Nghệ An: Nhiều chính sách hỗ trợ dành cho sản phẩm OCOP

Tại Kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Nghệ An khóa XVII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã thông qua một số chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025.

Nhiều chính sách thiết thực

Theo đó, đối tượng áp dụng là các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất kinh doanh) tham gia thực hiện chương trình OCOP.

Sản phẩm tương Nam Anh - Nam Đàn (Nghệ An) từ khi được gắn 4 “sao” OCOP đã được khách hàng biết đến nhiều hơn

Sản phẩm tương Nam Anh - Nam Đàn (Nghệ An) từ khi được gắn 4 “sao” OCOP đã được khách hàng biết đến nhiều hơn

Tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị đổi mới công nghệ; mua bao bì, nhãn mác hàng hóa đóng gói sản phẩm; hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị bảo quản, trang trí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên theo Nghị quyết này là hỗ trợ sau đầu tư: Các cơ sở sản xuất kinh doanh tự huy động nguồn vốn để thực hiện, ngân sách Nhà nước hỗ trợ sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định đảm bảo các điều kiện hỗ trợ theo quy định.

Chính sách cũng chỉ hỗ trợ kinh phí một lần cho các cơ sở sản xuất kinh doanh có các sản phẩm tham gia chương trình OCOP đạt 3 sao trở lên, được công nhận theo quy định; riêng nội dung hỗ trợ bao bì nhãn mác và tiền thưởng được hỗ trợ thêm đối với mỗi lần nâng hạng.

Mỗi sản phẩm OCOP được chứng nhận 3 sao trở lên ngoài được hưởng các chính sách quy định tại Nghị quyết này còn được hưởng các chính sách khác của Nhà nước; trong trường hợp trong cùng một nội dung hỗ trợ có nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hỗ trợ theo một chính sách và được phép lựa chọn mức hỗ trợ đầu tư có lợi nhất…

Chính sách thực sự là động lực để nông thôn Nghệ An sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng, khai thác hiệu quả tiềm năng thế mạnh của nông thôn Nghệ An trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Chia sẻ của chủ thể cần hỗ trợ OCOP

Ông Võ Văn Đồng - Chủ nhiệm HTX Minh Sáng, xã Hùng Sơn (Anh Sơn - Nghệ An), vùng này có nhiều lợi thế về trồng chè, và gia đình ông có trên 4ha chè công nghiệp. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông Đồng thu hoạch trên 120 tấn chè búp tươi. Vùng nguyên liệu chè Hùng Sơn có khí hậu trong lành, được chăm sóc theo quy trình VietGAP rất thích hợp để xây dựng nên thương hiệu chè sạch. Phía JICA Nhật Bản cũng đã về tìm hiểu và có hướng đầu tư.

 Các sản phẩm đạt sao là sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao như cà gai leo Pù Mát, tảo xoắn Quỳnh Lưu...

Các sản phẩm đạt sao là sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao như cà gai leo Pù Mát, tảo xoắn Quỳnh Lưu...

Sau khi thương hiệu chè sạch được thị trường chấp nhận, ông Đồng với cách đi riêng, sản phẩm trà xanh Minh Sáng là niềm tự hào của vùng chè Hùng Sơn và của huyện Anh Sơn, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động. Năm 2020, UBND tỉnh Nghệ An công nhận cho sản phẩm trà xanh Minh Sáng đạt hạng 3 sao khi tham gia Chương trình OCOP năm 2019.

Hiện công ty đang hoàn thiện sản phẩm từ bao bì, mẫu mã, chất lượng theo đúng chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao để nâng giá trị gia tăng, cạnh tranh tốt trên thị trường, hướng tới xuất khẩu. Muốn đạt được mục tiêu đó thì cùng với sự nỗ lực của DN, chúng tôi cần sự hỗ trợ phía từ Nhà nước về chính sách hơn nữa. Mong muốn xây dựng được những mô hình sản xuất sạch trên đồng ruộng, nhằm tạo ra sản phẩm an toàn. Bên cạnh đó cần quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư mua sắm máy móc thiết bị như dây chuyền đóng gói, chế biến dầu hiện đại, để đáp ứng tiêu chí sản xuất an toàn thực phẩm và yêu cầu xuất khẩu”, ông Võ Văn Đồng biết thêm.

Trao đổi về tính thiết thực của chính sách hỗ trợ các sản phẩm nông thôn tiêu biểu, ông Phan Văn Diện - Giám đốc Công ty CP dược liệu Pù Mát nói: “Sản phẩm OCOP là sản phẩm do nông dân, HTX ở các làng quê sản xuất ra, đó là bộ phận có tiềm năng về nguyên liệu, đất… nhưng yếu về năng lực vốn, kinh nghiệm và nhất là thiếu về tính pháp lý khi đưa sản phẩm ra thị trường. Các sản phẩm khi đã đóng gói xuất bán phải đảm bảo các tiêu chí về nhãn mác, chất lượng, thương hiệu và các yêu cầu khác nên nông dân, HTX càng cần phải được hỗ trợ thời gian khởi nghiệp ban đầu, chưa kể việc đầu tư khoa học công nghệ cho sản phẩm rất tốn kém. Có một chính sách rất thiết thực nữa theo tôi là hỗ trợ các điểm giới thiệu bán hàng sản phẩm OCOP tại thành phố để người dân thành phố biết tới và sử dụng, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Một hỗ trợ quan trọng khác là công tác truyền thông cho sản phẩm”.

Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An - ông Lê Văn Lương - cho biết: Để giúp các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP là các hộ nông dân, các HTX mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thì chính sách hỗ trợ là cần thiết. Qua đó làm đòn bẩy, khuyến khích, kích cầu để sản xuất phát triển nhằm tăng về số lượng, chất lượng, chủng loại và gia tăng giá trị của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần duy trì và phát triển các sản phẩm truyền thống đồng thời tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-an-nhieu-chinh-sach-ho-tro-danh-cho-san-pham-ocop-149322.html