Nghệ An, Hà Tĩnh nỗ lực tinh gọn bộ máy (Kỳ 1)
Thực hiện phương án sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, giai đoạn 2019 - 2021, cấp ủy, chính quyền Nghệ An và Hà Tĩnh đã chủ động rà soát, xây dựng phương án, lộ trình khá bài bản, góp phần tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Tuy vậy, do số lượng ĐVHC cấp xã thực hiện sáp nhập lớn cho nên quá trình triển khai đặt ra những khó khăn, vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở.
Bài 1: Những bước đi chủ động
Sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết sắp xếp các ĐVHC cấp huyện, xã, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện việc khảo sát, xây dựng phương án, lộ trình thực hiện việc tinh gọn bộ máy một cách thận trọng, nhằm bảo đảm tính bền vững và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của đơn vị hành chính mới.
Tạo sự đồng thuận
Về xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An) những ngày này, việc sáp nhập Nam Lộc với xã Nam Tân và một phần xã Nam Thượng (xóm Đại Đồng) đang là chuyện nóng hổi ở làng trên, xóm dưới. Bí thư Đảng ủy xã Nam Lộc Nguyễn Văn Lành cho biết: Là một xã miền núi nhưng diện tích chỉ khoảng 15,2 km2 (đạt 30,54% so với quy định). Ban đầu, người dân chưa thống nhất việc sáp nhập với các xã khác, nhưng qua tuyên truyền vận động, người dân hiểu rằng, việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã có quy mô nhỏ thành ĐVHC có quy mô lớn là chủ trương lớn của Đảng, nhằm xây dựng bộ máy chính quyền ở những nơi chưa đủ tiêu chuẩn theo hướng tinh gọn hơn, tạo điều kiện tập trung các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian quy hoạch, tập trung đầu tư mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại.
Ông Nguyễn Hữu Thành, ở xã Nam Lộc vui mừng chia sẻ: Sau sáp nhập xã, thì những người nông dân trồng ngô ven sông Lam ở ba xã này không còn lo cảnh phải nhắn gọi người trồng ngô xã bên cùng đi phun thuốc trừ sâu bệnh cho ngô và có điều kiện trồng ngô cánh đồng mẫu lớn trên suốt dọc bờ sông Lam. Người dân xã Nam Thượng cũng đồng tình với việc sáp nhập xã, bởi trước khi có phương án sáp nhập, Nam Thượng có xóm Đại Đồng (gồm xóm 1, xóm 2 và xóm 3 khi chưa sáp nhập xóm) nằm bên kia sông Lam và liền một dải với Nam Tân và Nam Lộc; còn xóm Hùng Sơn (xóm 4 và xóm 5) bên này sông Lam, liền kề với thị trấn Nam Đàn cho nên việc đi lại, sản xuất cũng như sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Qua lấy ý kiến cử tri, người dân đồng tình cao (hơn 97%) việc sáp nhập ba xã miền núi này thành một, với tên gọi xã mới là Thượng - Tân - Lộc.
Theo Bí thư Huyện ủy Nam Đàn Bùi Đình Long, trước khi sáp nhập, huyện có 24 xã và thị trấn. Trong số đó, có hai xã Nam Thượng và Nam Phúc không đạt cả hai tiêu chí (diện tích và dân số), cùng 18 xã và thị trấn chưa đạt quy mô diện tích. Trên cơ sở đó, huyện đã tập trung tuyên truyền vận động và đạt được đồng thuận cao trong việc sáp nhập hai xã nêu trên cùng một số đơn vị khác. Sau sáp nhập, Nam Đàn có điều kiện thuận lợi cho việc quy hoạch phát triển kinh tế vùng, hình thành các mô hình kinh tế lớn (chăn nuôi, trồng trọt...); gắn phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là lúc huyện đang nỗ lực tập trung xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, Bí thư Huyện ủy Can Lộc Nguyễn Như Dũng cho biết, công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập ĐVHC cấp xã được huyện tập trung sớm. Khi có chủ trương sáp nhập, địa phương nhanh chóng vào cuộc, xác định các xã không bảo đảm 50% cả hai tiêu chí (diện tích tự nhiên và dân số), buộc phải sắp xếp. Can Lộc đã chủ động triển khai công tác tuyên truyền cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ nắm bắt sớm chủ trương sáp nhập để tạo sự đồng thuận. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, trong các cuộc họp, hội nghị, các địa phương đều tuyên truyền, phổ biến thêm nội dung về sáp nhập xã để thông tin cho người dân và cán bộ nắm bắt. Huyện Can Lộc lựa chọn phương án sáp nhập dần từ dưới lên, đối với các xã phải sáp nhập, Huyện ủy chỉ đạo sáp nhập các trường học, trạm y tế trước để mở lối tiếp cận, hình thành thói quen cho người dân tại các xã phải sáp nhập.
Để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy về dự sinh hoạt với các chi bộ thôn, xin ý kiến đảng viên về các nội dung như: tên gọi của xã, nơi đặt trụ sở xã, đồng thời đối thoại, trao đổi các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập xã. Ông Nguyễn Xuân Lương, ở thôn Tân Tiến, xã Trường Lộc (Can Lộc) nói: “Mặc dù ai cũng muốn giữ tên xã và đặt trụ sở xã mới gần nhà, tuy nhiên qua phân tích, giải trình của các đồng chí lãnh đạo huyện, chúng tôi thấy đơn vị hành chính mới phải bao hàm nét văn hóa, lịch sử của các địa phương. Suy cho cùng, mục tiêu hướng đến chính là tiện ích, hiệu quả mà người dân thụ hưởng được trong các giao dịch với bộ máy hành chính ở xã mới”.
Theo Sở Nội vụ hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, sau khi lấy ý kiến từ cán bộ cốt cán, đảng viên, các địa phương đã tổ chức lấy ý kiến cử tri về việc thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Số liệu tại 119 ĐVHC cấp xã thực hiện việc sáp nhập, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cơ bản đạt hơn 96%. Theo đó, trung bình hơn 90% số cử tri đồng ý với chủ trương sáp nhập xã, trong đó 43 xã có từ 99 đến 100% cử tri đồng ý thực hiện sáp nhập; số còn lại phần lớn dao động từ 90% đến 98%... Chỉ có xã Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) số cử tri đồng ý chỉ chiếm 58,2%. Bởi, do trước đó, xã Nghĩa Liên không thuộc diện sáp nhập trong giai đoạn 2019 - 2021. Nguyện vọng cử tri muốn sáp nhập với xã liền kề là Nghĩa Hiếu để vừa gần và vừa thuận lợi sinh hoạt, giao dịch...
Những lá đơn “phá cách”
Theo phương án, ba xã Thạch Tiến, Phù Việt và Việt Xuyên, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) sẽ được sáp nhập, với tên gọi mới là xã Việt Tiến. Dự kiến, đến năm 2025, chỉ có một phần ba trong tổng số 83 cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách hiện có được bố trí việc làm trong bộ máy đơn vị hành chính mới. Trong khi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tìm ra lời giải cho bài toán giải quyết vấn đề đội ngũ cán bộ dôi dư, Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạch Tiến Lê Hữu Thống và một số cán bộ, công chức khác ở ba địa phương này đã chủ động viết đơn xin nghỉ việc. Theo chia sẻ của đồng chí Thống, mặc dù quá trình công tác, bản thân luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tuy nhiên nếu so sánh với các đồng chí tuổi trẻ, được đào tạo bài bản đã trải qua các vị trí công tác, họ sẽ có điều kiện hơn để nâng cao hiệu quả công việc. Cũng với cách nghĩ “tre” có già thì “măng” mới mọc được, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) Nguyễn Văn Dương (sinh năm 1963) đã tình nguyện làm đơn xin nghỉ việc trước tuổi. “Cùng với việc tự nguyện viết đơn xin nghỉ việc trước tuổi, tôi đã lên phương án và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tiếp tục làm việc, lao động ở một lĩnh vực khác”, đồng chí Nguyễn Văn Dương chia sẻ.
Theo Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Đàn Nguyễn Như Khôi, sau sáp nhập, dôi dư cán bộ, công chức là điều không tránh khỏi. Vấn đề “đau đầu” là ai phải nghỉ việc và ai tiếp tục ở lại làm việc khi trình độ, năng lực, tuổi... đều sàn sàn như nhau. Tại Nam Đàn, khi thực hiện đề án sáp nhập, giảm năm xã cộng với thực hiện Nghị định 34/CP (bình quân giảm hai người/xã) và đề án đưa công an chính quy về xã, khiến Nam Đàn dôi dư khoảng 95 người, trong đó 45 cán bộ và 50 công chức, chưa kể 83 cán bộ bán chuyên trách cấp xã.
Trước áp lực này, thông qua tuyên truyền, vận động, đã có sáu cán bộ, công chức ở các xã sáp nhập chủ động làm hồ sơ xin nghỉ theo chế độ Nghị định 108/CP cùng với sáu cán bộ, công chức nghỉ hưu theo chế độ. Bên cạnh đó, có một số cán bộ, đảng viên ở các xã sáp nhập cũng ý thức được việc xin nghỉ công tác ngay khi đủ điều kiện. Trưởng Công an xã Nam Lộc Nguyễn Trọng Duẩn (sinh năm 1964), là đảng viên, giáo dân luôn sống tốt đời, đẹp đạo, là cán bộ được đánh giá có năng lực, có sức khỏe, luôn hoàn thành xuất sắc công việc ở địa phương có đến 93,7% giáo dân. “Tôi không làm khó tổ chức, sẽ làm đơn xin nghỉ theo Nghị định 108/CP, khi đến tháng 1-2020 là đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội” - đồng chí Nguyễn Trọng Duẩn tâm sự.
Bên cạnh đó, các địa phương đã chủ động “để dành” biên chế, để chuẩn bị “giải” bài toán dôi dư cán bộ, công chức sau sáp nhập. Toàn tỉnh Nghệ An giảm 20 ĐVHC cấp xã, trong đó hai huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên có 10 xã, nhưng các địa phương này đã chủ động “để dành” hơn 40 biên chế còn thiếu không tuyển dụng mới và không bầu bổ sung các vị trí chủ chốt cấp xã còn thiếu do nghỉ chế độ. Mặc dù hiện tại chưa có quy định hay văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về định mức hỗ trợ cho các trường hợp dôi dư do sắp xếp, sáp nhập nhưng các tỉnh đã căn cứ trên cơ sở điều kiện kinh tế và ngân sách bảo đảm của địa phương và tham khảo một số tỉnh trong khu vực để chủ động xác định mức hỗ trợ.
Cụ thể, HĐND tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành Nghị quyết số 164/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức; người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong quá trình sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2021. Với nhiều chính sách cụ thể, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ dôi dư sau sáp nhập nhằm khuyến khích các đối tượng nêu trên tự nguyện nghỉ công tác khi sắp xếp bộ máy hành chính mới sớm hơn so với quy định, góp phần giải quyết những khó khăn trước mắt đối với các đối tượng thuộc diện tinh giản. Tương tự, tỉnh Nghệ An vừa thông qua chính sách hỗ trợ, dự kiến khoảng 44 tỷ đồng đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách thuộc diện dôi dư do việc sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp xã và xóm, khối, bản.