Nghệ An: Điểm mặt các công ty xi măng 'họ' Sông Lam vi phạm hoạt động khai khoáng

Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại một số mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng trên địa bàn tỉnh Nghệ An phát hiện Công ty CP Xi măng Sông Lam và Sông Lam 2 vi phạm trong hoạt động khai khoáng.

Nhà máy xi măng Sông Lam ở Đô Lương (Nghệ An). Ảnh: Báo Nghệ An

Cụ thể, cuối năm 2019, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam liên tiếp công bố các kết luận thanh tra chuyên đề đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại một số mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm của các công ty sản xuất xi măng như: Công ty CP Xi măng Sông Lam 2 (Công ty Sông Lam 2); Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam (Công ty Sông Lam) hay Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai.

Trước tiên có thể kể đến là Công ty CP Xi măng Sông Lam 2 (trụ sở tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), người đại diện theo pháp luật là ông Hoàng Mạnh Khởi, Giám đốc điều hành.

Theo đó, vào tháng 12/1997, Công ty Sông Lam 2 được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) cấp 2 Giấy phép khai thác khoáng sản đá vôi và đá sét làm nguyên liệu sản xuất xi măng gồm: Giấy phép 2908/QĐ-ĐCKS cho phép khai thác đá vôi xi măng và Giấy phép 2907/QĐ-ĐCKS cho phép khai thác đá sét xi măng cùng tại mỏ Bắc Kim Nhan, xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.

Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, quá trình xác minh về sản lượng khoáng sản khai thác thực tế so với công suất quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản đối với khai thác đá vôi nguyên liệu trong các 2016, 2017, 2018 Công ty Sông Lam 2 đều khai thác vượt công suất cho phép khai thác lần lượt là 528,4%; 467,89% và 477,80%.

Về sản lượng đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) khai thác trong Dự án Nhà máy xi măng Sông Lam 2. Trong quá trình xây dựng Nhà máy xi măng mới, Công ty Sông Lam 2 đã thu hồi đá vôi làm VLXD thông thường để xây dựng một số hạng mục công trình.

Tuy nhiên, Công ty chưa đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác với UBND tỉnh Nghệ An. Kết quả xác minh khối lượng thu hồi như sau: Năm 2016 thu hồi 220.653 mét khối (tương đương 353.044 tấn); Năm 2017 thu hồi 238.339 mét khối (tương đương 405.176 tấn); Năm 2018 thu hồi 37.277 mét khối (tương đương 63.370 tấn).

Tại thời điểm thanh tra, một số vị trí khai thác có chiều cao tầng khai thác, góc nghiêng sườn tầng khai thác đã vượt mức so với tính toán trong thiết kế khai thác mỏ đã được phê duyệt. Tại khai trường có một số vị trí đá treo sau nổ mìn, vị trí dễ trượt lở có nguy cơ mất an toàn.

Bên cạnh đó, Công ty Sông Lam 2 chưa đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác với UBND tỉnh Nghệ An đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm VLXDTT trong phạm vi diện tích đất của Dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư. Chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với việc sử dụng khoáng sản làm VLXDTT trong phạm vi diện tích đất dự án đầu tư xây dựng công trình…

Đối với 2 giấy phép khai thác khoáng sản, Công ty Sông Lam 2 chưa hoàn thành việc điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản khi có sự thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản theo quy định. Cụ thể, ngày 29/6/2016, Công ty có văn bản 192/BC-XMSL2 gửi cơ quan thẩm quyền đề nghị cho phép đổi tên trong Giấy phép khai thác khoáng sản mỏ đá vôi và mỏ sét xi măng Bắc Kim Nhan, tỉnh Nghệ An nhưng đến nay chưa thực hiện xong. Ngoài ra, hiện Công ty đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý xin nâng công suất để trình xin cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Với những hành vi vi phạm nêu trên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản yêu cầu Công ty Sông Lam 2, khẩn trương hoàn thành việc xin cấp lại Giấy phép khai thác khoáng sản và điều chỉnh nội dung Giấy phép khi có thay đổi tên tổ chức khai thác khoáng sản; Tổng hợp sổ sách, chứng từ…liên quan tới hoạt động khai thác và sử dụng khoáng sản làm VLXDTT trong phạm vi diện tích dự án đầu tư công trình từ khi khai thác đến nay, nộp về UBND tỉnh Nghệ An để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với khối lượng đá vôi làm VLXDTT đã thu hồi.

Mỏ đá vôi của Nhà máy Xi măng Sông Lam ở huyện Đô Lương. Ảnh Báo Nghệ An

Đối với trường hợp Công ty Cổ phần Xi măng Sông Lam (xóm Mới, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) tại Kết luận thanh tra số 3376/KLTTr-ĐCKS ngày 16/12/2019, đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật về khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế tại mỏ đá vôi, đá sét làm nguyên liệu xi măng.

Được biết, Công ty Sông Lam với người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Ngọc Oánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc. Trong lĩnh vực khoáng sản Công ty được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 2 Giấy phép khai thác khoáng sản cho phép khai thác đá vôi và đá sét để làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

Kết luận thanh tra số 3376 chỉ rõ, đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo 2 Giấy phép trên Công ty Sông Lam để xảy ra nhiều tồn tại và vi phạm như: Chưa hoàn thành việc thuê đất để khai thác khoáng sản theo quy định; Sau 12 tháng, kể từ ngày Giấy phép có hiệu lực, Công ty chưa tiến hành xây dựng cơ bản mỏ.

Đối với việc thu hồi khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình, khi xây dựng tuyến đường vận tải, băng tải vào khu vực mỏ, bãi tập kết xe máy và các công trình thuộc Dự án Nhà máy xi măng Đô Lương, công ty chưa hoàn thành việc xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản ở khu vực có Dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định.

Chưa nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản về sản lượng đã khai thác và sử dụng thực tế hàng năm trong quá trình thu hồi khoáng sản ở khu vực có Dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định.

Đối với những tồn tại và vi phạm trên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam yêu cầu Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam khẩn trương hoàn thành thủ tục thuê đất, để triển khai hoạt động khai thác khoáng sản theo quy định.

Khẩn trương hoàn thành hồ sơ trình cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết việc đề nghị xin phép khai thác đá vôi, đá sét ở khu vực có Dự án đầu tư xây dựng công trình theo Luật Khoáng sản.

Không tiến hành thu hồi đá vôi tại khu vực nằm ngoài diện tích của các Dự án đầu tư xây dựng công trình đã được phê duyệt; Lập báo cáo tổng hợp về sản lượng đã khai thác và sử dụng thực tế hàng năm...

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, trong các năm 2017 và 2019, Công ty Cổ phần xi măng Sông Lam từng bị Sở TNMT Nghệ An đề nghị xử phạt hàng trăm triệu đồng do vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Báo Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.

Minh Chí

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nghe-an-diem-mat-cac-cong-ty-xi-mang-ho-song-lam-vi-pham-hoat-dong-khai-khoang-post73762.html