Ngày Y tá Thế giới trong Năm Y tá và hộ sinh giữa mùa Covid-19
Năm nay, Ngày Y tá Thế giới có ý nghĩa đặc biệt khi gắn với đại dịch Covid-19. Các y tá, điều dưỡng được tôn vinh đặc biệt.
Hôm nay (12/5) là ngày Y tá Thế giới trong Năm Y tá và Hộ sinh 2020. Ngày tôn vinh các nhân viên Y tá, điều dưỡng năm nay càng trở nên đặc biệt hơn trong bối cảnh, những y tá điều dưỡng đang ở trên tuyến đầu chống đại dịch Covid-19.
Florence Nightingale, sinh ngày 12/5/1820, là người tiên phong cho ngành y tá và điều dưỡng. Nhờ có bà mà ngành y tá đã trở thành một nghề chuyên nghiệp và đáng kính trên thế giới thay vì những quan điểm xưa cũ lúc bấy giờ cho rằng, đó là 1 nghề thấp hèn. Bà là người đầu tiên đưa ra những quy chuẩn Y tế và cải thiện tình trạng nhếch nhác trong các bệnh viện dã chiến, xây trường đào tạo y tá chính thống đầu tiên… Vì những cống hiến lớn lao đó, năm 1965, hội đồng điều dưỡng quốc tế đã chọn ngày sinh của bà làm Ngày Y tá Thế giới.
Cũng vì năm nay tròn 200 năm ngày sinh của bà, Tổ chức Y tế Thế giới đã quyết định chọn Năm 2020 là Năm Y tá và hộ sinh để vinh danh sự đóng góp của các y tá, điều dưỡng; đặc biệt là những cống hiến hết sức mình lẫn cả sự hy sinh tính mạng trong Covid-19.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, khẳng định, các y tá, điều dưỡng viên chính là xương sống của tất cả hệ thống y tế: “Covid-19 đang nhắc nhở chúng ta về vai trò của các y tá, điều dưỡng. Mỗi ngày, họ đều phải vượt qua nguy hiểm để giúp người bệnh giảm cơn đau và cứu nhiều sinh mạng. Họ đang làm những việc mà chúng ta không tưởng tượng nổi. Đối với những người mắc bệnh Covid-19, người mà họ tiếp xúc nhiều nhất, thậm chí là cuối cùng chính là điều dưỡng, là đôi bàn tay của các y tá. Họ phải hi sinh rất nhiều, xa người thân, mắc Covid-19 từ bệnh nhân. Nhiều người trong số họ đã trả 1 cái giá cuối cùng. Họ cần được bảo vệ nhiều hơn”.
Thực tế, có vô vàn câu chuyện cảm động về những người y tá, bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 như hình ảnh anh Naser Ali Al-Shahrani, một y tá tại Saudi Arabia đã bật khóc vì không thể ôm đứa con khi trở về nhà, khi đứa con chạy lại gần anh. Một người chồng, người bố tại Indonesia chỉ dám đứng ngoài cổng nhìn con, nhìn vợ trong sự bất lực… hay như câu chuyện về sự ra đi của nam y tá John Alagos khiến người dân nước Anh không khỏi bàng hoàng và đau xót khi nhân viên y tá này đã gục ngã vì kiệt sức, bởi anh đã kéo dài ca trực, để chăm sóc cho các bệnh nhân vì tình trạng thiếu nhân viên y tế nghiêm trọng.
Còn đối với người dân ở thủ đô La Habana (Cuba), họ đã không còn xa lạ với hình ảnh những người lính áo trắng ngày ngày đến gõ cửa từng ngôi nhà để hỏi thăm sức khỏe người dân, đồng thời tuyên truyền thêm thông tin về dịch .
Mùa dịch, hình ảnh của những người bác sĩ, y tá tận tâm, nhiệt huyết như vậy cũng đã thay thế những hình ảnh của những cô người mẫu xinh đẹp, các diễn viên nổi tiếng, đình đám trên bìa các Tờ Tạp chí nổi tiếng. Tạp chí Vogue của Italy lần đầu tiên để bìa trắng trên 1 ấn phẩm tháng 4, để vinh danh những “anh hùng thầm lặng áo trắng”. Các Tờ tạp chí khác của Anh, Pháp thì hình ảnh của các y tá, bác sĩ được đăng tải nhiều hơn, tần suất lớn hơn đi kèm với những thông điệp .
Các nguyên thủ trên thế giới cũng đã phải nhiều lần ca ngợi, tôn vinh những chiến binh áo trắng của mình. Xúc động khi được điều trị Covid-19 tận tình, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đặt tên con trai vừa chào đời của ông tên của 2 nhân viên y tế. Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay cũng đã gửi lời cám ơn đến các y tá nước này trong việc làm nên chiến thắng của cuộc chiến chống dịch của đất nước.
Y tá, điều dưỡng – một nghề nguy hiểm, nhưng hết sức trân quý đang được cả thế giới tôn vinh, đặc biệt trong mùa Covid-19, trong ngày Y tá Thế giới hôm nay./.