Nghệ An: Nhà ở cộng đồng bỏ không, nạn ăn xin tái diễn trên phố
Thời gian qua, người ăn xin, lang thang lại xuất hiện trên nhiều tuyến đường ở thành phố Vinh (Nghệ An) gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị. Trong khi đó, một căn nhà cộng đồng dành cho họ được xây dựng từ lâu lại không có người vào ở.
Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) lại tái diễn tình trạng người ăn xin, lang thang đứng ngồi tại các ngã tư, nút giao đèn tín hiệu để xin tiền. Vấn đề này không chỉ gây mất an toàn mà còn mất mỹ quan đô thị.
Theo ghi nhận của phóng viên, nơi xuất hiện nhiều người ăn xin nhất là tại các khu vực đèn tín hiệu, ngã tư đường như: vòng xuyến Hải Quan, đèn tín hiệu chợ Quang Trung, ngã ba Tam giác quỷ... Tại các khu chợ lớn, người ăn xin cũng xuất hiện nhiều như: chợ Vinh, chợ Hưng Dũng, chợ Quang Trung, chợ Đại học Vinh.
Ngoài ra, tại các cổng bệnh viện lớn như Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cũng luôn xuất hiện nhiều người ăn xin đứng, ngồi ngả nón xin tiền.
"Họ tập trung nhiều ở khu vực đèn tín hiệu. Mỗi khi phương tiện dừng đèn đỏ, họ lại ngả nón xin tiền nên nhiều người đi đường thấy thương lại cho tiền. Cứ thế họ ngồi từ sáng đến tối, ngày này qua ngày khác", anh Phạm Phương Nam làm nghề shiper giao hàng chia sẻ.
Không chỉ đứng ngồi ở các khu vực ngã tư, dọc đường lớn, những người lang thang còn "đổ bộ" vào các quán nhậu, quán cafe, quán cơm trên địa bàn để xin tiền hoặc bán kẹo, bán bút.
"Mới ngồi có một chút mà có đến 3 người lang thang vào, người thì mời chào mua bút, mua kẹo, người thì trình bày hoàn cảnh xin tiền, người thì xin thẳng ít nghìn để mua đồ ăn. Lần đầu thấy thương thì còn cho tiền, chứ ngày nào ngồi cũng gặp đến 4-5 người xin nên sau này tôi không cho nữa. Tình trạng này rất khó xử và khó chịu", anh Đông (trú xã Hưng Lộc) chia sẻ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Thanh Hà - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Vinh cho biết: "Hiện thành phố đã lập tổ công tác phối hợp với các địa phương xử lý tình trạng người ăn xin. Tuy nhiên việc xóa dứt điểm gặp nhiều khó khăn".
Trên thực tế, một số trường hợp người ăn xin được bàn giao cho chính quyền địa phương đều cam kết không đi ăn xin nữa, nhưng chỉ được vài hôm họ lại xuất hiện tiếp tục ăn xin ở thành phố Vinh. Chính quyền đến xóa điểm này họ lại di chuyển sang địa điểm khác. Một số được đưa vào các trung tâm thì thời gian ngắn lại bỏ ra ngoài tiếp tục đi ăn xin.
Ông Nguyễn Ngọc Dương - Phó Phòng LĐTBXH TP. Vinh - Tổ trưởng tổ xử lý tình trạng người ăn xin cho hay, vấn đề này khá nan giải vì đây là những đối tượng đặc thù nên phải có cách xử lý phù hợp, nhân văn, không thể xử phạt hành chính. Cách xử lý sẽ là khi phát hiện các đối tượng, đơn vị sẽ phối hợp phường đó xác minh địa chỉ bàn giao về cho địa phương. Nếu không có quê quán, không người chăm sóc sẽ đưa vào các Trung tâm bảo trợ xã hội.
Lãnh đạo Phòng LĐTBXH TP. Vinh cho biết thêm, sắp tới sẽ giao cho các phường, xã trên địa bàn thành lập các tổ công tác gồm cán bộ chính sách, cán bộ quy tắc đô thị tham gia kiểm soát những trường hợp ăn xin này.
Lãng phí nhà cho người ăn xin do không ai vào ở
Năm 2011, UBND thành phố Vinh có quyết định xây dựng một ngôi nhà cộng đồng để đưa người ăn xin, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn vào ở, quản lý.
Công trình này gồm một dãy nhà 1 tầng có diện tích 442m2 và các công trình phụ trợ. Công trình có tổng mức đầu tư gần 2,5 tỷ đồng.
Công trình được xây dựng trên một phần diện tích của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội thành phố Vinh, nay là Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện thành phố Vinh.
Một phía của dãy nhà cộng đồng giáp với khu nhà sản xuất trị liệu của cơ sở cai nghiện. 3 phía còn lại giáp với cánh đồng trồng lúa. Cổng vào nhà cộng đồng sử dụng chung cổng với Cơ sở cai nghiện tự nguyện.
Từ khi xây dựng đến nay, căn nhà này chưa đón được một người ăn xin, lang thang nào vào ở. Trải qua hơn chục năm xây dựng, hiện căn nhà đã xuống cấp. Do không có người ở, để lãng phí nên Trung tâm cai nghiện đã tận dụng để làm nơi chứa vật liệu sản xuất phục vụ dạy nghề cho các đối tượng của Trung tâm.
Ông Hồ Sỹ Dũng - Giám đốc Trung tâm Cai nghiện ma túy tự nguyện TP. Vinh cho biết, việc xây dựng căn nhà trên đất Trung tâm và bàn giao cho Trung tâm là bất hợp lý. “Nếu đưa người ăn xin, lang thang vào đây thì sẽ rất phức tạp, bởi chúng tôi không có nghiệp vụ, cơ sở vật chất cũng không đảm bảo. Những đối tượng này cũng không thể ép nhốt họ trong một khuôn viên”.
Ông Thái Thanh Hà - Trưởng phòng LĐTBXH TP. Vinh thừa nhận, việc đưa người ăn xin vào nhà ở cộng đồng là rất khó bởi đặc thù quản lý 2 đối tượng khác nhau. “Thành phố không có biên chế, kinh phí để quản lý các đối tượng này. Nếu đưa người ăn xin vào giao cho trung tâm cai nghiện thì không đúng với chức năng nhiệm vụ của họ”, ông Hà nói.