Nghệ An: Mưa lũ kéo dài, nhiều thủy điện đồng loạt xả nước

Trước diễn biến mưa lũ, nhiều thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thực hiện việc vận hành điều tiết xả nước.

Mưa lũ gây ngập trụ sở UBND xã

Ngày 22/7, thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An, trận mưa to kéo dài nhiều giờ liền trong đêm 21/7 đã gây mưa lũ tại một số địa phương.

Nước lũ gây ngập trụ sở UBND xã Tam Thái.

Nước lũ gây ngập trụ sở UBND xã Tam Thái.

Nước lũ gây ngập trụ sở UBND xã Tam Thái, làm hư hỏng nhiều máy tính, máy in, hồ sơ lưu trữ; Sạt lở tuyến đường giao thông nông thôn bản Tùng Hương, xã Tam Quang; Nhiều công trình nước sinh hoạt, tường rào, công trình thủy lợi bị hư hỏng... Tổng thiệt hại ước trên 671 tỷ đồng.

Nước lũ làm hư hỏng nhiều máy tính, máy in, hồ sơ lưu trữ.

Nước lũ làm hư hỏng nhiều máy tính, máy in, hồ sơ lưu trữ.

Sau khi xảy ra trận mưa lũ, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện đã nhanh chóng chỉ đạo các xã khẩn trương thống kê và tiến hành khắc phục thiệt hại.

Hiện, các xã đã huy động lực lượng công an, quân sự và các ban ngành cấp xã để phối hợp khắc phục hậu quả và tổ chức dọn dẹp, vệ sinh môi trường.

Thủy điện xả nước điều tiết hồ

Trước việc mưa liên tục, nhiều thủy điện trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thực hiện việc vận hành điều tiết xả nước.

Nhà máy thủy điện Khe Bố thông báo vận hành điều tiết nước hồ chứa thủy điện.

Nhà máy thủy điện Khe Bố thông báo vận hành điều tiết nước hồ chứa thủy điện.

Cụ thể, Công ty cổ phần Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An đã thông báo xả nước hồ chứa thủy điện Nậm Mô qua đập tràn lúc 09 giờ 30 phút, ngày 22/7/2024, với lưu lượng xả dự kiến khoảng 140m3/s đến 500m3/s (bao gồm xả qua các cửa van đập tràn và tổ máy phát điện).

Công ty cổ phần PRIME Quế Phong cũng thông báo xả nước hồ chứa thủy điện Châu Thắng, thời gian dự kiến xả 02 giờ 30 phút ngày 22/7, lưu lượng xả từ 74m3/s đến 300m3/s (bao gồm lưu lượng xả qua cửa van và lưu lượng phát điện qua các tổ máy). Thời gian kết thúc xả cho đến khi hết ảnh hưởng của đợt mưa lớn gây nên.

Trước đó, ngày 21/7, nhà máy thủy điện Chi Khê cũng đã có thông báo dự kiến tăng lưu lượng điều tiết nước hồ chứa thủy điện Chi Khê. Thời gian dự kiến thay đổi lưu lượng xả: Từ 20 giờ 45 phút, ngày 21/7, lưu lượng xả qua các cửa van đập tràn và lưu lượng phát điện qua các tổ máy từ 506 m3/s đến 2.000 m3/s.

Nhà máy thủy điện Khe Bố cũng vận hành điều tiết nước hồ chứa thủy điện Khe Bố, thời gian dự kiến xả qua đập tràn lúc 19 giờ 50 phút, ngày 21/7. Với lưu lượng xả từ khoảng 500 m3/s đến 2000 m3/s (xả qua các tổ máy và qua đập tràn) và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ. Thời gian kết thúc xả nước qua đập tràn cho đến khi lưu lượng nước về hồ nhỏ hơn lưu lượng phát điện qua các tổ máy.

Mưa lớn khiến nhiều nước suối dâng cao.

Mưa lớn khiến nhiều nước suối dâng cao.

Liên quan đến bão số 2, ngày 22/7, Nghệ An ra công điện hỏa tốc chỉ đạo ứng phó sau khi áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão.

Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân;

Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Trong đó, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn. Rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.

Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Sẵn sàng lực lượng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.

Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều; hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình hạ tầng cơ sở.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nghe-an-mua-lu-keo-dai-nhieu-thuy-dien-dong-loat-xa-nuoc-204240722182141019.htm