Ngày trở về

Cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trên địa bàn ấp 5, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành) hiện quản lý, giáo dục 329 học viên cai nghiện. Trong đó có 322 nam và 7 nữ; 27 học viên tự nguyện cai nghiện theo nguyện vọng, còn lại cai nghiện bắt buộc theo đề nghị của tòa án. Dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động giúp các học viên nâng cao nhận thức, quyết tâm cai nghiện để sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Ngày 23-12-2019, học viên Phạm Văn Cường (1990), xã Thiện Hưng, huyện Bù Đốp được trở về với gia đình sau 20 tháng tập trung cai nghiện. Cường được giảm thời hạn chấp hành 4 tháng vì có thành tích cai nghiện tốt. Mẹ Cường là bà Thái Thị Liễu thuê xe taxi cùng 2 cháu nội (con trai của Cường) từ Bù Đốp xuống đón con. Nhìn con khỏe mạnh, vui vẻ, bà rất xúc động. Nán lại vài phút nói chuyện, bà Liễu cho biết: “Tôi có 10 người con, 7 trai, 3 gái. Cường là con trai út và là đứa duy nhất dính vào ma túy. Tôi tin con trai mình, tin vào những điều con đã học được tại đây và tin vào sự tử tế của người thân, gia đình, xã hội sẽ dành cho những người lầm lỡ để họ có cơ hội làm lại cuộc đời”.

TĂNG CƯỜNG TRUYỀN THÔNG, GIÁO DỤC

Có mặt tại cơ sở cai nghiện vào một ngày cuối năm 2019, tôi tham dự buổi sinh hoạt, tuyên truyền đầu tuần gồm 58 học viên do Phó giám đốc cơ sở Phạm Tân trực tiếp phụ trách. Đây là những học viên có nhiều thành tích trong công tác lao động, học tập và cai nghiện chuẩn bị được đề nghị cơ quan chức năng xem xét ra quyết định giảm thời hạn chấp hành.

Buổi sinh hoạt diễn ra nghiêm túc, nhưng cũng rất cởi mở khi Phó giám đốc Phạm Tân trao đổi với các học viên nội dung liên quan đến ngày trở về tái hòa nhập cộng đồng, nhất là những vấn đề khó khăn học viên sẽ phải đối mặt như: Cách ứng xử, giao tiếp của những người xung quanh; sự rủ rê, lôi kéo của bạn bè xấu; môi trường sống, làm việc, những tác động tiêu cực khiến học viên sa ngã, tái nghiện.

Các học viên Cơ sở cai nghiện ma túy, xã Minh Lập (Chơn Thành) nêu quyết tâm cai nghiện để tái hòa nhập cộng đồng

Để học viên nêu cao quyết tâm từ bỏ ma túy, trong buổi tuyên truyền, Phó giám đốc Phạm Tân đã trao đổi với học viên về những giải pháp để không tái nghiện, đồng thời nhiều lần so sánh về cuộc sống của một người nghiện ma túy, sức khỏe giảm sút, nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao, gia đình tan vỡ và cuộc sống của một người khỏe mạnh, có gia đình hạnh phúc với vợ (chồng) đẹp, con ngoan, ở nhà lầu, xe hơi. Học viên còn được nghe rất nhiều câu chuyện, bài học, tấm gương có ý chí, nghị lực vượt khó không chỉ của người cai nghiện mà cả những người có số phận nghiệt ngã hơn, đau thương hơn mà họ vẫn vượt qua được để xây dựng cuộc sống tươi đẹp.

TIN VÀO ĐIỀU TỬ TẾ

Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trương Vĩnh Ký cho biết: Mặc dù cơ sở vật chất tại đây còn nhiều khó khăn, nhất là phòng ở của học viên chật chội, trang thiết bị y tế chăm sóc sức khỏe còn hạn chế nhưng cán bộ, nhân viên luôn cố gắng khắc phục và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đa số học viên có ý thức cai nghiện tốt, chấp hành nội quy, quy chế, sống chan hòa và luôn mong muốn được tái hòa nhập cộng đồng. Mặc dù vậy, thực tế nhiều năm qua cho thấy, tỷ lệ tái nghiện rất cao (khoảng 90%), do đó trách nhiệm của người thân, gia đình và cộng đồng trong hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện là rất lớn. Thời gian qua, cơ sở thường mời và tổ chức cho học viên giao lưu, trao đổi với chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng, qua đó tạo điều kiện cho học viên nêu lên những tâm tư nguyện vọng, từ đó đề nghị được giúp đỡ tái hòa nhập.

Năm 2019, cơ sở đã tổ chức 64 đợt truyền thông giáo dục cho 14.390 lượt học viên về các nội dung: chăm sóc sức khỏe, các biện pháp cai nghiện và một số chuyên đề về giáo dục hành vi, nhân cách; tổ chức phỏng vấn 272 học viên, tư vấn cá nhân cho 654 lượt học viên, đồng thời giải quyết cho 4.961 lượt gia đình đến thăm nuôi. Cơ sở còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao tạo điều kiện để học viên vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần.

Quá trình cai nghiện tại cơ sở, thông qua tuyên truyền, giáo dục, hầu hết học viên đều hiểu rõ sự nguy hiểm của ma túy đối với sức khỏe, đời sống kinh tế, từ đó khao khát được trở về đoàn tụ với gia đình, người thân và quyết chí lập thân, lập nghiệp.

KHAO KHÁT NGÀY TRỞ VỀ

Sau buổi sinh hoạt, học viên Nguyễn Lê Duy Tiến (1988), nhà ở phường Thác Mơ, thị xã Phước Long, cho biết, Tiến vào cơ sở cai nghiện theo quyết định của Tòa án nhân dân thị xã ngày 25-9-2018. Nguyên nhân nghiện là do buồn chuyện tình cảm, hay đi nhậu và bị bạn bè rủ rê sử dụng ma túy đá từ năm 2016. Thời điểm đó, anh hằng ngày chạy xe tải mua bán điều thô khắp nơi và ngày càng nghiện nặng.

Năm 2019, cơ sở đã khám và điều trị bệnh cho 21.061 lượt học viên; điều trị cắt cơn cho 234 học viên; điều trị ARV cho 12 học viên; xét nghiệm HIV cho 586 học viên; 151 học viên được giảm thời hạn chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại cơ sở.

“Vào đây, trải qua những tháng ngày điều trị cai nghiện, đêm nằm tĩnh tâm suy nghĩ tôi thấy mình quá nông nổi, thiếu lý trí, tiếc nuối vì đã đánh mất chính mình, mất niềm tin của người thân. Tôi đã nêu quyết tâm cai nghiện rất cao, vì thế sau 15 ngày điều trị cắt cơn, tôi được chuyển sang khu đan lát (đan sọt, ghế mây...), hiện tôi được bố trí làm việc tại tổ trồng trọt rau xanh, tăng gia sản xuất. Dự kiến khi trở về, tôi sẽ lập gia đình để gắn trách nhiệm với vợ con, tập trung kinh doanh buôn bán, xây dựng cuộc sống mới” - Tiến chia sẻ.

Trong 7 học viên nữ đang cai nghiện tại đây, Vũ Thị Tuyết Trinh (1999) có gia đình ở thành phố Đồng Xoài. Sống vui vẻ, hòa đồng nhưng Trinh lại dễ xúc động khi nói về gia đình. Chia sẻ lý do vướng vào ma túy, Trinh cho biết: Cuối năm 2016, vì can ngăn chồng bỏ ma túy không được nên hai người đường ai nấy đi. Trinh bế con trai nhỏ về ở với cha mẹ đẻ. Tưởng rằng sau ly hôn, cuộc sống sẽ thay đổi theo hướng tích cực, nhưng ai ngờ, những tháng ngày buồn rầu, chán nản Trinh thường tụ tập đi nhậu với đám bạn và cũng bị sa vào ma túy lúc nào không hay.

Trinh còn nhớ rõ sinh nhật của mình đúng ngày Noel 25-12-2018, bạn bè tổ chức cho, trong đó có hút ma túy đá và bị công an bắt. Vào đây, hằng tháng cha mẹ và con trai đều lên thăm. Cảm nhận được tình yêu thương của người thân, Trinh càng ân hận. đặc biệt là tình yêu thương con trai khiến Trinh càng đau đáu nhớ nhung, mong ngày được trở về. Nói về kế hoạch sau khi được ra trước hạn, Trinh cho biết: “Em sẽ đi học nghề và mở tiệm spa hoặc đi làm công nhân may tại Khu công nghiệp Đồng Xoài II. Những ngày tháng ở đây đã dạy cho em biết giá trị của cuộc sống tự do, khỏe mạnh. Tình thương yêu của cha mẹ khiến em càng phải sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người hơn”.

Quang Minh

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/ngay-tro-ve-53711