Ngày trở lại

BÀI CUỐI
ĐỔI THAY VÙNG “ĐẤT LỬA”

BPO - Đây là lần thứ 3 ông Phạm Quang Nghị trở lại Bình Phước. Lần đầu ông được Trung ương phân công chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước khóa X, nhiệm kỳ 2015-2020. Lần thứ hai, ông chỉ qua Đồng Xoài chốc lát rồi lên thẳng Bù Đốp, Lộc Ninh. Và lần này, dù thời gian lưu lại tỉnh không nhiều nhưng vẫn đủ để ông nhận thấy những đổi thay lớn lao của vùng đất đau thương, khói lửa năm nào.

Có lẽ dòng hồi ức về những ngày đầu tiếp quản vùng giải phóng Lộc Ninh, Bù Đốp đã “nhảy múa” trong đầu suốt hành trình từ TP. Hồ Chí Minh lên Bình Phước nên lúc trò chuyện ở Văn phòng Tỉnh ủy Bình Phước, người cựu phóng viên chiến trường hỏi anh em Bình Phước về chợ Phước Lục, về dinh điền Chu Ninh, về ấp Bù Giai ở xã Phước Hưng... Những cái tên nghe thật lạ tai. Bởi từ khi tái lập tỉnh (năm 1997) đến khi chia tách huyện Lộc Ninh thành 2 đơn vị hành chính cấp huyện là Lộc Ninh, Bù Đốp, thì huyện Bù Đốp chỉ có 7 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: Thanh Hòa, Phước Thiện, Tân Thành, Tân Tiến, Hưng Phước, Thiện Hưng và thị trấn Thanh Bình, không có xã Phước Hưng. Nhưng trong cuốn nhật ký chiến trường của ông Phạm Quang Nghị được cập nhật hằng ngày ghi rất rõ: Xã Phước Hưng chia làm 4 thôn. Thôn 1 do tên Ba Màu làm thôn trưởng; thôn 2 là tên Bảy Phấn; thôn 3 là tên Tư Dinh; thôn 4 là tên Hai Nghĩa... Xã có chợ Phước Lục khá lớn, 1 nhà thờ Công giáo, 2 sân bay trực thăng, 1 nhà thương chữa bệnh cho dân và binh lính, 1 nhà thờ Tin lành đã hư hỏng, không còn người đi lễ... Giở một trang khác, ông đọc tiếp: “Xã Phước Thiện thuộc Công ty cao su chi nhánh Cexo Lộc Ninh, do tên Hyx Touber là người Pháp xây dựng từ năm 1937. Mộ dân contra từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Từ năm 1965 đến nay (1972 - PV), chủ sở là tên Viachaux, kiêm Tổng Thanh tra Lộc Ninh, chi nhánh Phước Thiện - Darkier Phú Riềng...”.

Ông Phạm Quang Nghị (thứ 2 từ trái sang) thăm đồi Chi khu Quân sự Bù Đốp

Ông Phạm Quang Nghị (thứ 2 từ trái sang) thăm đồi Chi khu Quân sự Bù Đốp

Chúng tôi, những người có mặt tại Bình Phước từ sau ngày tái lập tỉnh (năm 1997), cả những người sinh ra sau năm 1975 trên chính vùng đất cách mạng sục sôi này đều ngơ ngác trước thông tin ngồn ngộn trong những trang nhật ký thấm máu của một cựu phóng viên chiến trường. Bản thân tôi dẫu đã nhiều lần về các xã Hưng Phước, Phước Thiện, Thiện Hưng (huyện Bù Đốp) - những địa danh có thể là xã Phước Hưng năm xưa như ông Phạm Quang Nghị ghi chép trong nhật ký, nhưng chưa từng nghe người dân nhắc tới những địa danh nêu trên. Có lẽ sau những lần tách - nhập, các địa danh ấy đã đổi tên từ lâu chăng!? Và một câu hỏi chợt bật lên: Không biết những thông tin, dữ liệu quý giá và quan trọng trong những trang nhật ký chiến trường của người cựu binh ấy có hiện diện trong cuốn lịch sử địa phương? Mới chỉ hơn 50 năm mà đã có những địa danh, con người, sự kiện xảy ra trên vùng chiến địa này không còn được nhắc tới, biết đến thì quả là một mất mát của thế hệ hôm nay.

Thăm cột mốc 69 Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư

Thăm cột mốc 69 Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư

Lên tới Bù Đốp, ánh mắt người cựu binh dường như xót xa khi di tích Đồi Chi khu chỉ còn là mấy bức tường màu vàng ngập trong cây cỏ. Năm 1972, khi cùng tổ công tác của Ban Tuyên huấn R về tiếp quản Bù Đốp, bà con đã kể cho ông nghe chuyện một sĩ quan ngụy tên là Bạch đã huênh hoang tuyên bố với dân chúng rằng “bao giờ nước sông Bé chảy ngược thì cộng sản mới đánh vào được Chi khu Bù Đốp!”. Lời tuyên bố huênh hoang ấy xuất phát từ cơ sở Chi khu Quân sự Bù Đốp rất kiên cố với 5 lô cốt lớn, 10 lô cốt nhỏ, xung quanh còn có 4 lớp hàng rào, mỗi lớp cách nhau 5-10m xen kẽ giữa dây thép gai và hàng rào tre. Quân địch còn bố trí những bãi mìn để chống đặc công và bộ binh ta tấn công. Hai đầu căn cứ và trước cổng ra vào, chúng chôn nhiều mìn chống tăng và mìn sát thương... Nhưng chỉ sau khoảng 40 phút chiến đấu, quân ta đã làm chủ trận địa, diệt toàn bộ quân địch, thu nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng.

Chỉ tay lên đỉnh đồi, ông nói: Dinh quận trưởng chỗ kia, thuộc vị trí đắc địa nhất của Đồi Chi khu. Bên này là nhà thờ. Cạnh nhà thờ là hai trường học, một trường cộng đồng tiểu học, một trường trung - tiểu học...

Ánh nắng buổi xế chiều miền Đông chiếu rát trên da khiến những người đi cùng lùi dần vào gốc cây. Người cựu binh đặt tay lên bức tường Chi khu Quân sự Bù Đốp như hồi tưởng lại những tháng ngày lịch sử hơn 50 năm trước.

Thăm Nhà Giao tế Lộc Ninh

Thăm Nhà Giao tế Lộc Ninh

Thắp hương mộ 3.000 người tại phường An Lộc, TX. Bình Long

Thắp hương mộ 3.000 người tại phường An Lộc, TX. Bình Long

Chặng đường từ Chi khu Quân sự Bù Đốp qua Nhà Giao tế Lộc Ninh và Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư về viếng mộ 3.000 người ở thị xã Bình Long, xe chạy trên con đường trải nhựa rộng rãi, tuy có đôi chỗ đường xấu nhưng đã là “một trời một vực” so với lần trước nhà báo Phạm Quang Nghị thăm lại chiến trường xưa. Cơn mưa đầu mùa tuy chưa nặng hạt nhưng đã tưới mát, làm bừng lên những rẫy điều, hồ tiêu, cây ăn trái. Những rẫy cao su thẳng tắp hai bên đường lùi dần sau những vòng bánh xe lăn. Hẳn trong lòng người cựu binh được xoa dịu khi thấy những mất mát, hy sinh của bao đồng chí, đồng đội, của những dân lành đã tử nạn trong trận Mỹ - ngụy thả bom xuống chợ Lộc Ninh năm xưa đã được đổi bằng sự yên bình trên suốt miền biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp!

Linh Tâm

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/172122/ngay-tro-lai