Nghề 'ăn cơm dưới đất làm việc trên trời'
TP.HCM đang có 8.000 cổ thụ có tuổi thọ gần 100 tuổi, mỗi dịp mùa mưa đến câu chuyện đảm bảo an toàn cây xanh không gãy, đổ ảnh hưởng đến người dân cần lại được đề cập tới. Người ta ví von công việc của những công nhân cây xanh là nghề 'ăn cơm dưới đất làm việc trên trời'.
Công việc cắt tỉa, thu gọn cành nhánh đảm bảo an toàn trước mùa mưa thường rơi vào thời điểm từ đầu tháng 1 hằng năm kéo dài đến hết tháng 5 và mỗi ngày công nhân làm từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Tại công viên 30/4 trước cổng Dinh Độc Lập, phóng viên chứng kiến quy trình làm việc thường niên của công nhân Công ty TNHH MTV Cây Xanh TP.HCM, chúng tôi càng thấy thấm và hiểu một phần vất vả của cái nghề suốt ngày leo trèo.
Những công nhân này không khác như diễn viên xiếc; đôi chân và cánh tay họ khỏe, thoăn thoắt luồn dây qua thân cây và với sự trợ giúp của đồng đội kéo dây, chưa đầy vài phút 1 công nhân nhanh chóng trèo lên độ cao tầm 30m.
Thường họ làm việc ở độ cao từ 30-50m, tương đương 1 tòa nhà 7-10 tầng. Nếu những cổ thụ bên lề đường thì được xe cẩu nâng hỗ trợ một phần, còn đối với những cây bên trong công viên hầu như người công nhân phải leo trèo một cách thủ công.
Một tổ đội thường có 9 người được chia làm ba nhiệm vụ, người chặn đường điều tiết giao thông, người nắm dây và người dùng cưa cắt cành. Và tất cả phải liên lạc chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, để cành cây khi đứt rời được đưa xuống đúng vị trí đã định, không rơi trúng người phía dưới.
Khi xong nhiệm vụ, người công nhân móc dây vào thân cây tạo một điểm tựa như ròng rọc thả tuột theo chiều thẳng đứng để tiếp đất. Cả quá trình, người công nhân thể hiện sự khéo léo không khác một chiến sĩ đặc công đang thực hiện nhiệm vụ leo dây lên xuống một tòa nhà cao tầng.
Ông Huỳnh Mạnh Hùng, Tổ trưởng tổ 5 chia sẻ về những rủi ro và vất vả thường gặp của những công nhân cây xanh: “Nói chung 20 năm vào nghề, riêng tổ tôi quản lý chưa xảy ra tai nạn. Thật sự tai nạn thường bị ong đánh chứ không có gì khó khăn gì hết. Nhiều khi trèo lên cực nhọc nhưng ổ ong rất nguy hiểm, nó núp trong lùm cây mình không thể thấy.
Rồi mưa gió nữa, khi đó buộc phải tuột xuống thôi chứ không có làm suôn sẻ được. Nhiều lúc làm thông tầm luôn, qua 1 giờ và kéo nước lên cho anh em uống chứ không có ăn uống gì. Chỉ khi làm xong xuống đất mới ăn uống, chứ xuống cây rồi không lên nổi nữa, vất vả lắm”.
Ông Phạm Ngọc Linh (47 tuổi) gắn bó công việc cây xanh đã 25 năm, với ông công việc ngoài việc giúp ông nuôi sống gia đình là cả tình yêu: “Mình cũng tự hào cái nghề này cũng hiếm hoi của thành phố, nghề không phải ai cũng làm được. Người công nhân làm phải huyết áp cho tốt, lên độ cao mới không sợ.
Nói chung cây xanh thành phố thì mình vô làm rồi từ từ minh yêu, mình mến. Mình cứ làm, cứ cắt tỉa, trường hợp cây nào nó rỗng, mục quá thành phố đề xuất đốn bỏ mình cũng tiếc lắm, tại vì nó sống mấy chục năm rồi. Giờ nó mục chết thì quá nguy hiểm buộc phải đốn bỏ thôi”
Điều tiếc nuối nhất với ông Linh là rơi vào tình huống phải đốn bỏ những cổ thụ vì do vướng dự án xây dựng hạ tầng cần phải giải phóng mặt bằng. Lắm lúc, người dân đi qua cũng phản ứng lắm, song vì nhiệm vụ công việc ông cũng thi hành chứ lòng cũng chẳng đặng đừng.
Hơn 25 năm gắn bó, giờ đây tình yêu công việc ông Linh được tiếp nối trao truyền cho người con trai là Phạm Ngọc Long (21 tuổi) - nối nghiệp cha. Anh Long theo nghiệp cha cũng được 3 năm, từ lúc vào làm chỉ phụ việc các chú, các bác rồi được truyền nghề leo từ cây nhỏ loại 1 đến cây to loại 3. Giờ thì hai cha con có thể cùng lên chiếc cần cẩu phối hợp thuần thục tỉa các cành cây với độ cao trên 25m.
Anh Long chia sẻ về chuyện ngày đầu nối nghiệp cha: “Lúc mình còn nhỏ theo ba cắt cây cũng thấy nguy hiểm, thấy sợ, nhưng rồi lớn lên mình xin theo ba thử, ba cho đi rồi thích đam mê quá xin vào công ty làm.
Ngày đầu tiên đi làm chỉ phụ mấy bác kéo rác vào lề cho xe chạy. Giai đoạn này tôi vô học hỏi và giờ cũng được ba năm, song vẫn tiếp tục trau dồi kinh nghiệm, mới vô cho leo thử cây loại 3. Lúc đầu leo lên gió giật mạnh, lắc cành cây cũng thấy ớn, nhìn xuống cũng thấy run, sợ”.
Làm nghề lâu gắn bó trên 20 năm, tình yêu cây cối dường như đã thấm sâu vào từng công nhân ở đây. Đời họ gắn với đời cây, cây xanh đã nuôi sống họ, gắn bó qua từng năm tháng, là chứng nhân của thời gian. Mỗi năm một cây thêm 1 vòng thân gỗ là người thêm 1 năm tuổi nghề./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nghe-an-com-duoi-dat-lam-viec-tren-troi-post1024930.vov