Ngày xuân bàn chuyện thưởng trà
Trà là một trong những thức uống lâu đời bậc nhất trong lịch sử loài người và là thứ đồ uống được tiêu thụ nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau nước. Với người Việt Nam, chén trà không thể thiếu trong mỗi gia đình, đặc biệt là những dịp đầu xuân thư thái.
Các danh y thời xưa cho rằng trà là thuốc của trăm bệnh. Những chất dinh dưỡng trong trà rất tốt cho sức khỏe, giúp giải khát, đầu óc minh mẫn và tỉnh táo, hỗ trợ chữa một số loại bệnh và góp phần nâng cao tuổi thọ. Trên thế giới, chỉ có một số nơi mới trồng được các giống trà ngon. Thiên nhiên ưu đãi cho nước Việt nhiều vùng trà ngon nổi tiếng với những “thương hiệu” chè Thái Nguyên, chè shan tuyết Bảo Lộc, Tà Xùa, Suối Giàng... Văn hóa uống trà của người Việt bởi vậy cũng có từ lâu đời.
Không cầu kỳ như cách uống trà của người Trung Quốc, Nhật Bản, phong cách uống trà của người Việt cởi mở, bình dị hơn rất nhiều nhưng vẫn tạo nên bản sắc. Ở tầng lớp quyền quý, trí thức, cách thưởng trà nho nhã, thanh tao. Người pha trà, mời trà phải có tác phong nhẹ nhàng, thể hiện phẩm cách và học thức. Người uống trà nhẹ nhàng hai tay nâng chén trà, đưa ngang tầm mũi để cảm nhận mùi hương, sau đó mới từ tốn nhấp từng ngụm nhỏ để thưởng thức vị trà. Còn với đại đa số người Việt Nam, cách uống trà mang tính quần chúng, cộng đồng cao. Trà có mặt ở khắp mọi nơi, từ trong nhà ra ngoài ngõ, trong tiệc tùng, lễ lạt trang trọng đến quán xá bình dân, cơ quan, công sở. Việc làng, việc nước, việc hiếu hỷ, giỗ chạp không thể thiếu cốc trà xanh hay chén trà mạn. Khách đến nhà, dù gia chủ giàu hay nghèo, không ai quên pha trà mời khách để mở đầu câu chuyện hàn huyên. Xưa, “miếng trầu là đầu câu chuyện” nhưng giờ, trầu cau ít người ăn thì chén trà trở thành đầu câu chuyện...
Xuân đến Tết về, bên cạnh đủ thứ thức uống nội ngoại thì trà vẫn không thể thiếu trên bàn tiếp khách của mỗi gia đình người Hà Nội. Không chỉ uống trà búp, móc câu đơn thuần, người Hà Nội cầu kỳ, tinh tế còn ưa dùng các loại trà ướp hoa sen, hoa nhài, hoa sói... Những bình trà thơm như mang cả hương hoa đất trời bốn mùa vào câu chuyện vui vẻ đầu xuân. Theo nhà thơ, nhà báo, nhà sưu tầm ấm trà cổ Vương Tâm, “văn hóa uống trà của người Hà Nội là sự phối hợp giữa nét thiền và chia sẻ cộng đồng. Không gian trà thất ở Hà Nội có hiệu ứng mở chứ không khép kín như một số nước. Mọi người dùng trà trong giao tiếp để lấy sự thanh thản trong trao đổi, niềm vui được bày tỏ, tâm sự được gửi trao, nỗi niềm được sẻ chia, tạo không khí hòa đồng, ấm áp”.
Song, nói đến trà Hà Nội thì không thể không nhắc đến “trà vỉa hè”. Những "quán cóc liêu xiêu" một thời đi vào thơ nhạc bây giờ hầu như không còn nữa, nhưng cái thú uống trà vỉa hè của người Hà Nội vẫn không thay đổi. Trời nóng uống cốc trà đá, trời lạnh ôm ly trà nóng, vừa uống trà vừa ngắm phố phường tấp nập trở thành thói quen, nét văn hóa ở một Hà Nội bình dị, gần gũi và thân thương.
Ngày xuân năm mới, tạm cất đi những vội vã, tất bật thường ngày, ta cùng nhau ngồi xuống để thưởng thức một tách trà ấm sực, hương trà vấn vương thoảng nhẹ nơi cánh mũi, để vị ngọt hậu đọng lại mãi nơi cuống họng trong tiết trời xuân...
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-song/990955/ngay-xuan-ban-chuyen-thuong-tra