Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7-4: Những giọt máu 'gieo mầm' sự sống

Mỗi giọt máu - một hành động nghĩa tình, được ví như một hạt mầm nhân ái gieo sự sống. Bao nhiêu người hiến máu thì bấy nhiêu người gieo sự sống. Gieo càng nhiều, sự sống càng sinh sôi, phát triển.

Người dân tham gia vận động và hiến máu tình nguyện tại điểm hiến máu cố định Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Thùy Linh

Việc làm nhỏ

Hiến máu tình nguyện (HMTN) là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống tương thân tương ái của người Việt Nam. Nhận thức được vai trò và ý nghĩa của việc HMTN, nhiều người đã tích cực tham gia HMTN, họ sẵn sàng hiến máu khi có người cần.

Chị Nguyễn Lan Phương, TP Thanh Hóa, 35 lần hiến máu tâm sự: “Tôi thấy hiến máu không ảnh hưởng gì đến sức khỏe bản thân mà còn góp phần đem lại niềm hạnh phúc cho những gia đình khác. Chính gia đình tôi cũng đã từng được nhận máu từ những người hiến máu, vì thế, tôi cũng như cả gia đình hiểu rất rõ ý nghĩa nhân văn cao cả của việc HMTN”. Chị Phương là một tình nguyện viên tích cực trong hoạt động HMTN. Không chỉ tham gia tại các đợt HMTN ở địa phương, chị còn tham gia hiến máu cho các trường hợp khẩn cấp. Dù đang trong giờ làm việc, ngày nghỉ lễ hay bất kỳ thời điểm nào trong ngày, cứ nhận được điện thoại hay thông tin có người bệnh cần máu là chị Phương sẽ sắp xếp công việc để đi ngay. Bởi theo chị Phương, những trường hợp khẩn cấp, nếu chỉ chậm một chút là người bệnh có thể mất đi cơ hội sống.

Anh Lê Văn Hùng, sinh năm 1993, hiện đang công tác tại Công an huyện Thiệu Hóa cũng là một tấm gương HMTN, với 15 lần hiến máu. Anh cho biết: “Với tôi, HMTN là một việc làm ý nghĩa, giúp chia sẻ những khó khăn với người bệnh. Ngoài việc bản thân hiến máu, thì tôi luôn vận động bạn bè, người thân tham gia hiến máu. Đó là việc làm tuy nhỏ, nhưng giá trị nhân đạo mang lại rất lớn, vì từng giờ trôi qua đều có người bệnh cần máu để cấp cứu và điều trị bệnh”.

Họ chỉ là hai trong hàng nghìn tấm gương tích cực tham gia HMTN, góp phần vào công tác cấp cứu và điều trị cho người bệnh.

Hạnh phúc lớn

Máu và chế phẩm của máu là loại sản phẩm sinh học quý giá đóng vai trò duy trì sức khỏe cho con người. Ở bất cứ đâu, mỗi ngày, mỗi giờ đều có người bệnh đang cần máu để điều trị. Không ít người đã từng rơi vào tâm lý hoang mang, lo lắng khi không có máu để truyền cho mình hay người thân đang cần điều trị.

Bà Lê Thị Hương, 61 tuổi (Vĩnh Lộc) bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Huyết học - Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chia sẻ: “Chiều nay đến lịch tôi truyền máu, nhưng đã 2h chiều mà bệnh viện và gia đình vẫn chưa tìm đủ lượng máu tiểu cầu để điều trị cho tôi. Tôi rất lo lắng, bởi nếu không truyền kịp thời, tiểu cầu hạ xuống thấp rất nguy hiểm”. Được biết, đây không phải lần đầu bà và gia đình phải tìm người hiến máu khi đến ngày điều trị. Nhớ lại lần cấp cứu bà Hương, ông Hoàng Chung - chồng bà tâm sự: “Lúc cấp cứu bệnh viện không đủ máu tương thích với vợ tôi, gia đình phải tìm máu khắp nơi vì để lâu có nguy hiểm đến tính mạng. Gia đình tôi phải chờ từ 13h chiều đến 2h sáng mới có máu để truyền, cấp cứu. Bà nhà tôi được như bây giờ cũng là nhờ những giọt máu đào, những tấm lòng vàng của các bạn tham gia HMTN. Tôi rất cảm động và biết ơn tấm lòng của những người hiến máu”.

Hay như chị Trịnh Thị Yến (thị xã Bỉm Sơn) có con đang điều trị tại Khoa Máu - Thận, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, chia sẻ: “Đã 8 năm nay, mỗi lần đến ngày con điều trị là mỗi lần tôi lo lắng về việc có tìm đủ máu để truyền hay không. Bởi vậy, khi có đủ máu để con truyền được đúng lịch tôi cảm thấy rất may mắn và vui mừng”. Những bé mang bệnh Thalassemia như con chị Yến thì truyền máu là cách để duy trì sự sống. Cả cuộc đời họ sẽ gắn liền với bệnh viện, với việc tiếp nhận máu. Các tình nguyện viên hiến máu, những “ngân hàng máu sống” rất quan trọng cho việc điều trị và duy trì sự sống của họ.

Thiếu máu điều trị không chỉ là nỗi lo riêng của một hay vài bệnh nhân, mà là nỗi lo chung của tất cả các bệnh nhân cần máu và các bác sĩ đang ngày đêm cấp cứu, điều trị giành giật sự sống cho họ.

Nỗ lực “gieo mầm” sống

Từ ngày thành lập, Ban Chỉ đạo vận động HMTN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, trường học... đẩy mạnh truyền thông về vai trò và ý nghĩa của HMTN. Đồng thời tổ chức nhiều chiến dịch, sự kiện lớn về HMTN nhằm thay đổi nhận thức và hành động của người dân, tiêu biểu như: Lễ hội Xuân hồng, Hành trình đỏ, giọt hồng blouse trắng. Khuyến khích, vận động các địa phương triển khai ngày hội hiến máu tình nguyện. Nhiều địa phương, đơn vị đã có đổi mới, sáng tạo trong cách tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia HMTN. Tiêu biểu như, huyện Nông Cống, Cẩm Thủy, TP Thanh Hóa, Thường Xuân, Hà Trung, Vĩnh Lộc, Như Thanh, ngành y tế...

Đặc biệt, những năm gần đây ban chỉ đạo vận động HMTN đã làm tốt công tác xây dựng các câu lạc bộ, xây dựng đội ngũ tình nguyện viên luôn sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 3 điểm hiến máu cố định tại trụ sở Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Trung tâm Huyết học - Truyền máu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chùa Đại Bi (TP Thanh Hóa); thành lập 6 câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” (tại huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, Trường Đại học Hồng Đức, câu lạc bộ tuyên truyền, vận động HMTN tỉnh) và các câu lạc bộ “Ngân hàng máu sống” của ngành công an ở các huyện Nông Cống, Yên Định, Nga Sơn, Mường Lát, Thạch Thành, Hà Trung, Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, với số lượng tình nguyện viên đông đảo. Nhờ triển khai nhiều hoạt động thiết thực, nên thời gian gần đây, phần lớn người dân đã nhận thức đúng về HMTN đối với công tác điều trị, cấp cứu cho người bệnh. Số lượng người HMTN ngày càng tăng. Năm 2020, qua 100 sự kiện và ngày hội HMTN, toàn tỉnh đã tiếp nhận 34.899 đơn vị máu (tăng 9.699 đơn vị máu so với năm 2018).

Hưởng ứng Ngày Toàn dân HMTN (7-4) năm nay, một số địa phương, đơn vị đã tổ chức hiến máu như: Hà Trung, Nông Cống thu hút đông đảo Nhân dân tham gia, tạo thành “làn sóng nhân đạo” trong xã hội.

Ông Lê Xuân Hảo, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, cho biết: “Hiện nay, phong trào HMTN trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, số lượng máu hiến còn ít so với tổng dân số toàn tỉnh, cũng như mới đáp ứng được hơn 60% nhu cầu máu cấp cứu và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các địa phương, lãnh đạo các đơn vị cần quan tâm hơn nữa đến công tác HMTN, góp phần mang lại niềm vui, sự sống cho nhiều hoàn cảnh kém may mắn”.

Thùy Linh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/ngay-toan-dan-hien-mau-tinh-nguyen-7-4-nbsp-nhung-giot-mau-gieo-mam-su-song/134276.htm