của cá nhân mình mà còn có sự đóng góp, hỗ trợ rất lớn của các cấp lãnh đạo và đồng nghiệp. Vậy nên tôi phải tiếp tục nỗ lực sáng tạo hơn nữa để xứng đáng là một anh hùng lao động thời kỳ đổi mới" – ông Sơn tâm sự.

Ngành điện TP HCM phát động thi đua học tập gương Anh hùng Lao động

Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch Công đoàn EVNHCMC, cho hay nhân dịp ông Trương Thái Sơn vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động, Công đoàn EVNHCMC đã đã phát động phong trào thi đua học tập gương Anh hùng Lao động Trương Thái Sơn, cụ thể là thi đua thực hiện tốt Bộ tiêu chí Người công nhân ngành điện thành phố mang tên Bác, có tay nghề giỏi, có tinh thần trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao, luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tích cực tham gia các phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đóng góp cho sự phát triển bền vững của tổng công ty. Thông qua các phong trào thi đua, Công đoàn sẽ cùng bộ phận chuyên môn có các chính sách bồi dưỡng, phát triển, để nhân rộng các gương điển hình tiên tiến trong phong trào công nhân lao động của tổng công ty.

Thực hiện:

Thanh Nhân - Hoàng Triều - Lê Duy

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/emagazine-ngay-thuong-cua-tho-dien-anh-hung-lao-dong-20210208125845698.htm