Ngày Toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4/10): Lực lượng ở trong dân
Liên tiếp các vụ cháy, nổ xảy ra thời gian qua gây thiệt hại đặc biệt nghiệm trọng về người và tài sản. Không ít người quan niệm rằng, việc phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là trách nhiệm của riêng lực lượng Cảnh sát PCCC. Tuy nhiên, sau mỗi vụ cháy, nổ, thực tế cho thấy trách nhiệm này không của riêng ai mà là của toàn xã hội và quan trọng nhất là ý thức của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và từng người dân.
Không ít người dân, doanh nghiệp vẫn xem nhẹ công tác phòng ngừa cháy, nổ
Từ xa xưa, cha ông ta đã sắp xếp thứ tự các hiểm họa theo trình tự "Thủy, Hỏa, Thiên tai, Đạo tặc" để thấy rõ sự nguy hiểm của “giặc lửa”. Bởi lẽ, chỉ cần một chút bất cẩn, sơ xảy, thiếu ý thức PCCC là "bà Hỏa" có thể ập đến bất kỳ và gây ra những hậu quả khôn lường. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2023, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.485 vụ cháy, nổ, làm 132 người chết và 115 người bị thương, thiệt hại ước tính 210,5 tỷ đồng. Đặc biệt nghiêm trọng là vụ cháy "chung cư mini" xảy ra ngày 12/9/2023 tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, làm 56 người thiệt mạng và 37 người bị thương.
Những con số thống kê trên cho ta thấy toàn cảnh sự tàn phá khủng khiếp của “giặc lửa” nhưng cũng vừa cho ta thấy một nghịch lý đang diễn ra với công tác phòng chống cháy, nổ. Đó là ý thức của phòng chống chảy nổ của người dân vẫn còn thiếu và yếu. Hàng loạt vụ cháy mà nguyên nhân rất đơn giản, có khi chỉ bắt nguồn từ việc vô ý vứt viên than tưởng đã cháy hết vào hố rác chung cư, hoặc vứt mẩu tàn thuốc lá từ tầng cao xuống, hay để quên nồi cá kho trên bếp, quên tắt đèn, tắt quạt khi ra khỏi nhà… Khi xảy ra cháy nổ thì mạnh ai nấy chạy, không có sự hỗ trợ đối với cộng đồng và những người sống xung quanh.
Theo lực lượng chức năng, nguyên nhân dẫn đến hầu hết các vụ cháy, nổ chủ yếu vẫn là do sơ suất trong sử dụng lửa và sự cố hệ thống điện, thiết bị điện (chiếm tới 54,8%). Qua khảo sát một số cơ sở kinh doanh hàng quán, phần lớn các cơ sở đều là nhà ở chuyển đổi mục đích. Đường điện thiết kế ban đầu dành cho gia đình, nay phải chịu tải nhiều thiết bị tiêu hao điện năng lớn cùng lúc như điều hòa, bếp điện, bếp điện từ... khiến dễ dẫn đến nguy cơ quá tải gây chập cháy.
Một nguyên nhân nữa khá quan trọng, đó là hầu hết những căn hộ ở các khu tập thể, chung cư cũ hiện nay gần như không có nhiều lối thoát hiểm. Cửa thoát hiểm duy nhất thường là cửa chính đã bắt lửa, chặn lối thoát. Khu vực sân thượng và các cửa sổ hầu hết đều được hàn kín thành các “chuồng cọp”. Kiểu thiết kế này, khi có cháy xảy ra lực lượng cứu hộ rất khó khăn để tiếp cận hiện trường, dẫn tới tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ không kịp thời. Mặt khác, các thành phố thường có nhiều tuyến phố nhỏ, ngõ sâu, xe chữa cháy không vào được, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn.
Bên cạnh đó, thời điểm xảy ra cháy thường vào ban đêm, dễ gây thiệt hại về người do trong khi ngủ người dân đóng kín cửa phòng, khi cháy xảy ra không được phát hiện kịp thời. Tới khi lửa phát triển lớn, nạn nhân không thể tự dập tắt bằng phương tiện tại chỗ. Cùng với đó là kỹ năng thoát hiểm, kiến thức cơ bản về phòng chống cháy nổ chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều cơ quan, đơn vị, hộ gia đình còn xem nhẹ công tác PCCC, chưa quan tâm đầu tư mua sắm trang bị, xây dựng phương án chữa cháy tại cơ sở theo quy định…
Coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính
Mới đây, ngày 28/9/2023, tại Chương trình Phát động toàn dân phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Phải hết sức coi trọng công tác phòng ngừa, lấy phòng ngừa là chính, từ đó giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, nhất là về con người, bảo vệ tính mạng của người dân chính là bảo vệ an ninh con người, là mục tiêu cao nhất của bảo vệ an ninh trật tự, phát triển đất nước.
Thật vậy, phương châm ứng phó với “hỏa tặc” hiệu quả nhất chính là “phòng cháy hơn chữa cháy”. Cha ông ta đã dạy “nước xa không chữa được lửa gần”. Khi xảy ra cháy nhà, nhất là ở khu đông dân, lực lượng cứu hỏa dù có nhanh đến mấy cũng khó có thể dập cháy, cứu người ngay mà chủ yếu là chống cháy lan. Do đó, điều quan trọng nhất là mỗi người dân, gia đình phải thường xuyên và đặc biệt coi trọng công tác phòng cháy.
Trở lại vụ cháy "chung cư mini" tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, có ít nhất ba gia đình may mắn thoát nạn nhờ sự bình tĩnh cũng như sử dụng các công cụ hỗ trợ, được chuẩn bị cho tình huống xấu. Đó là một gia đình gồm hai vợ chồng và ba con nhỏ ở tầng 6. Thấy hô hoán, chủ nhà dậy mở cửa thì khói đen tràn vào phòng. Biết xảy ra cháy, anh liền vội lấy búa đập khung sắt lan can, sau đó dùng thang bắc sang nhà bên cạnh để thoát thân. Chỉ trong khoảng 4 phút, 5 người trong gia đình đã thoát ra ngoài an toàn.
Một gia đình khác gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ ở tầng 3. Sau khi chạy ra ngoài, thấy mùi khét kèm khói đen bốc lên từ tầng 1 đậm đặc, cay xè mắt. Biết xảy ra cháy, người chồng lập tức vào phòng hô hoán vợ con chạy thoát ra phía sau căn hộ, dùng thang dây và tụt xuống con ngõ phía sau tòa nhà. Anh cho biết, chỉ cần chậm khoảng 5 phút là gia đình anh có thể chết ngạt. Hay có hai vợ chồng sử dụng 2 bình nước 20 lít, thấm ướt quần áo để che mũi, miệng rồi dùng điện thoại báo tin đến cứu hộ. Sau gần 4 giờ ở trong phòng, chống chọi với khói độc, hai vợ chồng đã được cứu hộ cứu sống. Rõ ràng những gia đình nêu trên được an toàn ngoài yếu tố may mắn thì họ đã có những sự chuẩn bị trước về phương tiện và kỹ năng thoát hiểm.
Từ vụ cháy và kinh nghiệm của những người thoát nạn nêu trên, cho thấy mỗi người cần xác định “giặc lửa” khó lường, cần luôn cảnh giác và phải lấy khâu phòng cháy là ưu tiên số một. Do đó, các cấp, các ngành quan tâm sâu sát hơn nữa; các hộ gia đình và mỗi người dân hợp tác, chủ động hơn nữa.
Theo lực lượng PCCC, mọi hoạt động PCCC đều phải được giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ. Không ai khác, người dân chính là lực lượng tại chỗ hiệu quả nhất. Từng người, từng hộ gia đình phải biết về PCCC để khi xảy ra cháy nhỏ, biết xử lý thì sẽ không có cháy lớn. Khi đã thực hiện tốt các biện pháp phòng thì không bao giờ lo cháy nữa, nếu có xảy ra cháy cũng sẽ xử lý kịp thời, không gây hậu quả lớn.
Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới đã nêu rõ. Công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ phải quán triệt quan điểm: người dân là trung tâm, là chủ thể, đặt an toàn, tính mạng người dân là trên hết, trước hết; an toàn cháy, nổ để phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước. Trong công tác PCCC, phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là "xây", chữa là "chống", lấy phòng là "cơ bản - chiến lược - lâu dài", làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy với phương châm: Từng nhà an toàn - Từng nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường, thị trấn an toàn. Huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và nhân dân tham gia chữa cháy, nhất là trong "thời điểm vàng" 5 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra với phương châm: Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân.
Những "cánh tay nối dài" trong công tác phòng, chống "giặc lửa"
Xác định rõ vai trò, sức mạnh của nhân dân trong công tác PCCC và việc xây dựng phong trào Toàn dân PCCC, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào phát triển rộng khắp, lớn mạnh, làm nòng cốt trong công tác PCCC ở cơ sở. Phong trào đã huy động tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức và toàn dân tham gia công tác bảo đảm an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức những buổi diễn tập, cùng nhân dân sáng tạo nên những mô hình PCCC tiêu biểu, nêu bật vai trò của người dân trong công tác PCCC, xử lý cháy theo phương châm 4 tại chỗ, từ đó tạo nên một thế trận từ nhân dân, của nhân dân, trở thành “tấm khiên” kiên cố đối mặt với hỏa hoạn khi xảy ra. Đó là mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”, mô hình "Nhà tôi có bình chữa cháy", “Cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC", "khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở an toàn PCCC", "khu phố an toàn về an ninh trật tự và PCCC"…
Những phong trào Toàn dân PCCC tuy có nhiều tên gọi cho phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương, nhưng tựu chung đều mang sứ mệnh bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân nên đã được người dân đồng thuận, ủng hộ và được lan tỏa, nhân rộng ra toàn quốc.
Tại TP Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 8/2022, ở nhiều khu phố đã lắp đặt thí điểm hệ thống PCCC theo mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC” và "Điểm chữa cháy công cộng". Công an TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thực hiện những mô hình này đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh theo kế hoạch số 273/KH-BCA-C07 của Bộ Công an.
Tổ liên gia gồm 5 đến 15 hộ gia đình (nhà để ở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh) liền kề nhau. Mỗi gia đình trang bị ít nhất một bình chữa cháy xách tay và tối thiểu một dụng cụ phá dỡ (xà beng, kìm cộng lực, búa, rìu…). Các phương tiện này để ở nơi dễ thấy, dễ lấy nhằm kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, mỗi hộ gia đình lắp đặt một chuông báo cháy tại tầng 1 (độ cao từ 2,5 - 3m); lắp đặt hai nút ấn báo cháy (một nút ấn ở trong nhà, một nút ấn ngoài nhà) ở các vị trí phù hợp tại mỗi hộ gia đình. Nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau (bảo đảm khi ấn bất kể nút ấn nào thì toàn bộ chuông của các hộ gia đình cùng kêu), để kịp thời tương trợ nhau khi có tình huống, sự cố cháy, nổ xảy ra trên địa bàn. Các thành viên trong hộ gia đình cài đặt, sử dụng thành thạo app “Báo cháy 114” và “Help 114”. Đây là những tính năng nổi bật của mô hình này.
Thông qua mô hình, tất cả người dân ở hộ gia đình, khu dân cư, các cơ sở trên địa bàn Thành phố đều được hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn PCCC, ký cam kết đảm bảo an toàn PCCC và triển khai xây dựng lối thoát nạn thứ hai. Trong đó, lối thoát nạn thứ hai có thể là lên tầng trên, qua nhà bên cạnh, qua ban công, thoát lên mái nhà hoặc thoát bằng thang dây, cửa phụ… phù hợp đặc điểm của từng hộ dân, từng khu phố.
Còn tại thành phố Hà Nội, một số địa bàn từ nội thành đến huyện ngoại thành như Hoàng Mai, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên… đều đồng loạt thực hiện, triển khai các mô hình PCCC như: Tổ liên gia an toàn PCCC; Điểm chữa cháy công cộng; Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC... Trong đó, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng đã và đang phát huy được hiệu quả nhất định, hỗ trợ không nhỏ trong việc khống chế, dập tắt các vụ hỏa hoạn trong thời gian qua.
Vào đêm 17/7/2023, một vụ cháy do chập điện xảy ra tại địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) đã được người dân và lực lượng chức năng nhanh chóng khống chế nhờ chủ động kích hoạt “Điểm chữa cháy công cộng”.
Từ nay đến cuối năm, Hà Nội tiếp tục triển khai các mô hình Khu chung cư tập thể an toàn PCCC; Cụm liên kết làng nghề an toàn PCCC; Cụm liên kết an toàn PCCC trong khu/cụm công nghiệp; Cụm liên kết an toàn PCCC rừng sẽ được thành lập căn cứ vào đặc điểm của từng địa bàn, khu dân cư, loại hình cơ sở, giúp nâng cao hiệu quả PCCC, đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại tối đa do các vụ hỏa hoạn gây ra.
Từ phong trào Toàn dân PCCC, thực tiễn đã xuất hiện những tấm gương sáng quên mình vì cộng đồng, được người dân tôn vinh là những "người hùng," được lãnh đạo Đảng, Nhà nước khen thưởng. Tiêu biểu như: Đội Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ Tự quản thị trấn Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng với tinh thần tự nguyện, nỗ lực hết mình tham gia PCCC, cứu nạn cứu hộ; Anh Nguyễn Hữu Đốn đã dũng cảm, hy sinh khi cứu người trong vụ cháy xảy ra tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận; Đội Hỗ trợ Sơ cứu FAS Angle với phương châm “cứu người là lẽ sống” đã cứu giúp hàng nghìn người gặp tai nạn, sự cố và gần đây đã góp phần cứu được nhiều người trong vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở "chung cư mini" phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội… Những hành động quả cảm đó đã gây xúc động mạnh mẽ trong xã hội, trong quần chúng nhân dân, trở thành những điển hình tiêu biểu trong phong trào Toàn dân PCCC.
Có thể khẳng định, tinh thần cảnh giác, sự chủ động đề phòng, ứng phó với “hỏa tặc” của mỗi người, mỗi gia đình là yếu tố quyết định đến hiệu quả của công tác PCCC, nhất là trong việc triệt mầm mống “hỏa tặc” từ sớm. Phong trào Toàn dân PCCC phát triển, lớn mạnh cả về chất và lượng, trở thành "cánh tay nối dài" của lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ ở cơ sở, khu dân cư. Vì vậy, cùng với lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, mỗi người dân, chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể cần tích cực tham gia phong trào Toàn dân PCCC, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Có như vậy, công tác PCCC mới thực sự có những chuyển biến tích cực, hạn chế tối đa những thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đem lại cuộc sống bình yên của nhân dân.