Nghệ An nâng cao chất lượng quỹ tín dụng nhân dân

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân ở Nghệ An vẫn tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của kênh dẫn vốn 'gần dân, sát dân', tương trợ trong cộng đồng thành viên, hỗ trợ vốn kịp thời cho các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương...

Khắc phục những hạn chế

Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn; hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng của người dân giảm sút, nhu cầu vay vốn của thành viên các quỹ tín dụng nhân dân ở Nghệ An cũng giảm theo...

Bên cạnh đó, năng lực quản trị điều hành của hội đồng quản trị, ban điều hành của một số quỹ tín dụng nhân dân ở địa phương chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ mới; việc tuân thủ quy định của pháp luật, quy trình quy định nội bộ còn hạn chế; công tác nghiên cứu, cập nhật văn bản, cơ chế chính sách, quy định của pháp luật liên quan và nắm bắt các chỉ đạo điều hành của NHNN, xây dựng triển khai kế hoạch kinh doanh và công tác cán bộ, quản lý hoạt động quỹ tín dụng nhân dân vẫn còn chưa được sâu sát.

Đặc biệt, công tác quản trị, điều hành tại một số quỹ chưa nhận diện và nhận thức được đầy đủ các vấn đề quản trị rủi ro (rủi ro trong công tác tín dụng, thanh khoản, rủi ro trong các nghiệp vụ mới như chuyển tiền, ngân hàng số). Trong khi đó, công tác cán bộ của một số quỹ còn chưa bài bản, chưa minh bạch, công khai dẫn đến chính quyền địa phương và thành viên chưa tin tưởng.

Bên cạnh đó, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương là rất quan trọng trong hoạt động quỹ tín dụng nhân dân, tuy nhiên một số quỹ chưa tranh thủ được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động của quỹ...

Hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân ở Nghệ An vẫn tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của kênh dẫn vốn “gần dân, sát dân”.

Hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân ở Nghệ An vẫn tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của kênh dẫn vốn “gần dân, sát dân”.

Trước những khó khăn trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, NHNN chi nhánh Nghệ An đã tăng cường mối liên kết và sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị với các sở, ngành, chính quyền địa phương, Bảo hiểm Tiền gửi khu vực Bắc Trung Bộ, Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh Nghệ An để triển khai thực hiện tuyên truyền về mô hình, các quy định của Nhà nước về hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân; đồng thời, kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm, nhằm giúp cho cán bộ, thành viên, người dân và các tổ chức nâng cao hiểu biết và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về hoạt động quỹ tín dụng nhân dân, từ đó tích cực tham gia xây dựng, quản lý, giám sát đối với hoạt động quỹ tín dụng nhân dân ở địa phương.

Trao đổi với phóng viên thoibaonganhang.vn, bà Nguyễn Thị Thu Thu, Giám đốc NHNN chi nhánh Nghệ An cho biết, NHNN chi nhánh tỉnh và Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam khu vực Bắc Trung Bộ đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, giám sát hoạt động đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động của các quỹ...

Tương tự, NHNN chi nhánh Nghệ An cũng thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh Nghệ An trong việc nắm tình hình hoạt động của các quỹ, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh theo đúng thẩm quyền, phối hợp trong công tác kiểm tra quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN...

Nhằm tăng cường chức năng quản lý nhà nước đối với các quỹ tín dụng nhân dân, trên cơ sở chỉ đạo của NHNN, NHNN chi nhánh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tới hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, kịp thời chấn chỉnh hoạt động đối với các quỹ trên các mặt nghiệp vụ, về quản trị điều hành, lập kế hoạch và thực hiện hoạt động của ban kiểm soát, chỉ tiêu tín dụng, cảnh báo vi phạm trong quá trình thanh kiểm tra, về thực hiện phương án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu... đảm bảo nâng cao tính tuân thủ trong hoạt động tiền tệ và ngân hàng trên địa bàn.

Trên địa bàn Nghệ An hiện đang có 59 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động.

Trên địa bàn Nghệ An hiện đang có 59 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động.

Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với quỹ tín dụng nhân dân luôn được NHNN chi nhánh Nghệ An quan tâm và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chi nhánh đã thực hiện 14 cuộc thanh tra và 13 cuộc kiểm tra, ban hành 12 kết luận thanh tra với 114 kiến nghị và 7 kết luận kiểm tra với 26 kiến nghị... đối với hoạt động quỹ tín dụng nhân dân.

Kênh dẫn vốn “gần dân, sát dân”

Với nhiều nỗ lực, thời gian gần đây hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Nghệ An tiếp tục khẳng định vai trò vị trí của loại hình TCTD “gần dân, sát dân”, là kênh dẫn vốn hiệu quả, phát huy được ưu thế trong công tác huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ thành viên để cho vay, tương trợ trong cộng đồng thành viên, hỗ trợ vốn kịp thời cho các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới.

Tính đến thời điểm 30/6/2024, tổng nguồn vốn của 59 quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn Nghệ An đạt 11.296 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 516 tỷ đồng, bằng 4,8% (bình quân đạt 191,4 tỷ đồng/1 quỹ); tổng dư nợ cho vay là 8.023 tỷ đồng, giảm so với đầu năm là 110 tỷ đồng, bằng 1,35% (bình quân đạt 136 tỷ đồng/1 quỹ). Chất lượng tín dụng của các quỹ cơ bản đảm bảo, tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn cho phép...

Trong khi đó, về cung ứng dịch vụ chuyển tiền, hiện có 56/59 quỹ thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên thông qua hệ thống CF-eBank của Ngân hàng Hợp tác xã với tổng số tiền thu hộ, chi hộ đến 30/6/2024 là 6.875 tỷ đồng. Ngoài ra, các quỹ còn là điểm giới thiệu tư vấn dịch vụ phát hành thẻ ATM và rút tiền tại quầy bằng máy POS của Ngân hàng Hợp tác xã chi nhánh Nghệ An. Bên cạnh đó, qua quá trình hoạt động, cơ sở vật chất trụ sở làm việc, hệ thống công nghệ thông tin... của các quỹ đã được quan tâm đầu tư, mua sắm đáng kể đảm bảo phục vụ tốt cho hoat động…

Hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân ở Nghệ An đang góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân ở Nghệ An đang góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Thu, nhằm đảm bảo cho hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn hoạt động ổn định, an toàn và phát triển bền vững, đúng mục tiêu, tôn chỉ... NHNN chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các quỹ tín dụng nhân dân, đặc biệt là đối với các đơn vị, các hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro và việc tuân thủ các tiêu chuẩn của phần mềm quỹ tín dụng nhân dân để đảm bảo ngăn ngừa rủi ro; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương để tìm kiếm nhân sự và kiện toàn nhân sự tại các quỹ tín dụng nhân dân; phối hợp với các NHTM để nghiên cứu xây dựng phương án hỗ trợ cho các quỹ gặp sự cố…

Trong khi đó, đối với các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn, cũng cần kịp thời rà soát các hoạt động; bổ sung các quy trình còn thiếu, đảm bảo nguyên tắc tất cả mọi hoạt động nghiệp vụ xảy ra tại quỹ đều có quy trình, quy định rõ ràng; tạm dừng các hoạt động nghiệp vụ khi chưa có quy trình quy định đối với hoạt động nghiệp vụ đó; khi tiếp nhận triển khai nghiệp vụ mới cần phải nghiên cứu xem xét nghiệp vụ đó đã được pháp luật cho phép triển khai hay chưa; cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, chi phí do nghiệp vụ đó mang lại; xây dựng văn hóa tuân thủ tại quỹ, tất cả mọi hoạt động đều phải tuân thủ và bám quy trình; phối hợp với công ty cung cấp phần mềm để đảm bảo cung cấp được các báo cáo cho CIC theo quy định mới của NHNN; thực hiện công tác báo cáo thống kê chính xác, đầy đủ, đúng quy định, đảm bảo số liệu trên báo cáo thống kê phản ánh chính xác hoạt động thực tế của đơn vị...

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nghe-an-nang-cao-chat-luong-quy-tin-dung-nhan-dan-153861.html