Ngày Tin tức Thế giới: Chúng ta có còn cần 'tin tức truyền thống' không?

Ngành truyền thông và báo chí đã trải qua những thay đổi lớn trong những năm gần đây, nhiều thay đổi trong số đó đã gia tăng áp lực và thách thức cho những người làm việc trong ngành.

Sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội đã đặt ra câu hỏi rằng, liệu các nền tảng truyền thống hơn như báo giấy và bản tin phát sóng vào khung giờ cố định trên truyền hình và radio có còn phù hợp không.

Với công nghệ cho phép truyền tải nội dung gần như liên tục trên máy tính và thiết bị di động, cùng với sự phổ biến kỹ thuật số ngày càng tăng, nhiều chuyên gia đã gióng lên hồi chuông báo tử cho phương tiện truyền thông truyền thống hoặc "chính thống", vì các nhà quảng cáo cùng doanh thu họ mang lại sẽ chuyển sang những mục tiêu khác.

Ngày Tin tức Thế giới 28/9 là sáng kiến toàn cầu nhằm thu hút sự chú ý của công chúng đối với vai trò của các nhà báo trong việc cung cấp tin tức và thông tin đáng tin cậy phục vụ cho người dân, nhấn mạnh giá trị và tầm quan trọng của báo chí cũng như vai trò thiết yếu của nó trong cuộc sống hàng ngày.

Do đó, cựu nhà báo và biên tập viên tin tức Nicholas Fang tại Singapore cho rằng hôm nay là thời điểm thích hợp để xem xét vai trò, tầm quan trọng và tương lai của phương tiện truyền thông hiện nay và trong những năm tới.

 Ảnh minh họa: iStock

Ảnh minh họa: iStock

Sứ mệnh của báo chí

Fang bước vào ngành báo chí với tư cách là nhà báo báo in toàn thời gian vào năm 1999, nhưng ông đã thực sự dấn thân vào môi trường này ngay vào đầu những năm 1990 với tư cách là thực tập sinh hay "phóng viên tập sự" như cách gọi vào thời đó.

Vào thời điểm đó, hầu hết các công ty tin tức ở Singapore và trên toàn thế giới đều có giá trị cốt lõi là "thông tin, giáo dục, giải trí và thu hút" độc giả. Điều này vẫn tiếp diễn khi Fang chuyển sang phát sóng tin tức vào cuối sự nghiệp của mình vào năm 2008.

ACT - tính chính xác (accuracy), bối cảnh (context) và tính kịp thời (timeliness), theo thứ tự ưu tiên giảm dần - đóng vai trò như ngọn hải đăng chỉ đường cho các nhà báo và biên tập viên mà Fang làm việc cùng, nhấn mạnh sứ mệnh đảm bảo cung cấp thông tin chính xác và kịp thời, được trình bày theo định dạng hấp dẫn và lôi cuốn.

Mặc dù Fang chắc chắn rằng những giá trị và tinh thần báo chí như vậy vẫn còn tồn tại và phát triển mạnh mẽ trong nhiều tòa soạn ở Singapore, nhưng thực tế của ngành kinh doanh tin tức vẫn còn nhiều áp lực cạnh tranh khác.

Thách thức mới trong ngành tin tức

Những thách thức mới trong ngành báo chí bao gồm việc cạnh tranh với các nền tảng khác để thu hút sự chú ý và lượng truy cập, thói quen liên tục thay đổi của độc giả, được thúc đẩy bởi sự phát triển của các công nghệ như nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội và thiết bị di động.

Theo các chuyên gia, sự thay đổi trong thói quen thể hiện qua khả năng tập trung ngắn hơn, không có nhu cầu về nội dung dài, dù là nội dung in hay phát sóng, và sở thích đặc biệt của người tiêu dùng trẻ tuổi là tìm kiếm tin tức từ các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram và TikTok.

Điều này có thể gây ra vấn đề vì nhiều nền tảng như vậy ưa chuộng và quảng bá nội dung ngắn như các video hiếm khi đi sâu vào chi tiết và sắc thái của vấn đề, và thường nhấn mạnh vào các khía cạnh "câu view" có thể hấp dẫn người dùng, trong khi những khía cạnh đó không phải lúc nào cũng đại diện cho vấn đề thực sự đang được quan tâm.

Những xu hướng này đã tạo ra sự căng thẳng giữa sứ mệnh và giá trị của báo chí với nhu cầu thu hút độc giả, đặc biệt là nhóm đối tượng độc giả đang ngày càng ưa chuộng các nền tảng phi truyền thống để đáp ứng nhu cầu tin tức.

Nếu không có người đọc, thì mục đích của sứ mệnh sản xuất báo chí chất lượng cao còn có ý nghĩa gì? Và tệ hơn, điều gì sẽ xảy ra nếu việc thiếu độc giả dẫn đến doanh thu quảng cáo giảm và tạo ra áp lực tài chính?

Những thách thức này sẽ khiến cho báo chí và ngành công nghiệp tin tức nói chung trở nên kém hấp dẫn hơn trong mắt những người trẻ tuổi đang tìm việc, những người có thể thích một con đường sự nghiệp ít khó khăn hơn.

Báo chí chất lượng quan trọng như thế nào?

"Bầu cử ít thông tin", một hiện tượng lần đầu tiên được nhà khoa học chính trị người Mỹ Samuel Popkin quan sát và mô tả vào năm 1991, đề cập đến xu hướng đưa ra lựa chọn bầu cử dựa trên một số tín hiệu hời hợt hoặc phương pháp suy luận thay vì thông tin thực chất.

Tận dụng xu hướng này, một số chính trị gia đã tìm cách chiều lòng nhóm cử tri bằng nội dung tập trung nhiều hơn vào hình ảnh và thương hiệu của họ, thay vì các cuộc tranh luận thông thường về chính sách và lập trường về các vấn đề quan trọng.

Những tác nhân xấu khác, cả nhà nước và phi nhà nước, cũng tìm cách lợi dụng môi trường thông tin thấp này để thao túng người dân ở các quốc gia khác nhằm đạt được mục đích của họ.

Điều này đã dẫn đến sự lan truyền thông tin sai lệch. Thông tin sai lệch có thể dẫn đến sự gián đoạn và bất ổn quốc gia, như chúng ta đã thấy trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, Brexit và gần đây nhất là sự bùng phát bạo lực ở Anh sau vụ giết hại thương tâm ba trẻ nhỏ ở Southport vào tháng 7 năm nay.

Ngoài vấn đề chính trị, tin giả cũng có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho các mối đe dọa liên quan như lừa đảo, tình trạng đang ngày càng trở nên phổ biến.

Khi thế giới ngày càng trở nên phức tạp và rắc rối hơn, khả năng đưa ra quyết định quan trọng của mọi người đang bị ảnh hưởng bởi sự tràn lan của thông tin sai lệch, thì vai trò của báo chí chính thống, báo chí chất lượng cao sẽ càng cần thiết hơn.

Một số giải pháp

Những nỗ lực nhằm giải quyết vấn nạn tin giả đòi hỏi phải có phản ứng nhiều lớp liên quan đến chính phủ, luật pháp, giáo dục và hoạt động của các bên liên quan khác như các tổ chức kiểm tra thực tế độc lập và xã hội dân sự.

Đặc biệt, vai trò của các tổ chức truyền thông chính thống và tin tức truyền thống không thể bị đánh giá thấp.

Bất kỳ tổ chức tin tức nào cũng cần tính toàn vẹn bao gồm các hệ thống và quy trình giám sát biên tập, cùng với đó là nhiều lớp kiểm tra thực tế nhằm cung cấp sự đảm bảo lớn hơn so với các nền tảng kém chuyên nghiệp hơn như các mạng xã hội.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào báo chí có thể giành lại và duy trì vị thế đáng tin cậy trong xã hội. Trong những năm gần đây, đã có một số giải pháp được các đơn vị trong ngành đề xuất, bao gồm tập trung vào sản xuất các sản phẩm hướng đến đối tượng người dùng kỹ thuật số cụ thể, đồng thời cung cấp nhiều nội dung video và hình ảnh hơn để người dùng có thể xem khi đang di chuyển.

Một yếu tố then chốt sẽ là sự nhấn mạnh mới vào nội dung chất lượng cao và báo chí xuất sắc, dù là báo viết hay phát sóng, thu hút khán giả bằng cách kể chuyện hấp dẫn về các vấn đề quan trọng. Điều này phải bao gồm báo cáo công bằng và khách quan, và tập trung vào việc đưa sự thật ra ánh sáng.

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng đôi khi lại khó thực hiện nếu chỉ tập trung vào việc tăng lượt truy cập từ lượng độc giả không ổn định hoặc chạy theo tiền quảng cáo.

Với vai trò quan trọng của báo chí và ngành công nghiệp tin tức trong mọi xã hội, việc đạt được điều này có thể là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của các quốc gia trong những năm tới.

Hoài Phương (theo CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-tin-tuc-the-gioi-chung-ta-co-con-can-tin-tuc-truyen-thong-khong-post314342.html