Nghệ An còn hơn 1.500 biên chế giáo viên chưa tuyển dụng
Hiện Nghệ An còn hơn 1.590 chỉ tiêu biên chế giáo viên đã được cấp có thẩm quyền giao. Đây được xem là nguồn lực quan trọng, góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt hơn 4.000 nhân sự trong ngành Giáo dục tỉnh này.
Mới đây, nhiều trường học ở Nghệ An, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa và khu vực đặc biệt khó khăn đã gửi văn bản kiến nghị lên Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), phản ánh tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng.

Cuối năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn thiếu hơn 4.000 giáo viên.
Thiếu giáo viên trầm trọng
Theo ghi nhận, sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính và kết thúc các đợt biệt phái, nhiều trường học tại Nghệ An rơi vào tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.
Tại Trường THCS Quỳnh Tân (huyện Quỳnh Lưu cũ), hiện chỉ còn 27 giáo viên cho 29 lớp học với hơn 1.350 học sinh. Để đáp ứng định mức theo quy định, nhà trường cần được bổ sung 28 giáo viên.

Hơn 4.000 vị trí giáo viên còn thiếu, tập trung ở các môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật và các môn học mới trong chương trình phổ thông 2018.
Tương tự, Trường THCS Hiến Sơn (xã Bạch Hà) hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng sau khi 12 giáo viên được rút về đơn vị cũ. Năm học tới, trường dự kiến duy trì 16 lớp nhưng cần bổ sung tới 13 giáo viên cho các bộ môn: Toán (3), Ngữ văn (3), Tiếng Anh (2), Giáo dục thể chất (2), Giáo dục công dân (1), Khoa học tự nhiên/Vật lý (1) và Tin học (1).
Ông Nguyễn Văn Dần – Hiệu trưởng Trường THCS Hiến Sơn – cho biết: "Nếu không được bổ sung giáo viên kịp thời, hoạt động dạy học sẽ rơi vào khủng hoảng, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh."
Không chỉ riêng Trường THCS Hiến Sơn, trước đó, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Hữu Khuông (xã Hữu Khuông) cũng đã có tờ trình gửi Sở GD&ĐT Nghệ An, đề xuất bổ sung 15 nhân sự, gồm 12 giáo viên và 3 nhân viên phục vụ.

Đối với giáo dục mầm non và công lập có số biên chế được giao năm 2025 là 48.789, số viên chức hiện có là 47.197 người.
Theo lãnh đạo nhiều trường học, tình trạng thiếu hụt giáo viên tại các vùng sâu, vùng xa, khu vực đặc biệt khó khăn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động dạy học. Nhiều môn học có nguy cơ không thể triển khai đúng kế hoạch do không đủ giáo viên đứng lớp. Trước thềm năm học mới, các trường đã kiến nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sớm có phương án điều tiết, bổ sung biên chế hoặc tổ chức tuyển dụng mới nhằm đảm bảo ổn định đội ngũ.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện toàn tỉnh cần bổ sung hơn 4.000 giáo viên ở bậc học mầm non và phổ thông để đáp ứng đủ tỷ lệ giáo viên/lớp theo quy định. Cụ thể: mầm non thiếu 1.579 giáo viên; tiểu học thiếu 1.198; trung học cơ sở thiếu 942 và trung học phổ thông thiếu 463 giáo viên.
Về vấn đề này, đại diện Sở GD&ĐT cho biết, đơn vị đã tiếp nhận nhiều phản ánh về tình trạng thiếu giáo viên từ các cơ sở giáo dục trên địa bàn và đang tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh sớm có phương án xử lý.
Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nghệ An – cho biết, trước ngày 1/7, thẩm quyền điều động và quản lý biên chế giáo viên thuộc UBND cấp huyện. Tuy nhiên, từ ngày 12/7, trách nhiệm này đã được chuyển về Sở GD&ĐT, đòi hỏi phải có các giải pháp điều phối đồng bộ, hiệu quả trên quy mô toàn tỉnh.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Sở và các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã. Do đó, việc triển khai các phương án cụ thể vẫn cần chờ văn bản chính thức được ban hành.
“Chúng tôi đang tích cực tham mưu để đảm bảo cân đối và ổn định đội ngũ giáo viên trên địa bàn. Sở đã báo cáo tỉnh, kiến nghị các bộ, ngành sớm bổ sung biên chế và thống nhất quy định về phân cấp quản lý giáo dục. Đồng thời, Sở sẽ tiến hành điều động, biệt phái và tuyển dụng giáo viên để kịp thời bố trí cho những trường đang thiếu hụt nghiêm trọng,” ông Thái Văn Thành nhấn mạnh.
Quy định rõ thẩm quyền điều động giáo viên để giải bài toán thừa - thiếu cục bộ
UBND tỉnh Nghệ An vừa có văn bản góp ý dự thảo Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã, phường. Trong đó, tỉnh đặc biệt kiến nghị cần quy định rõ thẩm quyền điều động, biệt phái giáo viên giữa các địa phương, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt hơn 4.000 giáo viên và khắc phục sự thừa – thiếu cục bộ đang diễn ra tại nhiều xã, phường trên địa bàn.

Nghệ An hiện còn hơn 1.590 biên chế giáo viên được cấp có thẩm quyền giao.
Hiện nay, nhiều trường học tại các xã trung tâm hoặc địa bàn có chế độ ưu đãi cao đang dư thừa giáo viên, trong khi các trường ở vùng sâu, vùng xa lại rơi vào tình trạng thiếu nghiêm trọng. Trước đây, UBND cấp huyện có thẩm quyền điều động, biệt phái giáo viên giữa các trường. Tuy nhiên, sau khi chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp, việc điều động giữa các xã gặp nhiều vướng mắc do chưa rõ ràng về thẩm quyền.
Từ thực tế này, tỉnh Nghệ An đề xuất việc điều động giáo viên cần bảo đảm tính điều tiết tổng thể trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm tránh lãng phí nhân lực và góp phần ổn định chất lượng giáo dục. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị tổ chức hội đồng tuyển dụng chung cấp tỉnh thay vì phân tán theo từng xã, phường, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho người dự tuyển.
Bên cạnh đó, Nghệ An cũng chỉ rõ tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng ở các môn năng khiếu, Tin học, Ngoại ngữ và các môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này không chỉ gây áp lực lớn lên đội ngũ giáo viên hiện có mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện các tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, tiến độ tuyển dụng chậm, chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các địa phương cũng là những bất cập mà tỉnh đề nghị Bộ GD&ĐT cần sớm nghiên cứu, điều chỉnh trong các quy định về quản lý đội ngũ giáo viên hiện nay.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ Nghệ An, đối với giáo dục mầm non và công lập có số biên chế được giao năm 2025 là 48.789 biên chế, số viên chức hiện có là 47.197 người, toàn tỉnh hiện còn 1.592 biên chế chưa sử dụng.