Nghệ An: Khi nào nhân viên y tế được chi trả tiền hỗ trợ tham gia chống dịch?
Hàng trăm tình nhân viên y tế tỉnh Nghệ An được tăng cường tới tuyến đầu hơn 1 năm trước. Nhưng đến nay số tiền phụ cấp chống dịch không biết bao giờ mới có.
Làm vì cái tâm nhưng cũng phải rõ ràng !.
Đó là trực trạng của hàng trăm nhân viên y tế, lực lượng chức năng tại nhiều địa phương của tỉnh Nghệ An tham gia chống dịch Covid-19 trong đợt cao điểm năm 2021. Thế nhưng, đã qua 1 năm, chế độ phụ cấp của họ được hưởng theo Nghị quyết 16/NQ-CP năm 2021 vẫn chưa được nhận đầy đủ.
“Tôi đang công tác tại một cơ sở y tế ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Hơn một năm trước khi dịch bắt đầu bùng phát mạnh ở Nghệ An, tôi cùng đồng nghiệp đã được huy động tăng cường đến khắp các điểm nóng, những ổ dịch phức tạp nhất để lấy mẫu xét nghiệm. Chúng tôi làm vì cái tâm nhưng nếu có quy định cũng nên rõ ràng. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm trôi qua bạn bè ở các tỉnh khác đã nhận được tiền phụ cấp chống dịch. Nhưng ở đây không biết chờ đến bao giờ mới có...” - một bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện thành phố Vinh, chia sẻ.
Khoản tiền mà vị bác sĩ này nói đến chính là chế độ phụ cấp cho người tham gia chống dịch theo Nghị quyết 16 của Chính phủ. Theo đó, những người đi giám sát, điều tra, xác minh dịch; những người trực tiếp khám, chẩn đoán, điều trị người mắc Covid-19, nghi mắc Covid-19 tại khu vực cách ly của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người làm công việc lấy mẫu, gộp mẫu, phân tách mẫu, người trực tiếp làm xét nghiệm SASR-CoV-2 tại cơ sở y tế; người làm công việc vệ sinh, tẩy uế, diệt tác nhân gây bệnh tại khu điều trị người mắc Covid-19 sẽ được hưởng phụ cấp mức 300.000 đồng/người/ngày. Còn có các mức phụ cấp khác như 200.000 đồng/người/ngày, mức 150.000 đồng/người/ngày… tùy theo tính chất công việc của từng vị trí mà đối tượng đó tham gia.
Ngoài ra, còn có các mức phụ cấp thấp hơn dành cho nhiều trường hợp khác góp công trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19. Như vậy, đối với trường hợp của vị bác sĩ này, cô sẽ được hưởng 300.000 đồng/ngày trong quãng thời gian tham gia vào công tác chống dịch.
Cũng theo vị bác sĩ này, “không nhớ rõ cô đã tham gia bao nhiêu ngày chống dịch, nhưng nếu tính cụ thể, khoản tiền cô được hưởng lên tới hàng chục triệu đồng…”.
Tại TP. Vinh, qua thống kê số lượng nhân viên y tế, người lao động tham gia chống dịch là hơn 2.026 người với kinh phí cần chi trả là 10 tỷ. Đến nay, đã chi trả hơn 2,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách 1,4 tỷ, Mặt trận tổ quốc hỗ trợ là hơn 1,1 tỷ đồng, số tiền còn thiếu là hơn 7,5 tỷ đồng.
Được biết, không chỉ “nợ” chế độ của nhân viên y tế, người lao động thành phố Vinh mà địa phương này vẫn chưa thanh toán 93 triệu đồng tiền phụ cấp chống dịch cho đoàn nhân viên y tế của Hà Tĩnh sang tăng cường cho TP. Vinh khi dịch lên đỉnh điểm vào tháng 8/2021. Đây là khoản tiền dành cho 152 nhân viên y tế đã tích cực hỗ trợ TP. Vinh trong suốt 3 ngày lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng.
Trách nhiệm thuộc về địa phương
Không chỉ ở TP. Vinh, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các lực lượng tham gia chống dịch cũng đang trong tình trạng tương tự. không chỉ riêng TP. Vinh, tại nhiều địa phương trong tỉnh, các lực lượng tham gia chống dịch cũng đang mòn mỏi chờ tiền phụ cấp.
Tại thị xã Cửa Lò, số lượng chỉ trả cũng rất khiêm tốn, trong khi huyện Nghi Lộc chưa thể thống kê… Còn tại huyện Nam Đàn, thậm chí chỉ mới chi trả được khoảng 200 triệu đồng phụ cấp chống dịch. “Anh em nhân viên y tế rất thất vọng. Đến bây giờ mới chỉ trả được 200 triệu đồng cho những người đi tiêm vắc xin, còn những người làm công việc khác chưa được đồng nào”, một vị lãnh đạo Trung tâm y tế Nam Đàn bức xúc.
Cũng theo vị này, không chỉ chậm chi trả, mà thủ tục để chi trả cũng có nhiều bất cập. Nếu như trước đây, quy định người đi tiêm vắc xin Covid-19 sẽ được phụ cấp 7.500 đồng/mũi, nhưng sau đó quy định lại mỗi ngày không quá 150.000 đồng, đồng thời kèm theo điều kiện phải có bằng y khoa mới được chi trả.
“Trong khi đó, trước đây để tiêm vắc xin phải có nhiều lực lượng tham gia, gồm cả công an, dân quân, nhân viên hành chính…. Để bố trí được một bàn tiêm, mất hàng chục người chứ không chỉ có công của mỗi người tiêm. Bây giờ quy định như thế, chúng tôi nhận tiền về cũng chả biết chia cho anh em như thế nào. Ngoài ra việc chi trả còn có bất cập, đặc biệt là trả tiền xăng xe khi phải có hóa đơn mới được chi trả…”, vị này cho biết thêm.
Trước tình trạng chậm chi trả phụ cấp chống dịch, theo Sở Y tế Nghệ An, tháng 3/2022 vừa qua, Sở này đã có Văn bản số 1059/SYT-KHTC yêu cầu các đơn vị y tế công lập thanh toán kịp thời chế độ cho nhân viên y tế, người lao động khi tham gia chống dịch Covid-19 theo quy định.
Thông tin từ Sở Tài chính Nghệ An cũng cho thấy, việc chậm trễ chi trả phụ cấp chống dịch, trong đó trách nhiệm thuộc về các huyện, thành, thị.
Trong quá trình phòng, chống dịch, hàng tuần Sở đều nắm nguồn dự phòng của các huyện, để xem huyện nào vượt chi hay không. Nhiệm vụ của Sở là chỉ hướng dẫn cơ chế, còn huyện phải đảm bảo nguồn để chi thực hiện. Đối với nguồn ngân sách của Trung ương, sau khi cấp huyện thực chi, có xác nhận của kho bạc, Sở Tài chính sẽ cấp hỗ trợ lại. Về người lao động phản ánh chậm chi trả chế độ chống dịch Covid-19, hiện Sở Tài chính yêu cầu các huyện báo cáo cụ thể, để trình UBND tỉnh Nghệ An xử lý.
Về vấn đề này, ông Đinh Nho Tài - Trưởng phòng Tài chính kế hoạch UBND TP. Vinh thừa nhận: “Thành phố đang chậm chi trả chế độ phụ cấp chống dịch theo Nghị quyết 16, nguyên nhân cũng do số tiền lớn, ngân sách thành phố không đủ đáp ứng. Do đó, vừa qua chúng tôi cũng làm tờ trình xin tỉnh hỗ trợ…”.
Hoàng Trinh