Ngày Tị nạn Thế giới 2021: 'Cùng hướng tới một tương lai không phân biệt đối xử'
'Cộng đồng thế giới phải làm nhiều hơn nữa để cùng nhau hướng tới một tương lai không bị loại trừ và phân biệt đối xử'.
Đây là thông điệp được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra nhân Ngày Tị nạn Thế giới 20/6, trong bối cảnh vấn đề người tị nạn và nhập cư tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi gay gắt ở cả Mỹ lẫn châu Âu, một lần nữa cho thấy đây không chỉ là thách thức của riêng mỗi quốc gia mà đã trở thành cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu.
Chắc hẳn nhiều người vẫn chưa thể quên câu chuyện gây ám ảnh được lan truyền trên mạng xã hội hồi năm 2016 về chặng đường di tản cho đến khi chết của cậu bé ba tuổi Aylan người Syria hay mới đây nhất hồi cuối tháng 5 vừa qua về cô bé Nahla, 6 tuổi, người Syria bị xích, nhốt trong lồng tại một trại tị nạn và bị nghẹn chết khi ăn bữa đầu tiên sau nhiều ngày bị bỏ đói.
Trong bức ảnh được chụp khoảng vài tháng trước cái chết của Nahla, mái tóc nâu nhạt của cô bé bết lại. Khuôn mặt và quần áo của em lấm lem bùn đất. Nahla cầm trong tay sợi dây xích, thứ cha bé thường dùng để ngăn bé không đi lang thang trong trại. Chia sẻ của nhà hoạt động Ama Rahan về cuộc nói chuyện ngắn ngủi với cô bé cũng để lại nhiều suy nghĩ. Khi được hỏi về điều mong muốn nhất lúc này, cô bé đã không do dự trả lời “một chiếc bánh mì” và chìa bàn tay nhỏ bé đầy vết loét của mình ra.
Sống trong cảnh bạo lực, đói ăn rình rập và không được tiếp cận với giáo dục, chăm sóc y tế, những đứa trẻ này đang phải đối mặt với cuộc đấu tranh sinh tồn từng ngày. Đây cũng là lý do khiến rất nhiều người sẵn sàng bất chấp vượt sóng dữ Địa Trung Hải trên những con thuyền ọp ẹp, thô xơ với hi vọng tìm được miền đất hứa, được thoát khỏi cảnh sống “địa ngục trần gian”.
Giáo hoàng Francis trong một phát biểu mới đây đã phải chua xót thốt lên, Địa Trung Hải đã trở thành “nghĩa địa lớn nhất châu Âu”, khi ông tưởng nhớ hàng nghìn người di cư tử nạn khi cố vượt biên sang lục địa già.
Trong thông điệp gửi đi nhân Ngày Tị nạn Thế giới, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết, chiến tranh, bạo lực và ngược đãi đã buộc hơn 80 triệu người trên khắp thế giới phải rời bỏ nhà cửa và từ bỏ mọi thứ để cứu mạng sống của bản thân và gia đình. Trong đại dịch, nhiều người đã bị tước đoạt sinh kế, bị kỳ thị, gièm pha và phơi nhiễm với virus. Tuy nhiên, cũng chính họ một lần nữa đã cung cấp sự hỗ trợ vô giá cho các xã hội chủ nhà của họ với tư cách là nhân viên thiết yếu và nhân viên tuyến đầu.
Ông Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng thế giới chung tay giúp những người tị nạn xây dựng lại cuộc sống, để cùng nhau hướng tới một tương lai không bị loại trừ và phân biệt đối xử: “Như chúng ta đã thấy trong đại dịch, để thành công, chúng ta cần sát cánh cùng nhau. Nhân Ngày Tị nạn Thế giới này, tôi kêu gọi các cộng đồng và chính phủ tiếp nhận và hòa nhập những người tị nạn, trong việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục và thể thao. Để cùng nhau chữa lành, chúng ta hãy cung cấp tất cả các chăm sóc cần thiết. Để cùng nhau học hỏi, chúng ta hãy cho mọi người cơ hội học tập. Để cùng nhau tỏa sáng, chúng ta hãy hợp tác và tôn trọng lẫn nhau” ./.