Nghệ An còn 24 xã với hơn 18.000 nhà dân bị cô lập do lũ
Dù mưa đã ngớt, nước lũ đang rút nhanh nhưng tính đến 21 giờ ngày 24/7, trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 24 xã bị cô lập hoàn toàn và cô lập một phần với hơn 18.000 hộ.

Những ngôi nhà dọc dòng Nậm Nơn đã bị lũ cuốn trôi. (Ảnh: TTXVN phát)
Theo báo cáo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, tính đến 21 giờ ngày 24/7, trên địa bàn toàn tỉnh còn 24 xã bị cô lập hoàn toàn và cô lập một phần với hơn 18.000 hộ.
Dự kiến trong ngày 25/7, Cục cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) sẽ tiếp tục tổ chức bay 4 chuyến vận chuyển hàng cứu trợ đến vùng lũ Nghệ An.
Dù mưa đã ngớt, nước lũ đang rút nhanh, tuy nhiên do sạt lở đất khiến nhiều tuyến giao thông bị chia cắt nên hiện toàn tỉnh còn 2 xã bị cô lập hoàn toàn với hơn 3.500 hộ (xã: Hữu Kiệm hơn 2.000 hộ, Nhôn Mai hơn 1.400 hộ) và 22 xã đang bị cô lập một phần với hơn 14.000 hộ bị ảnh hưởng.
Những ngày qua, mưa lũ đã làm 3 người chết, 1 người mất tích, 4 người bị thương.

Những ngôi nhà dọc dòng Nậm Nơn đã bị lũ cuốn trôi. (Ảnh: TTXVN phát)
Thống kê sơ bộ toàn tỉnh có 1.892 nhà bị ngập nước (gồm các xã Vĩnh Tường 272 nhà, Thành Bình Thọ 179 nhà, Yên Xuân 49 nhà, Con Cuông 300 nhà, Nhân Hòa 297, Cam Phục 21 nhà, Châu Khê 275 nhà, Anh Sơn 423 nhà, Nghĩa Hành 36 nhà, Anh Sơn Đông 40 nhà), hơn 938 nhà bị hư hỏng (các xã Vĩnh Tường, Quang Đồng Yên Thành, Quế Phong, Châu Bình, Nhôn Mai, Yên Hòa, Na Loi, Nga My, Hữu Kiệm, Yên Na, Mường Xén, Nậm Cắn, Lượng Minh, Tri Lễ, Bạch Ngọc, Yên Xuân, Nghĩa Đồng, Na Ngoi, Châu Hồng, Mường Chòng, Châu Khê, Cát Ngạn, Trung Thuận, Yên Na, Mường Típ, Thông Thụ, Hưu Khuông, Giai Lạc, Mỹ Lý).
Ngày 25/7, Thiếu tá Phan Đức Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Bộ đội biên phòng Nghệ An) cho biết bước đầu đơn vị đã nắm được thông tin cơ bản về tình hình bản Cha Nga (xã Mỹ Lý, tỉnh Nghệ An) và khẳng định cho đến thời điểm hiện tại 103 hộ dân là dân tộc Thái của bản này đều an toàn về người trong đợt lũ mạnh hoành hoành nhiều xã trên địa bàn miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An vừa qua.
Lực lượng chức năng đã di dời 2.300 hộ đến nơi trú tránh an toàn; trong đó, tập trung ở các xã vùng núi như xã Tương Dương có 1.310 hộ, Mường Xén 528 hộ, Con Cuông 215 hộ, Hữu Kiệm 86, Anh Sơn 45 hộ...

Xã biên giới Mỹ Lý (Nghệ An) hiện vẫn bị cô lập với bên ngoài do các tuyến đường bị chia cắt. (Ảnh: TTXVN phát)
Về nông nghiệp cũng chịu thiệt hại nặng nề với hơn 2.800ha lúa, 2.200ha rau màu, 2.400ha cây hàng năm... bị gãy đổ, gần 8.000 con gia súc, gia cầm bị chết, lũ cuốn trôi, nhiều tuyến đường, công trình cầu cống, trụ sở bị hư hỏng khiến một số tuyến giao thông bị ách tắc.
Ngày 24/7, Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Mai Văn Chính làm trưởng đoàn tiếp tục đi kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 tại một số địa phương trên địa bàn.
Để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hơn 5.000 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ.
Đơn vị cũng đã phối hợp 2 kíp trực thăng của Trung đoàn 916 và Công ty bay miền Bắc tiếp tế hàng hóa cứu trợ gồm 6 tấn mỳ tôm, 4 tấn sữa, 6 tấn lương khô, 4 tấn nước sạch đến những địa phương bị cô lập như xã Mường Xén, Mường Típ, Nhôn Mai, Mỹ Lý, Bắc Lý.
Dự kiến trong ngày 25/7 sẽ tổ chức bay 4 chuyến vận chuyển hàng cứu trợ cho đồng bào miền tây Nghệ An bị mưa lũ.
Công an tỉnh Nghệ An cũng đã huy động các lực lượng liên quan nhanh chóng, khẩn trương sơ tán hơn 3.400 hộ dân, cùng nhiều tài sản từ các vùng nguy hiểm xung yếu đến nơi an toàn.
Đồng thời, tăng cường hơn 500 cán bộ, chiến sỹ cùng nhiều nhu yếu phẩm, trang thiết bị, phương tiện tăng cường hỗ trợ nhân dân, tại các vùng chịu ảnh hưởng do mưa lũ.

Chiến sỹ Đồn biên phòng Mỹ Lý giúp người dân địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ. (Ảnh: TTXVN phát)
Các đơn vị, công an địa phương huy động hơn 4.250 cán bộ chiến sỹ tăng cường bám địa bàn cơ sở.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, đến nay đã có hơn 20.000 tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 13,5 tỷ đồng hỗ trợ người dân miền Tây Nghệ An khắc phục hậu quả bão lũ.
Một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã tổ chức phát động ủng hộ người dân khắc phục hậu quả. Ngoài ra, các tổ chức thiện nguyện, các cá nhân, trong và ngoài tỉnh Nghệ An đã có nhiều hoạt động hỗ trợ nhu yếu phẩm như nước uống, gạo, mì tôm, tổ chức cấp phát các suất ăn, nước uống, sữa tươi, lương khô, xúc xích... dọn dẹp nhà cửa cho nhân dân khi nước rút.
Ngày 25/7, Thiếu tá Phan Đức Tâm, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý (Bộ đội biên phòng Nghệ An) cho biết bước đầu đơn vị đã nắm được thông tin cơ bản về tình hình bản Cha Nga (xã Mỹ Lý, tỉnh Nghệ An) và khẳng định cho đến thời điểm hiện tại 103 hộ dân là dân tộc Thái của bản này đều an toàn về người trong đợt lũ mạnh hoành hoành nhiều xã trên địa bàn miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An vừa qua.
Bản Cha Nga (là 1 trong hơn 10 bản của xã Mỹ Lý), nằm ở phía thượng nguồn sông Nậm Nơn, sát biên giới Việt Nam-Lào, cách trung tâm xã Mỹ Lý khoảng gần 30km đường rừng núi. Cả bản có hơn 400 nhân khẩu, đều là dân tộc Thái.
Trong điều kiện thời tiết bình thường có thể sử dụng xe máy để di chuyển trên con đường độc đạo, cheo leo lưng chừng núi, men theo dòng Nậm Nơn với nhiều dốc cao, vực sâu để vào bản. Nhưng phải mất nhiều giờ đồng hồ, rất vất vả mới đến vào được đến nơi.

Hàng trăm ngôi nhà bị hư hại sau trận mưa lũ. (Ảnh: TTXVN phát)
Trước đó, ảnh hưởng của đợt lũ lớn dâng cao vượt mốc lịch sử, từ chiều tối ngày 22/7, khi lũ tràn về gây ngập lụt, sạt lở, chia cắt, cô lập nhiều vùng dân cư, bản làng ở nhiều xã miền núi phía Tây Nghệ An.
Chính quyền xã Mỹ Lý không nắm được bất kỳ thông tin nào về tình hình địa bàn của bản Cha Nga vì bản này bị cô lập, không thể tiếp cận do đường sạt lở nghiêm trọng, nước lũ trên dòng Nậm Nơn dâng cao, chảy xiết không thể di chuyển bằng thuyền và không thể kết nối thông tin liên lạc với người dân trong bản.
Trong sáng 24/7, Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Lý đã thành lập tổ công tác do ông Đào Công Thịnh, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã làm tổ trưởng cùng cán bộ các đoàn thể, công an, bộ đội biên phòng Mỹ Lý mang theo nhu yếu phẩm, thuốc men cần thiết để cắt rừng, hành quân bộ để tiếp cận, nắm tình hình thực tế tại hai bản Xốp Dương, Cha Nga và động viên bà con dân bản.
Theo chính quyền địa phương xã Mỹ Lý, trước diễn biến phức tạp, cực đoan của đợt mưa lũ, Ban quản lý bản Cha Nga đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động theo dõi tình hình thời tiết để ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Từ sáng và trưa 22/7, toàn bộ người dân trong bản đã chủ động kịp thời di chuyển di dời, sơ tán lên vị trí cao hơn nên bảo đảm an toàn tính mạng trong trận lũ lịch sử vừa qua.
Tuy nhiên, lũ dữ càn quét qua bản đã cuốn trôi mất 12 ngôi nhà sàn kiên cố của các gia đình trong bản, ngoài ra còn có nhiều ngôi nhà khác bị hư hỏng ở mức độ thiệt hại khác nhau.
Thiệt hại về kinh tế (chăn nuôi gia súc, gia cầm, diện tích ao nuôi, công trình dân sinh khác...) chưa có thống kê cụ thể.
Hiện tại tổ công tác của Ủy ban Nhân dân xã Mỹ Lý đang nắm bắt, đánh giá thêm tình hình thực tế tại bản Cha Nga và xin ý kiến Ủy ban Nhân dân đề nghị Bộ Quốc phòng điều trực thăng tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân trong bản.
Từ chiều tối ngày 22/7, nhiều xã miền núi phía Tây Nghệ An đã xảy ra lũ lụt dâng cao vượt mốc lịch sử, gây nên những thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Qua khảo sát, tính đến trưa ngày 24/7 trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 5 xã bị cô lập hoàn toàn và 25 xã bị cô lập một phần.
Để sớm ổn định đời sống cho nhân dân vùng lũ, công tác khắc phục hậu quả lũ lụt đang được chính quyền địa phương triển khai thực hiện quyết liệt; trong đó tập trung huy động lực lượng vũ trang (Công an, quân sự, Bộ đội biên phòng...) về các địa bàn trọng yếu, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai để giúp dân.
Nước rút đến đâu lực lượng sẽ tham gia hỗ trợ giúp dân đến đó, mục tiêu trước mắt là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh.
Đối với các xã đang bị cô lập, địa phương sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng quân khu đưa trực thăng mang theo thực phẩm, nước uống, thuốc men lên hỗ trợ đồng bào và tiếp tục tăng cường lực lượng lên giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả. Đồng thời tiếp tục nắm chắc diễn biến tình hình thời tiết để có phương án phòng chống, khắc phục hậu quả./.