Nghệ An: Chưa sẵn sàng thi THPT Quốc gia trên máy tính

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét và xây dựng phương án thi Trung học phổ thông (THPT) quốc gia trên máy tính từ năm 2021 - 2025. Tuy nhiên, phương án này được đánh giá là khó khả thi ở những vùng điều kiện không thuận lợi, trong đó có nhiều trường học ở tỉnh Nghệ An.

Chủ trương tổ chức Kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia trên máy tính bắt đầu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thảo luận tại cuộc họp bàn về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông và tuyển sinh sau năm 2020. Cũng theo lộ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra, trong những năm tới, Bộ sẽ từng bước thí điểm việc thi Trung học Phổ thông Quốc gia trên máy tính để tiệm cận xu hướng thế giới.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh minh họa: TTXVN

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngay sau khi phương án này được đưa ra, nhiều ý kiến giáo viên cho rằng, việc thi trên máy tính chỉ áp dụng được ở những vùng thuận lợi. Với những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, điều này là khó khả thi vì không những cơ sở vật chất mà con người cũng chưa đảm bảo. Tại Nghệ An, điều này càng có cơ sở khi hiện nay, việc dạy và học Tin học còn có nhiều bất cập. Đơn cử như ở bậc Tiểu học, hiện nay hầu hết các trường đều chưa có giáo viên dạy tin học, vì thế môn học này chỉ mới triển khai thuận lợi ở những trường thuộc thành phố, thị xã hay ở khu vực trung tâm. Ở bậc Trung học cơ sở, Tin học hiện nay cũng là môn học tự chọn. Bên cạnh đó, các trường lại gặp nhiều khó khăn vì họ không có biên chế giáo viên tin học và nếu thuê giáo viên thỉnh giảng lại không có ngân sách chi trả.

Thầy giáo Nguyễn Đình Nhung, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Con Cuông cho rằng: Chất lượng dạy và học môn Tin học ở các trường Trung học cơ sở hiện nay chưa đồng đều và bản thân học sinh cũng chỉ mới được làm quen với tin học. Điều này chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tin học ở các trường Trung học phổ thông, nếu không có sự đầu tư thì khó có thể đáp ứng được việc thi tin học trên máy tính.

Ở bậc Trung học cơ sở, mặc dù tin học là môn học bắt buộc nhưng lâu nay học sinh vẫn chủ yếu là học lý thuyết, việc thực hành rất ít và chưa hiệu quả.

Tại Trường Trung học Phổ thông Tân Kỳ 3, huyện Tân Kỳ, việc thi bằng máy tính cũng đang khiến giáo viên, học sinh và cả nhà trường hết sức lo ngại. Thực tế hiện nay, trường có hơn 1.000 học sinh nhưng toàn trường chỉ có 24 máy vi tính. Vì vậy, nếu cố gắng sắp xếp thì nhiều lắm mỗi lớp cũng chỉ được thực hành ở phòng máy từ 5-7 tiết/học kỳ. Điều đó chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến thao tác và khả năng tiếp cận máy tính của học sinh. Trong khi đó, để thi được trên máy tính, các em phải được luyện tập và làm quen nhiều máy tính và tập luyện đề trên máy tính.

Học sinh Phạm Thị Lương, lớp 11, cho biết: "Nếu theo kế hoạch của Bộ thì năm học sau chúng em sẽ thi trên máy tính, nhưng thực tế cho đến thời điểm này, vì thiếu máy tính nên hiện tại đã học gần hết học kỳ I chúng em mới có một tiết thực hành này. Vì vậy, nếu thi bằng máy tính chắc chắn thao tác của chúng em sẽ chậm hơn các bạn ở các vùng thuận lợi khác. Trong lúc đề thi lại chung cho cả nước nên khả năng đậu đại học học của chúng em sẽ thấp hơn."

Là giáo viên dạy Tin học của nhà trường, cô giáo Lê Thị Thủy cũng rất trăn trở về điều này: Hiện nay, việc học máy tính của nhà trường đang gặp rất nhiều khó khăn vì cơ sở vật chất không đảm bảo. Bản thân các em ở vùng sâu vùng xa ít được tiếp xúc nên thao tác trên máy còn rất chậm, học sinh phải ngồi ghép 2-3 em/máy và cần thường xuyên có giáo viên hỗ trợ. Với thực tế này, để thi Trung học Phổ thông quốc gia, theo cô cần có lộ trình, trong thời gian đó các trường phải được đầu tư về trang thiết bị để các em làm quen. Việc học Tin học cũng cần được đầu tư ngay từ những năm tiểu học chứ không phải đến bậc Trung học phổ thông mới được chú trọng.

Tại Trường Trung học Phổ thông Quế Phong, huyện Quế Phong, hiện trường có hơn 1.600 học sinh với 42 lớp nhưng chỉ có 50 máy vi tính còn sử dụng được. Lãnh đạo nhà trường khẳng định vẫn đảm bảo đủ số tiết thực hành cho học sinh theo quy định, nhưng trung bình phải 3 học sinh ngồi chung một máy.

Từ những khó khăn trên, nhiều trường học trên địa bàn Nghệ An cũng đề xuất ý kiến để triển khai việc thi Trung học Phổ thông Quốc gia trên máy tính. Thầy giáo Hoàng Minh Lương, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hà Huy Tập, thành phố Vinh, nêu ý kiến: Trong thời điểm hiện nay, việc thi trên máy tính cần triển khai theo lộ trình và trong năm đầu tiên, Bộ cần tổ chức thi theo hình thức tự nguyện để học sinh tự đăng ký. Khi đã tiến hành thuận lợi thì Bộ mới nên làm đồng bộ để các nhà trường có một quá trình tiếp cận và triển khai chu đáo.

Một số ý kiến khác cho rằng, khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị có thể khắc phục, nhưng cách thức tổ chức thi trên máy tính mới là quan trọng. Để thành công, đòi hỏi đội ngũ khảo thí làm nhiệm vụ xây dựng ngân hàng đề thi, phần mềm thi phải là những người có trình độ, đạo đức.

Thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Tân Kỳ 3, cũng là một giáo viên dạy Toán chia sẻ: Gần đây đề thi đều được ra theo ma trận với các cấp độ khó được phân biệt khá rõ. Vấn đề là khi xây dựng ma trận này để xây dựng ngân hàng đề thì đòi hỏi người phụ trách phải làm thật chuẩn mới đảm bảo được công bằng cho học sinh. Ngược lại, nếu áp dụng ma trận không tốt thì ảnh hưởng đến chất lượng của kỳ thi các em.

Thực tế cũng cho thấy, dù là thi với phương thức nào trên máy tính hay thi trên giấy cũng cần quan tâm đến yếu tố bảo mật. Hơn thế, kỳ thi muốn thành công thì yếu tố con người phải là đầu tiên, trong đó điều quan trọng nhất là những người làm công tác thi phải thực sự trung thực, khách quan, trách nhiệm và thực hiện đúng theo các quy định, quy chế của kỳ thi.

Bích Huệ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/giao-duc/nghe-an-chua-san-sang-thi-thpt-quoc-gia-tren-may-tinh-20200109124512048.htm