Nghệ An: nhiều thủy điện đồng loạt xả nước, tỉnh ra công điện phòng chống bão
UBND tỉnh Nghệ An vừa có công điện số 25/CĐ-UBND ngày 22/7, yêu cầu các sở, ngành, địa phương triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Tăng cường các biện pháp ứng phó
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT-TKCN và PTDS) tỉnh Nghệ An thông tin, trước diễn biến phức tạp của bão số 2, để bảo đảm công tác phòng chống mưa, bão, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn toàn tỉnh, đơn vị vừa có công điện khẩn với nội dung yêu cầu Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các cơ quan, đơn vị tiếp tục chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó bão, mưa lũ nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Rà soát, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết. Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Sẵn sàng lực lượng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều; hạn chế thiệt hại đối với nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và công trình hạ tầng cơ sở.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao phối hợp các địa phương, đơn vị chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu. Chỉ đạo điều tiết các hồ thủy lợi, thủy điện bảo đảm vận hành khoa học, an toàn tuyệt đối cho công trình, không để xảy ra lũ nhân tạo, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du, trong đó lưu ý phải thông báo sớm cho người dân trước khi vận hành xả lũ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, chỉ đạo các đơn vị liên quan và lực lượng đóng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện hỗ trợ sơ tán, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tổ chức cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả khi có yêu cầu của địa phương.
Sở Giao thông vận tải, chỉ đạo việc kiểm soát hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Chỉ đạo, phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành khơi thông dòng chảy, đảm bảo tiêu thoát lũ tại các công trình giao thông đang triển khai thi công; bảo đảm an toàn cho tàu thuyền vận tải hoạt động trên biển, vùng cửa sông, trên sông...
Thủy điện đồng loạt điều tiết xả nước trước mưa lũ
Thông tin từ Chi cục thủy lợi tỉnh Nghệ An cho biết, trong những ngày gần đây, trước diễn biến mưa lũ, nhiều thủy điện trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc vận hành điều tiết xả nước trước khi mưa lũ xảy ra.
Điển hình như, Công ty cổ phần Tổng công ty phát triển năng lượng Nghệ An dự kiến xả nước hồ chứa thủy điện Nậm Mô qua đập tràn lúc 09 giờ 30 phút, ngày 22/7/2024, với lưu lượng xả dự kiến khoảng 140m3/s đến 500m3/s (bao gồm xả qua các cửa van đập tràn và tổ máy phát điện).
Công ty cổ phần PRIME Quế Phong thông báo xả nước hồ chứa thủy điện Châu Thắng, thời gian dự kiến xả 02 giờ 30 phút ngày 22/7,ưu lượng xả từ 74m3/s đến 300m3/s (bao gồm lưu lượng xả qua cửa van và lưu lượng phát điện qua các tổ máy). Thời gian kết thúc xả cho đến khi hết ảnh hưởng của đợt mưa lớn gây nên.
Trước đó, ngày 21/7, nhà máy thủy điện Chi Khê cũng đã có thông báo dự kiến tăng lưu lượng điều tiết nước hồ chứa thủy điện Chi Khê. Thời gian dự kiến thay đổi lưu lượng xả: Từ 20 giờ 45 phút, ngày 21/7, lưu lượng xả qua các cửa van đập tràn và lưu lượng phát điện qua các tổ máy từ 506 m3/s đến 2.000 m3/s.
Nhà máy thủy điện Khe Bố dự kiến vận hành điều tiết nước hồ chứa thủy điện Khe Bố, thời gian dự kiến xả qua đập tràn lúc 19 giờ 50 phút, ngày 21/7. Với lưu lượng xả từ khoảng 500 m3/s đến 2000 m3/s (xả qua các tổ máy và qua đập tràn) và có thể thay đổi tùy thuộc vào lưu lượng nước về hồ. Thời gian kết thúc xả nước qua đập tràn cho đến khi lưu lượng nước về hồ nhỏ hơn lưu lượng phát điện qua các tổ máy.
Nhà máy thủy điện Sông Quang dự kiến vận hành điều tiết nước hồ chứa thủy điện Sông Quang vào lúc 21 giờ 30 phút, ngày 21/7, với lưu lượng xả từ khoảng 30 m3/s đến 150 m3/s (bao gồm lưu lượng xả qua cửa van, lưu lượng qua tràn và lưu lượng qua các tổ máy phát điện). Thời gian kết thúc xả nước qua đập tràn cho đến khi hết đợt mưa lũ.
Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, Sáng ngày 21 tháng 7 năm 2024, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông đã mạnh lên thành bão (cơn bão số 2 trong năm 2024). Hồi 7 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, trên khu vực đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10- 15km và đi vào vịnh Bắc Bộ.