Nghệ An: Doanh nghiệp khai thác đất ngoài phạm vi ranh giới mỏ

Hai doanh nghiệp khai thác đất ở Nghệ An múc hàng ngàn khối đất đá ngoài ranh giới, không có hồ sơ quản lý, kiểm soát việc khai thác hàng ngày; không có hồ sơ quản lý các phương tiện ra, vào mỏ…

Nhiều tồn tại, vi phạm

Theo đó, 2 mỏ đất nói trên của Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng và Công ty TNHH Hoàng Phúc đóng tại xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu (Nghệ An). Sau khi được cấp phép, quá trình khai thác đã có nhiều tồn tại, vi phạm… khiến người dân và chính quyền địa phương bức xúc dù đã kiểm tra và xử lý.

Mỏ đất của Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng liên tiếp nhiều lần khai thác ra ngoài phạm vi mỏ. Ảnh: Điền Bắc

Mỏ đất của Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng liên tiếp nhiều lần khai thác ra ngoài phạm vi mỏ. Ảnh: Điền Bắc

Trước tình hình đó, vào ngày 30/7/2024 vừa qua, UBND huyện Diễn Châu đã tổ chức đoàn kiểm tra, làm việc về hoạt động khai thác khoáng sản, quản lý đất đai, xây dựng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông liên quan đến 2 mỏ đất tại xã Diễn Lợi.

Kết quả kiểm tra cho thấy, 2 doanh nghiệp chưa cung cấp nhiều hồ sơ liên quan cho đoàn kiểm tra như thiết kế mỏ, thiết kế đường vào mỏ, hồ sơ nghiệm thu, nhật ký thi công, hồ sơ quản lý chất lượng các hạng mục, hồ sơ nghiệm thu hoàn thành... Thậm chí, không có hồ sơ quản lý, kiểm soát việc khai thác hàng ngày, hồ sơ quản lý các phương tiện ra, vào mỏ, hồ sơ phương án giải phóng mặt bằng liên quan…

Điều tương tự cũng xảy ra tại mỏ đất thuộc Công ty TNHH Hoàng Phúc tại xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu. Ảnh: Điền Bắc

Điều tương tự cũng xảy ra tại mỏ đất thuộc Công ty TNHH Hoàng Phúc tại xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu. Ảnh: Điền Bắc

Trong khi đó, tại hiện trường 2 mỏ đất, đoàn kiểm tra còn phát hiện một số tồn tại như cả 2 doanh nghiệp đều đang khai thác vượt ra ngoài phạm vi mốc giới mỏ được cấp phép.

UBND xã Diễn Lợi báo cáo đã kiểm tra, yêu cầu dừng khai thác ngoài phạm vi mốc giới mỏ nhưng các đơn vị vẫn vi phạm. Riêng, Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng còn làm mất mốc giới hạn ranh giới được phép khai thác trên mỏ đất.

Không chỉ riêng vấn đề khai thác ngoài ranh giới mỏ, quá trình vận chuyển cả 2 doanh nghiệp này bị người dân và chính quyền "tố" gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: NT

Không chỉ riêng vấn đề khai thác ngoài ranh giới mỏ, quá trình vận chuyển cả 2 doanh nghiệp này bị người dân và chính quyền "tố" gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: NT

Mặt khác, việc vận chuyển đất khai thác chưa tuân thủ quy định về việc giám sát, quản lý trữ lượng, chưa có trạm cân kiểm tra tải trọng, chưa vệ sinh phương tiện trước khi ra khỏi mỏ, một số phương tiện không có che đậy trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân xung quanh.

Việc thi công hạ tầng mỏ và đường giao thông kết nối đường N2 vào mỏ chưa đúng quy trình, quy định hiện hành như chưa xây dựng đầy đủ cơ sở hạ tầng khai thác mỏ như nhà vận hành, trạm cân, khu vực rửa xe, biện pháp khai thác chưa đảm bảo quy định; chưa hoàn thành thi công đường các tuyến vào mỏ được cơ quan chuyên môn về xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành, đưa vào sử dụng theo quy định.

Và trên thực tế các tuyến đường hư hỏng, mặt đường nứt gãy, lún sụt nền đường, lề đường tại nhiều vị trí, hệ thống an toàn giao thông chưa đảm bảo, bùn đất trên mặt đường nhiều gây khó khăn đi lại, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống nhân dân hai bên tuyến.

Phớt lờ "lệnh" của chính quyền

Liên quan các nội dung trên, đại diện lãnh đạo UBND xã Diễn Lợi cho biết, xã đã nhiều lần làm việc với 2 doanh nghiệp nói trên. Tuy nhiên, các đơn vị vẫn không chấp hành việc xử lý ô nhiễm môi trường.

Trong kết luận 171 của UBND huyện Diễn Châu, 2 doanh nghiệp khai thác đất còn để xảy ra nhiều vi phạm như không có hồ sơ quản lý, kiểm soát việc khai thác hàng ngày, hồ sơ quản lý các phương tiện ra, vào mỏ, hồ sơ phương án giải phóng mặt bằng liên quan... Ảnh: Điền Bắc

Trong kết luận 171 của UBND huyện Diễn Châu, 2 doanh nghiệp khai thác đất còn để xảy ra nhiều vi phạm như không có hồ sơ quản lý, kiểm soát việc khai thác hàng ngày, hồ sơ quản lý các phương tiện ra, vào mỏ, hồ sơ phương án giải phóng mặt bằng liên quan... Ảnh: Điền Bắc

Gần nhất là ngày 21/6/2024, UBND xã Diễn Lợi có văn bản số 319 CV/UBND về việc tạm dừng, không cho xe chở đất chạy trên tuyến đường số 4 nối từ N2 đi qua khu dân cư xóm 6 vào mỏ vật liệu phục vụ san lấp và cứu hộ PCCCR tại xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu. Tuy nhiên, sau đó các chủ mỏ cũng không chấp hành.

Do đó, ngày 25/6 và 26/6/2024, nhân dân địa phương và UBND xã Diễn Lợi đã tổ chức lập chốt kiểm tra, yêu cầu các đơn vị khai thác và phương tiện vận chuyển chấp hành các quy định, tổ chức sửa chữa đường, tưới nước, che đậy thùng xe tránh gây ảnh hưởng đời sống nhân dân. Tuy vậy, trên thực tế, tuyến đường vận chuyển vật liệu từ 2 mỏ đất đi ra chân công trình vẫn đầy bụi và ô nhiễm nghiêm trọng.

Gây ô nhiễm môi trường đoạn đường dân sinh khiến người dân phải tổ chức lập chốt kiểm tra, yêu cầu các đơn vị khai thác và phương tiện vận chuyển chấp hành các quy định, tổ chức sửa chữa đường, tưới nước, che đậy thùng xe tránh gây ảnh hưởng đời sống nhân dân. Ảnh: Điền Bắc

Gây ô nhiễm môi trường đoạn đường dân sinh khiến người dân phải tổ chức lập chốt kiểm tra, yêu cầu các đơn vị khai thác và phương tiện vận chuyển chấp hành các quy định, tổ chức sửa chữa đường, tưới nước, che đậy thùng xe tránh gây ảnh hưởng đời sống nhân dân. Ảnh: Điền Bắc

Liên quan đến khai thác vượt phạm vi mỏ. Sau khi phát hiện 2 mỏ đất nêu trên khai thác vượt mốc giới được cấp phép, ngày 05/6/2024, UBND xã Diễn Lợi đã báo cáo về việc khai thác vượt phạm vi gửi UBND huyện Diễn Châu để kiểm tra và có hướng xử lý.

Tiếp đó, vào ngày 7/8/2024, UBND xã Diễn Lợi đã ban hành Thông báo số 370/TB-UBND yêu cầu Công ty TNHH Hoàng Phúc dừng ngay việc khai thác đất ngoài phạm vi quy hoạch mỏ; và Công ty TNHH Thiết bị Thiên Hoàng dừng ngay việc khai thác ngoài phạm vi mỏ và ngoài phạm vi cấp phép mỏ giai đoạn 1.

Dù đã có “lệnh“ từ chính quyền huyện, nhưng sau đó các chủ mỏ vẫn tiếp tục vi phạm. Thậm chí, lần vi phạm sau còn lớn hơn lần trước.

Chính quyền địa phương đã có nhiều văn bản yêu cầu 2 doanh nghiệp khắc phục, xử lý những vấn đề tồn tại. Tuy nhiên, nhiều trong số đó, không được 2 đơn vị khai thác chấp hành. Ảnh: Điền Bắc.

Chính quyền địa phương đã có nhiều văn bản yêu cầu 2 doanh nghiệp khắc phục, xử lý những vấn đề tồn tại. Tuy nhiên, nhiều trong số đó, không được 2 đơn vị khai thác chấp hành. Ảnh: Điền Bắc.

Cụ thể, tại văn bản số 271/UBND ngày 5/6/2024 của UBND xã Diễn Lợi về thực trạng khai thác mỏ đất của 2 doanh nghiệp trên nêu rõ, vào ngày 19/5/2024 UBND xã Diễn Lợi phối hợp với liên danh 2 đơn vị nói trên đi kiểm tra thực địa vị trí các điểm mốc từng mỏ. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện các đơn vị đã khai thác ra ngoài phạm vi được cấp phép.

Cụ thể, mỏ đất của Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng khai thác ra ngoài phạm vi mỏ gồm 3 vị trí, diện tích vi phạm khoảng 19.589 m2 (gần 2ha). Mỏ của Công ty TNHH Hoàng Phúc khai thác ra ngoài phạm vi mỏ cấp phép 1 vị trí, có diện tích vi phạm 1.454 m2.

Trước đó, vào năm 2022 cả 2 doanh nghiệp này đã bị UBND huyện Diễn Châu xử phạt vi phạm hành chính cùng một hành vi là "chiếm đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn từ ngày 20/7/2022 để sử dụng vào mục đích khai thác khoáng sản tại xã Diễn Lợi".

Theo đó, diện tích vi phạm của Công ty TNHH Hoàng Phúc là 5.063,5 m2 và Công ty CP Thiết bị Thiên Hoàng vi phạm trên diện tích 9.857,9 m2. Số tiền mà 2 đơn vị này bị xử phạt là hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, UBND huyện Diễn Châu còn yêu cầu 2 đơn vị nói trên dừng ngay các hành vi vi phạm này và khôi phục hiện trạng…

Theo ông Lê Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Diễn Lợi cho biết, 2 mỏ đất kể trên đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi cấp phép. Chính quyền xã đang yêu cầu 2 công ty hoàn thổ lại diện tích đất đã khai thác. Trước sự việc trên, lãnh đạo UBND huyện Diễn Châu khẳng định, trên cơ sở kết quả kiểm tra sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Bắc Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nghe-an-doanh-nghiep-khai-thac-dat-ngoai-pham-vi-ranh-gioi-mo-10289287.html