Nghệ An: 100% người dân được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống lao
Theo Bệnh viện phổi Nghệ An, mục tiêu hướng đến của đơn vị trong năm 2023 đó là tiếp duy trì mạng lưới phòng chống lao, đảm bảo cho 100% người dân trên địa bàn được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống lao.
Hoạt động phòng chống Lao được khôi phục sau đại dịch COVID-19
Bệnh viện phổi Nghệ An là đơn vị y tế trực thuộc Sở Y tế tỉnh Nghệ An, hiện nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật của bệnh viện đã và đang từng bước đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Trong năm 2022, Bệnh viện phổi Nghệ An đã triển khai tốt các hoạt động khám, thu nhận, điều trị, quản lý bệnh nhân lao trên địa bàn toàn tỉnh. Phối hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương, các dự án triển khai các hoạt động tập huấn, đào tạo, giám sát hỗ trợ hoạt động phòng chống lao tại tuyến dưới.
Thực hiện tốt công tác khám, phát hiện chủ động bệnh nhân lao, lao tiềm ẩn ở cộng đồng bằng kỹ thuật 2X (X quang và Xpert), kết hợp sàng lọc các bệnh lý hô hấp khác như Hen phế quản, COPD...
Trong năm 2022, Bệnh viện Phổi Nghệ An đã tiến hành khám, chụp XQ miễn phí cho 32.507 người dân tại 6 huyện (Thanh Chương, Đô Lương, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, TX Cửa Lò), trại giam số 3, Trại giam số 6 phát hiện gần 200 bệnh nhân lao các thể đưa vào thu dung điều trị hiệu quả.
Thông qua đó, số bệnh nhân lao các thể phát hiện mới năm 2022 là 1714 bệnh nhân đạt 98,7% kế hoạch, tỷ lệ điều trị khỏi và thành công 96%.
Bên cạnh đó, dưới chỉ đạo và hướng dẫn của chương trình chống lao Quốc gia và Sở Y tế Nghệ An, Bệnh viện phổi Nghệ An đã hướng dẫn các cơ sở xây dựng nhu cầu đấu thầu tập trung thuốc lao giai đoạn 2021-2022. Xây dựng kế hoạch đào tạo và hướng dẫn cơ sở thực hiện việc kiện toàn thanh toán thuốc lao qua BHYT từ ngày 01/7/2022.
Cùng với đó, duy trì và triển khai mở rộng các hoạt động thuộc khuôn khổ dự án FHI cũng như triển khai khám phát hiện bệnh lao, lao tiềm ẩn, kết hợp sàng lọc các bệnh lý hô hấp khác tại cộng đồng của dự án SCDI.
Lãnh đạo Bệnh viện phổi Nghệ An cho hay, trong giai đoạn 2020 – 2022 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến hết quý 1 năm 2022 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai hoạt động chương trình các tuyến, đặc biệt các hoạt động phát hiện, thu nhận điều trị lao thường, lao kháng thuốc và tỷ lệ đồng ý điều trị dự phòng.
Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 được khống chế, các hoạt động phòng chống lao tại đơn vị đã được khôi phục, các chỉ số chuyên môn năm 2022 tăng mạnh hơn so với năm 2021, đạt chỉ tiêu đề ra.
Đảm bảo 100% người dân được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống lao
Theo Bệnh viện phổi Nghệ An, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong năm 2023, để ngày càng nâng cao chất lượng khám, chữa và phòng chống bệnh lao cho người dân, đơn vị đã xây dựng những mục tiêu hướng đến cụ thể.
Trong đó, sẽ duy trì mạng lưới phòng chống lao, đảm bảo 100% người dân được tiếp cận với các dịch vụ phòng, chống lao. Tập trung các giải pháp nhằm thực hiện duy trì hiệu quả, chất lượng hoạt động mạng lưới phòng chống lao trên địa bàn tỉnh. Tăng tỷ lệ điều trị thành công, giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ bỏ trị, tỷ lệ thất bại điều trị và tỷ lệ tử vong trong các trường hợp lao thường và lao kháng thuốc.
Tăng tỷ lệ đồng ý điều trị dự phòng lao tiềm ẩn ở các nhóm đối tượng. Nâng cao chất lượng, số lượng các lớp tập huấn, giám sát hỗ trợ chuyên môn. Tăng cường đào tạo liên tục cho cán bộ làm trong chuyên ngành. Mở rộng và duy trì phối hợp y tế công tư PPM, tăng cường các hoạt động phối hợp thực hiện chương trình.
Thực hiện nhiều biện pháp truyền thông, tư vấn trực tiếp về bện lao cho cộng đồng. Mở rộng hoạt động phòng, chống lao với sự tham gia mạnh mẽ của Đoàn thể chính trị và chính quyền các cấp, toàn xã hội. Tăng cường công tác phát hiện chủ động bệnh lao tại công đồng kết hợp sàng lọc các bệnh lý đường hô hấp khác như Hen, COPD…
Theo Thầy thuốc nhân dân Tiến sĩ, bác sĩ CKII Đậu Huy Hoàn – Giám đốc Bệnh viện phổi Nghệ An, để đạt được những mục tiêu trên, đơn vị sẽ căn cứ vào kết quả thực hiện các chỉ tiêu chương trình năm 2022, tổng kết đánh giá các số liệu để định hình, xây dựng kế hoạch chương trình thực hiện sát với thực tế địa bàn.
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các mảng hoạt động chuyên đề về Lao trẻ em, lao kháng thuốc, lao/HIV... đảm bảo đạt và vượt các chỉ tiêu mà Chương trình Chống lao Quốc gia đề ra.
Ngoài ra, tăng cường công tác giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới. Xây dựng các lớp tập huấn hoạt động chung hoặc các lớp tập huấn chuyên đề cập nhật kịp thời các hoạt động chương trình. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch đào tạo liên tục cho cán bộ tuyến cơ sở tham gia công tác phòng chống lao, nâng cao chất lượng công tác phòng chống lao trên địa bàn.