Nghệ An: Cần hỗ trợ vốn để tái thiết hạ tầng giao thông sau mưa lũ
Gần 1 tháng từ khi bão số 4 đi qua, các đơn vị ngành GTVT Nghệ An vẫn đang phải nỗ lực từng ngày để khắc phục hậu quả do bão để lại.
Theo thống kê của Ban Quản lý bảo trì đường bộ Nghệ An, Bão số 4 (Soru) đã gây mưa lớn ngập lụt làm ách tắc giao thông, xói lở mặt đường, lề đường, sạt lở taluy âm, taluy dương tại nhiều vị trí trên các tuyến đường ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tính từ ngày 28/9/2022 đến ngày 12/10/2022, các tuyến quốc lộ do Ban được ủy thác quản lý đã đồng loạt xảy ra sạt lở taluy dương với khối lượng đất đá lên đến trên 170 nghìn m3. Sạt lở taluy âm ở 26 vị trí, với chiều dài 715,5m. Có 9 cầu, cống, tràn hư hỏng; có 13.249 m2 nền, mặt đường và 3.500m rãnh hư hỏng... Tổng thiệt hại ước tính lên đến 45,53 tỷ đồng.
Đối với các tuyến đường tỉnh, tình trạng ngập, sạt lở xảy ra trên hầu khắp các tuyến. Thống kê đến ngày 20/10, Ban QLBT đường bộ Nghệ An xác định, khối lượng sạt lở ta luy dương là trên 400 nghìn mét khối. Có 36 vị trí sạt lở taluy âm, với chiều dài 585,2 m. Mưa lũ, sạt lở làm hư hỏng 14 cầu, cống, tràn; 21.792,3 m2 nền mặt đường; 3.500 m rãnh dọc... Tổng thiệt hại ước tính 46,7 tỷ đồng.
Trong số các điểm bị sạt lở, có thể kể đến vị trí sạt ta luy dương ở QL48D. Nguyên một phần quả núi dạng đá phong hóa phân tầng đổ xuống chắn ngang đường làm giao thông chia cắt.
Để thông tuyến đường vận chuyển nguyên liệu vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, đơn vị đã huy động tối đa máy móc thiết bị và phải mất tới 3 ngày mới thông xe bước 1. Hay vị trí sạt tại dốc Eo Lèn (xóm Tân Long, xã Tân Long, huyện Tân Kỳ) QL48E. Cả nửa quả núi đá vôi đổ ập xuống khỏa lấp 100m đường.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Xây dựng giao thông thủy bộ Nghệ An (đơn vị quản lý tuyến) cho biết: Ước tính khối lượng sạt lở tại khu vực lên đến trên 6.500 m3, trong đó, có 1 khối đá lớn trên 200 m3 chắn ngang đường. Công ty đã phải dùng máy xúc bánh xích PC600 và mũi khoan lớn để phá đá. Mất 1 tuần dòng dã đập đá, đào xúc mới đảm bảo thông xe bước 1.
“Vị trí này muốn xử lý an toàn phải phá tiếp các tảng đá còn lơ lửng ở ta luy, bạt thêm 1 phần núi rồi làm tường lưới chắn đá thì mới đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông. Tuy nhiên, để làm được việc này còn chờ Cục Đường bộ Việt Nam duyệt phương án vốn đảm bảo giao thông bước 2”, ông Sơn nói.
Ông Phan Hải Châu, Phó Giám đốc Ban QLBT Nghệ An cho biết: Hiện tại các tuyến đường đã được các đơn vị đường bộ khắc phục đảm bảo thông xe 1 vệt, nhằm phục vụ người dân đi lại. Riêng tuyến đường tỉnh 543D (thuộc huyện Kỳ Sơn) đang còn vị trí bị ách tắc giao thông tại Km 105+300, do khối lượng bị sạt lở lớn; ước tính hơn 60 nghìn mét khối đất đá.
Về việc khắc phục thiệt hại công trình hạ tầng giao thông, đối với các tuyến quốc lộ, Cục Đường bộ Việt Nam đã cho chủ trương khắc phục hậu quả bão lụt. Đối với các tuyến đường tỉnh, Sở GTVT đang làm các thủ tục để trình Sở Tài chính và UBND tỉnh xin bố trí kinh phí để khắc phục”.
Trước đó, vào ngày 22/8, ảnh hưởng của cơn bão số 2 mang tên bão Mulan đã làm Quốc lộ 16, QL48E, QL48D cùng 7 tuyến đường tỉnh khác bị sạt lở ta luy, hư hỏng mặt đường và các công trình cầu cống. Tổng thiệt hại ước tính 15,2 tỷ đồng.
Vừa thông xe bước 1 được 3 ngày, ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã làm sạt lở 72.396 m3 taluy dương, 9 vị trí sạt lở taluy âm (chiều dài 235m); Hư hỏng 65.740 m2 nền mặt đường, 17 vị trí cầu cống, tràn. Tổng thiệt hại 37,9 tỷ đồng.
Đối mặt với những thiệt hại to lớn do bão lũ, những người làm lĩnh vực quản lý, bảo trì đường bộ ở Nghệ An đã nỗ lực hết mình với tinh thần luôn đi trước, cố gắng thông đường trong thời gian sớm nhất để phục vụ công tác cứu nạn cứu hộ trong tình huống khẩn cấp, cũng như đảm bảo cho người dân đi lại. Nay bão lũ qua đi, điều cần nhất đối với Nghệ An lúc này là sớm có nguồn vốn để khắc phục thiệt hại, cũng như tái khôi phục hệ thống hạ tầng giao thông đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn và phát triển kinh tế.