Nghệ An: Đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, bảo đảm hoàn thành mục tiêu giải ngân năm 2024
Sáng 8/5, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị giao ban toàn tỉnh về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội và 3 chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2024.
Đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân cả nước
Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An Phạm Hồng Quang cho biết, kế hoạch năm 2023 là hơn 9.033 tỷ đồng, tính đến ngày 31/01/2024 đã giải ngân gần 8.587 tỷ đồng (đạt 95,05%), hoàn thành mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao (đạt trên 95%) và cao hơn nhiều so với cùng kỳ (cùng kỳ chỉ đạt 84,86% kế hoạch giao đầu năm và 78,37% tổng kế hoạch giao).
Đối với nguồn vốn đầu tư công theo kế hoạch năm 2024, tính đến ngày 30/4/2024, Nghệ An đã giải ngân gần 989 tỷ đồng, đạt 21,37% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ 15,3% và cao hơn so với bình quân cả nước là 17,46%. Một số nguồn vốn đạt khá như: Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giải ngân gần 269 tỷ đồng, đạt 60,8%; nguồn thu xổ số kiến thiết giải ngân gần 11,5 tỷ đồng, đạt 40,87%; nguồn thu sử dụng đất giải ngân gần 93,6 tỷ đồng, đạt 36,7%. Kế hoạch các năm trước kéo dài sang năm 2024, đã giải ngân gần 58 tỷ đồng, đạt 10%.
Đến nay, có 24/68 đơn vị chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân khá (đạt trên 30%). Các dự án trọng điểm liên vùng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh cơ bản đảm bảo theo tiến độ.
Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương báo cáo tình hình giải ngân trên địa bàn; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc đồng thời đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long yêu cầu các sở, ngành cần tăng cường làm việc tại các địa phương, tập trung hỗ trợ, giám sát “cầm tay chỉ việc” đối với các huyện đang thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia để giải quyết các khó khăn, tồn tại; Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh nhanh hồ sơ thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện theo Nghị quyết 111/2024/QH15 để trình HĐND tỉnh trong thời gian sớm nhất.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho rằng, các cơ quan, địa phương cần thực hiện công tác quản lý vốn tạm ứng, rà soát các dự án có vốn tạm ứng quá hạn để thu hồi; quyết toán nguồn vốn xây dựng cơ bản tồn đọng; quản lý và sử dụng tiền sử dụng đất đã đấu giá được một cách hiệu quả.
Nhiệm vụ cấp bách, quan trọng
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, địa phương đã rất quan tâm, nắm sát, chắc, rõ tình hình. Năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công đạt 95,05%/mục tiêu trên 95%, cao hơn so với cùng kỳ; 15/21 huyện, thành, thị, 35/46 đơn vị chủ đầu tư đã hoàn thành mục tiêu.
Năm 2024, việc triển khai kế hoạch đầu tư công khá thuận lợi, đã hoàn thành giao chi tiết 100% vốn cho các dự án; ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc; phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng cho từng đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng như giám đốc các sở, ngành theo dõi từng dự án; Tổ công tác cấp phòng, cấp tỉnh được thành lập và đã hoạt động tích cực; 100% chủ đầu tư đã hoàn thành cam kết và có đăng ký kế hoạch giải ngân hàng tháng...
Với sự chỉ đạo quyết liệt đó, kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm của Nghệ An khá tích cực, đạt 21,37%, cao gấp 1,4 lần so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung cả nước. Đặc biệt là nguồn chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã giải ngân đạt 60,8%; có 24/68 đơn vị giải ngân trên 30%. Các dự án trọng điểm đường ven biển, bệnh viện ung bướu và các dự án thuộc chương trình phục hồi cơ bản đảm bảo tiến độ.
Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của nguồn vốn đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công là nhiệm vụ vô cùng cấp bách và phải được tập trung, quan tâm chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, của các cấp, các ngành.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra trong năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Các ngành, địa phương, chủ đầu tư phải bám sát kế hoạch và cam kết giải ngân đã đăng ký để tổ chức thực hiện; thường xuyên kiểm tra, nắm chắc, bám sát tình hình, đánh giá việc thực hiện, kịp thời báo cáo các vướng mắc và đề xuất điều chỉnh, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành việc thực hiện nguồn vốn đầu tư công; chủ động trong việc chỉ đạo xử lý tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng; phân công, phân nhiệm các đồng chí phụ trách từng dự án, từng nhóm dự án. Nâng cao chất lượng đấu thầu, đảm bảo công khai, minh bạch, không để xảy ra tiêu cực; lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện dự án có chất lượng, hiệu quả.
Cần tập trung tăng cường năng lực và thường xuyên đôn đốc hoạt động của các ban quản lý dự án, nâng cao nhận thức, ý thức, kiến thức, kinh nghiệm của đội ngũ liên quan đến thực hiện dự án đầu tư công; Đối với những cán bộ không đáp ứng yêu cầu thì chủ động thay thế “công việc không chuyển biến thì chuyển người”, không để ảnh hưởng đến công việc chung.