Ngày vía Thần Tài: Cơ hội đẩy vàng trong nước 'bỏ xa' vàng thế giới?
Thị trường vàng trong nước phải tự điều tiết cung-cầu, mà sự điều tiết này có khi 'lệch pha' với ý muốn của doanh nghiệp cũng như của cơ quan quản lý. Vì vậy, dẫn tới chênh lệch lớn, giữa giá vàng trong nước với giá thế giới...
Bài liên quan
Giá vàng trong nước lao dốc sát ngày vía Thần Tài
Giá vàng thế giới 18/2: Giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng qua
Giá vàng thế giới 19/2: Tăng nhẹ khi đồng đô la và lợi tức kho bạc Mỹ giảm
Ngày vía Thần Tài – Cơ hội đẩy vàng trong nước “bỏ xa” vàng thế giới?
Lãi suất huy động thấp kỷ lục “châm ngòi” cho vàng tăng giá?
Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới liên tục nới rộng thời gian gần đây. Cụ thể, giá vàng thế giới vào thời điểm 9h sáng 18/2 nếu quy đổi theo giá USD bán ra niêm yết tại Ngân hàng Vietcombank tương đương 49,5 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC bán lẻ trên thị trường dao động từ 56,7-56,8 triệu đồng/lượng. Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng thế giới quy đổi với giá vàng miếng bán lẻ ngay những ngày đầu năm Tân Sửu cao hơn tới 7,2-7,3 triệu đồng/lượng, tương ứng vơi mức cao hơn 13%. Vậy nguyên nhân nào khiến giá vàng của Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt trong những ngày vía Thần Tài mồng 10 tháng Giêng lại chênh lệch quá lớn với thị trường vàng thế giới?
Theo nhóm nghiên cứu AzFin Việt Nam (Tổ chức độc lập chuyên Đạo tạo và Phân tích Tài chính tại Việt Nam), thứ nhất, do chính sách xuất nhập khẩu kim loại quý của Việt Nam ảnh hưởng mạnh đến sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới, vì thế nếu giá vàng trong nước tăng mạnh không đồng nghĩa với việc có thể nhập vàng thế giới về để cân bằng.
Chẳng hạn, đối với thị trường vàng miếng, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Còn Ngân hàng Nhà nước tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng. Đồng thời cũng là đơn vị tổ chức thực hiện xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước.
Cùng với đó, hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
Thứ hai, nhu cầu về vàng ở Việt Nam nói riêng các nước châu Á nói chung là rất cao, người dân yêu thích sử dụng trang sức vàng và đặc biệt tích trữ vàng vật chất.
Thứ ba, các kênh đầu tư ở Việt Nam thực sự chưa quá đa dạng. Hiện tại Việt Nam chỉ có 3 kênh đầu tư chính phát triển là bất động sản, gửi tiết kiệm và mua vàng để tích trữ. Còn các kênh đầu tư hiện tại như cổ phiếu, trái phiếu, tác phẩm nghệ thuật... chưa thu hút được đại đa số người dân tham gia.
Vì thế, trong bối cảnh thị trường lãi suất tiết kiệm huy động “thấp kỷ lục”, còn bất động sản cần nguồn vốn lớn hơn thì một bộ phận không nhỏ người dân lựa chọn vàng để gửi gắm niềm tin.
Thứ tư, kiến thức về quản trị tài chính, đầu tư và sự hiểu biết còn hạn chế ở đa phần bộ phận người dân, họ không quan tâm nhiều đến sự bất hợp lý là vàng chênh những 13% so với thế giới mà họ coi vàng là một tiêu chuẩn của tích lũy tài sản, đầu tư để lâu chắc chắn có lãi và cũng không quan tâm đến rủi ro có thể xảy ra khi biên độ này co hẹp.
Bà Hoàng Minh Hạnh (sinh năm 1955) ở Đội Cấn cho biết: Ngày vía Thần Tài hơn 10 năm trước, tôi mua vàng giá chỉ 36 triệu đồng/lượng, vậy mà hơn 10 năm sau giá vàng đã tăng gần gấp đôi. Trong khi đó, lãi suất 10 năm trước là 12%/năm, thậm chí có ngân hàng còn tăng lên 15%/năm thì nay – tháng 2/2021 cũng chỉ còn khoảng 5%/năm thì thử hỏi người dân chúng tôi nên lựa chọn kênh nào để vừa an toàn vừa sinh lãi cao nhất?
“Với những người dân ở thế hệ chúng tôi, vàng vừa có thể “giắt cạp quần” – an toàn nhất mà vẫn lãi gần 50% là quá may mắn rồi, trong khi mua những thứ khác chúng tôi vừa không có kiến thức vừa không có vốn lớn”, bà Hạnh chia sẻ.
Diễn biến giá vàng thế giới 1 năm gần nhất. Nguồn: Tradingview.
Vàng tăng giá là do nhu cầu đang rất lớn so với nguồn cung
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Đinh Nho Bảng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết, giá vàng trong nước hiện đang cao hơn giá thế giới trên 7 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch có thể nói là lớn nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, chênh lệch lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới trước hết là sự phản ánh quan hệ cung-cầu. Nhu cầu vàng vật chất trong nước hiện đang lớn hơn nhiều so với nguồn cung, dẫn tới hệ quả là giá vàng trong nước cao hơn giá vàng quốc tế, tổng thư ký (VGTA) lý giải.
Về nhu cầu, bất chấp đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất vàng trang sức vẫn diễn ra mạnh, kéo theo nhu cầu vàng nguyên liệu ở mức cao. Trong khi đó, việc nhập khẩu vàng nguyên liệu chính ngạch còn chưa được nối lại do cơ quan chức năng phải thực thi chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo ổn định thị trường vàng nói riêng và thị trường tiền tệ nói chung. Đặc biệt là thực hiện yêu cầu tiết kiệm nguồn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối và ổn định chính sách tỷ giá.
Ngoài ra, tập quán của người dân Việt Nam lâu nay là ưa thích tích trữ vàng vật chất. Các thị trường đầu tư khác trong điều kiện đại dịch hiện nay cũng gặp một số khó khăn, dẫn tới nhu cầu tích trữ vàng của người dân gia tăng. Cùng với đó, do lãi suất huy động giảm trong điều kiện đại dịch nên người dân có thêm lý do để mua vàng.
Nhiều người đã thu được khoản lợi lớn khi mua vàng trên 30 triệu đồng/lượng mấy năm trước rồi bán ở mức giá trên 60 triệu đồng/lượng trong năm ngoái, dẫn tới nhu cầu mua vàng càng được kích thích.
Về nguồn cung, từ khi Nghị định 24/CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời vào năm 2012 đến nay, nguồn cung vàng chủ yếu dựa vào thị trường trong nước. Cơ quan chức năng không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu cho các doanh nghiệp như thời kỳ trước đây.
Thị trường vàng trong nước phải tự điều tiết cung-cầu, mà sự điều tiết này có khi "lệch pha" với ý muốn của doanh nghiệp cũng như của cơ quan quản lý. Vì vậy, quan hệ cung-cầu vàng trong nhiều thời điểm còn mất cân đối, dẫn tới chênh lệch, thậm chí chênh lệch lớn, giữa giá vàng trong nước với giá thế giới, ông Bảng phân tích.
Theo Chủ tịch VGTA, mức chênh lệch hơn 7 triệu đồng/lượng vào ngày hôm qua (18/2) phản ánh nhu cầu đang rất lớn so với nguồn cung. Theo phong tục của người Việt Nam, nhiều người mua vàng cầu may vào dịp ngày vía Thần Tài 10 tháng Giêng, dẫn tới nhu cầu vàng càng lớn hơn, thậm chí tăng đột biến so với bình thường.
Có nên đầu tư vào vàng trong năm 2021?
Ở góc nhìn khách quan hơn, nhóm nghiên cứu AzFin cho rằng, đối với thị trường vàng chỉ nên đầu tư vào thời kỳ kinh tế phát triển ở mức cao nhất (cuối chu kỳ phát triển của nền kinh tế), khi đó nền kinh tế có các biểu hiện gồm 4 yếu tố.
Một là, tăng trưởng GDP đứng ở mức cao và các nhà kinh tế dự báo không thể cao hơn được nữa. Hai là lợi nhuận doanh nghiệp sau một thời gian tăng mạnh bắt đầu chững lại. Ba là lãi suất bắt đầu cao và cuối cùng là việc đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh không còn quá mạnh nữa.
Bởi vì, khi đó lượng tiền dôi dư thay vì chuyển vào sản xuất sẽ được phân bổ sang một số kênh tài sản an toàn như vàng. Đặc biệt, giá vàng sẽ tăng rất mạnh khi kinh tế có dấu hiệu bất ổn hay đi vào suy thoái. Do đó, năm 2021 chưa phải là thời điểm lý tưởng để đầu tư vàng.
“Dịch bệnh Covid-19 và khủng hoảng kinh tế sẽ sớm qua đi trong 1-2 năm tới, khi đó nền kinh tế bắt đầu vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng, từ đó có thể thấy vàng sẽ khó có khả năng tăng mạnh”, nhóm nghiên cứu AzFin nhận định.