Nghệ An có gần 8.000 trang tin điện tử, fanpage ở các cấp

Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 7.982 trang thông tin điện tử thành phần 3 cấp gồm xã, phương, thị trấn; hệ thống fanpage trên mạng xã hội facebook của sở, ngành, địa phương.

Chiều 8/12, tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 12, ông Phạm Ngọc Cảnh - Phó trưởng Ban tuyên giáo tỉnh cho biết, Nghệ An là tỉnh có số lượng Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đăng ký hoạt động đứng thứ 4 trên cả nước.

Đến nay, Nghệ An có 82 cơ quan báo chí hoạt động trên địa bàn, trong đó có 3 cơ quan báo chí địa phương (với 160 phóng viên), 39 Văn phòng đại diện (với hơn 300 nhà báo, phóng viên và cộng tác viên), 41 phóng viên thường trú của các cơ quan báo chí Trung ương.

Ngoài ra còn có nhiều phóng viên, cộng tác viên của các cơ quan báo chí khác hoạt động trên địa bàn tỉnh nhưng chưa thực hiện đăng ký với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

Ngoài hệ thống các cơ quan báo chí nêu trên, tỉnh Nghệ An còn có hệ thống truyền thông cơ sở của tỉnh bao gồm 21 Trung tâm Văn hóa, Thể thao và truyền thông của các huyện, thành phố, thị xã.

Ông Phạm Ngọc Cảnh - Phó trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Nghệ An (ngồi giữa) trao đổi với các cơ quan báo chí. Ảnh: Quốc Huy

Ông Phạm Ngọc Cảnh - Phó trưởng Ban tuyên giáo tỉnh Nghệ An (ngồi giữa) trao đổi với các cơ quan báo chí. Ảnh: Quốc Huy

Bên cạnh đó, cổng thông tin điện tử của tỉnh và 7.982 cổng thông tin điện tử thành phần 3 cấp gồm xã, phương, thị trấn; hệ thống fanpage trên mạng xã hội facebook của sở, ngành, địa phương trong tỉnh góp phần tích cực vào công tác thông tin, tuyên truyền.

"Về cơ bản, các cơ quan báo chí Nghệ An, các Văn phòng đại diện, phóng viên thường trú đã bám sát định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, quản lý nhà nước của Sở TT&TT. Các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, bám sát diễn biến thời sự xã hội; chủ động tích tích cực khai thác tin bài, sáng tạo trong phát hiện đề tài; phản ánh đầy đủ, kịp thời các sự kiện chính trị, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng", ông Cảnh thông tin.

Theo ông Cảnh, thông tin báo chí phản ánh trở thành nguồn thông tin tin cậy, chính thống, qua đó đóng góp quan trọng, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, cổ vũ các phong trào thi đua.

Phát hiện và biểu dương gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, góp phần định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội, quảng bá hình ảnh Nghệ An đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước.

Để làm tốt công tác quản lý nhà nước, Sở TT&TT đã chủ động tham mưu xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách về báo chí, xuất bản, chiến lược; quy hoạch, kế hoạch phát triển báo chí, kiểm tra, thanh tra, khen thưởng, xử lý hoặc đề nghị xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định.

Toàn cảnh buổi giao ban báo chí tháng 12/2023 ở Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

Toàn cảnh buổi giao ban báo chí tháng 12/2023 ở Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy

Chỉ tính 10 tháng đầu năm 2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành 46 văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương xử lý 46 vấn đề báo nêu.

Các đơn vị, địa phương của tỉnh đã tích cực chủ động xử lý thông tin báo chí phản ánh. Có 45/46 vấn đề đã được các đơn vị, địa phương chỉ đạo kiểm tra, xử lý và có báo cáo kết quả gửi về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.

Theo báo cáo của Sở Thông tin & truyền thông, trong năm 2023, lĩnh vực báo chí, thông tin mạng xã hội, đã tiến hành xử phạt 3 cá nhân, 3 tổ chức, với tổng số tiền 80 triệu đồng; trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hàn, đã tiến hành xử phạt 5 cá nhân, 01 tổ chức, với tổng số tiền 60 triệu đồng; phê bình, cảnh cáo, chấn chỉnh nhiều tổ chức, cá nhân khác.

Một số cơ quan báo chí đã tích cực thông tin, tuyên truyền, như: Báo Nghệ An, Đài PT&TH Nghệ An, Thông tấn xã Việt Nam, Đài TH VTV8, VietNamNet, Dân trí, Tiền phong, Lao động, Pháp luật Việt Nam, T/c Môi trường và Đô thị, Đời sống & Pháp luật, Quân khu 4, Xây dựng…

Những hạn chế của hoạt động báo chí

Bên cạnh đó, Ban tuyên giáo tỉnh cũng nhìn nhận một số hạn chế trên địa bàn Nghệ An như: Địa bàn có số lượng cơ quan báo chí và phóng viên hoạt động nhiều, đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí.

Tốc độ thông tin trên mạng xã hội, các báo điện tử nhanh, do đó việc nắm bắt, định hướng thông tin đôi lúc chưa kịp thời, đặc biệt khi xảy ra các vấn đề “nóng” được dư luận quan tâm.

Việc xử lý và chấn chỉnh tình trạng xa rời mục đích, tôn chỉ, nhất là các tạp chí vẫn chưa được phát hiện sớm để xử lý kịp thời, triệt để.

Với sự phát triển của nhiều loại hình báo chí tạo ra áp lực cho cơ quan chỉ đạo, quản lý, trong khi còn hạn chế về nhân lực, điều kiện, phương tiện kỹ thuật và thời gian.

Việc thực hiện quy chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí chưa đầy đủ, kịp thời, dẫn đến việc thông tin báo chí có lúc chưa toàn diện, chính xác, ảnh hưởng đến dư luận.

Vẫn còn một số cơ quan báo chí chưa thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền theo sự chỉ đạo, định hướng thông tin tại các cuộc giao ban báo chí hằng tháng do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT và Hội Nhà báo tỉnh phối hợp tổ chức.

Sai phạm trong nội dung thông tin báo chí còn xảy ra. Một số tin, bài chưa phù hợp với tôn chỉ, mục đích quy định trong giấy phép hoạt động báo chí.

Tình trạng báo chí đặt tiêu đề thiếu thận trọng; thông tin về các vấn đề tiêu cực khá dày; tình trạng giật tít, câu view vẫn tồn tại.

Một số phóng viên sử dụng mạng xã hội để thông tin về các sự việc chưa được kiểm chứng vẫn còn tiếp diễn, gây bức xúc trong dư luận.

Nhiều phóng viên báo chí thường trú không tham gia sinh hoạt giữ mối liên hệ với Hội Nhà báo tỉnh theo quy định; một số trưởng văn phòng đại diện, thường trú chưa thực hiện nghiêm túc dự họp giao ban báo chí định kỳ đúng thành phần.

Quốc Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nghe-an-co-gan-8-000-trang-tin-dien-tu-fanpage-o-cac-cap-2224705.html