Ngày xửa ngày xưa - vẽ di sản bằng tinh thần đương đại

Sẽ bế mạc vào ngày 27/8, Triển lãm tranh-tượng 'Ngày xửa ngày xưa' của 16 nghệ sĩ nhóm Heritage and Art (H&A) đang diễn ra tại Nhà Triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội) giới thiệu 39 tác phẩm hội họa, đồ họa và điêu khắc với chất liệu đa dạng gồm kim loại, sơn dầu, lụa, trúc chỉ, gốm, sơn mài...

Các tác phẩm trong triển lãm.

Các tác phẩm trong triển lãm.

Họa sĩ Nguyễn Minh (Minh Phố) - người khởi xướng nhóm H&A cho biết, dự án được thành lập với mong muốn kế thừa, gìn giữ, phát triển và quảng bá di sản văn hóa Việt. Theo đó, các nghệ sĩ trong nhóm đã có những chuyến đi điền dã lấy tư liệu, những chuyến đi trực họa (là cách tiếp xúc trực tiếp với đề tài, nhân vật hoặc phong cảnh mình chọn), những cuộc gặp gỡ các nhân vật có liên quan để tìm hiểu sâu rộng hơn về giá trị của di sản văn hóa Việt.

Từ đó nghiên cứu, xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đương đại, hướng đến thực hiện và giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật các cuộc triển lãm nghệ thuật.

Họa sĩ Nguyễn Minh chia sẻ: “Ngày xửa ngày xưa” không chỉ là lời mở đầu cho muôn vàn câu chuyện cổ tích, mà ở đây, là mở đầu cho câu chuyện di sản mà mỗi nghệ sỹ với một phong cách nghệ thuật khác nhau, mong muốn “kể” cho người xem bằng ngôn ngữ hội họa.

Trong câu chuyện ấy, không chỉ có các hình ảnh là họa tiết và hoa văn mỹ thuật cổ, không chỉ có các nhân vật của nghệ thuật múa rối nước, các hình ảnh của chạm khắc đình làng, tranh dân gian… mà còn là tầng tầng lớp lớp bề dày lịch sử, những giá trị di sản văn hóa Việt được kể qua góc nhìn mang hơi thở nghệ thuật đương đại.”

Đồng hành và ủng hộ dự án của nhóm nghệ sĩ H&A, họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam, bày tỏ: "Người Việt mới, người trẻ mới bây giờ lại vẫn nhớ chuyện "ngày xửa, ngày xưa" với nét đẹp Việt, văn hóa Việt, tâm hồn Việt, di sản Việt. Họ đã làm cho người đi trước, người của ngày hôm qua phải thảng thốt, phải giật mình rằng, mình có bao giờ lãng quên nét cũ, duyên xưa của di sản? Sự đánh thức, sự lay động, sự mách bảo của "ngày xửa, ngày xưa" đã cho những người trẻ mới của thế kỷ này lật những trang mới tinh cho lộ trình đẹp đẽ, sáng sủa của thế hệ mình".

Được biết, sau triển lãm "Ngày xửa ngày xưa", nhóm sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động đưa nghệ thuật và di sản vào cuộc sống với các nhánh chủ đề như: Sáng tạo nghệ thuật cùng nghệ sĩ di sản qua ánh mắt trẻ thơ đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật thông qua di sản văn hóa ở các vùng miền...

Nhóm Heritage and Art (H&A) gồm 16 nghệ sỹ thuộc các thế hệ từ 7X đến 9X, có phong cách sáng tác riêng biệt và vị trí nhất định trong làng mỹ thuật đương đại Việt Nam: Chu Cường, Lê Thế Anh, Trần Cường, Nguyễn Tiến Dũng, Khổng Đỗ Duy, Nguyễn Thế Hùng, Hồ Hưng, Vương Lê Mỹ Học, Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường), Hoàng Phương Liên, Vũ Thùy Mai, Nguyễn Long, Cao Phương Thảo, Lê Đức Tùng, Trần Thược, Nguyễn Minh (Minh Phố).

MAI LINH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngay-xua-ngay-xua-ve-di-san-bang-tinh-than-duong-dai-10288718.html