Nghề 'ăn nhờ, ở đậu' ở Anh
Dù không được trả lương, những người trông nhà hộ vẫn hài lòng với công việc bởi tiền điện, nước và thực phẩm đều miễn phí.
Megan Gay và Sean Wood (đều 27 tuổi) vẫn xoay xở tốt khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang tàn phá cuộc sống và quỹ tiết kiệm của nhiều người ở Vương quốc Anh.
Tất cả nhờ công việc mới của họ: trông nom nhà của người khác toàn thời gian, theo The Guardian.
Khoảng 7 tháng trước, Gay và Wood quyết định rời London và lên đường. Với hành trang cá nhân, họ chuyển từ nhà này qua nhà khác khắp xứ sương mù. Họ dự định sống như vậy trong ít nhất một năm tiếp theo.
Nghề trông nhà, gồm chăm sóc tài sản và vật nuôi miễn phí khi chủ nhà đi vắng, không còn mới lạ ở Anh. Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch, xu hướng này bất ngờ bùng nổ.
Công việc không thu nhập
Khi phải đối mặt với thị trường nhà ở không ổn định, lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm và chi phí năng lượng, nhu yếu phẩm tăng vọt, ngày càng nhiều người chuyển sang “ở nhờ” nhà người lạ để tiết kiệm tiền.
“Ngày càng nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm một nơi ở mà họ đủ khả năng chi trả. Vì vậy, nghề trông nhà chắc chắn là giải pháp thay thế đáng mơ ước”, Nick Fuad, thuộc công ty House Sitters UK, nơi kết nối người trông nhà với chủ sở hữu, cho biết.
Số lượng người trông nhà trên website này đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước đại dịch. TrustedHousesitters, một nền tảng khác, báo cáo mức tăng trưởng 27% kể từ năm 2021 ở Anh.
Vì không phải trả bất cứ tiền thuê nhà hay hóa đơn tiện ích nào, Gay, một quản lý cấp cao ngành quảng cáo và tiếp thị, có thể tiết kiệm thu nhập đáng kể, trong khi bạn trai Wood thành lập doanh nghiệp riêng.
Hàng tháng, họ phải trả tiền xăng dầu và một số thực phẩm, cùng chi phí đăng ký thành viên 200 bảng/năm trên nền tảng TrustedHousesitters.
Tuy nhiên, con số này chẳng thấm vào đâu so với những gì Gay và Wood phải bỏ ra trước đây, gồm 2.000 bảng/tháng tiền thuê căn hộ ở phía nam London, hơn 200 bảng/tháng chi phí điện, nước, ga và 2.500 bảng/năm cho một chỗ đỗ xe.
Mỗi lần trông nhà sẽ kéo dài trung bình 1-2 tuần. Nhưng gần đây, số chủ nhà cần người chăm sóc bất động sản 3-5 tuần đang có dấu hiệu gia tăng.
Angela Laws (75 tuổi) và chồng nằm trong số những người đầu tiên đăng ký trông nhà cách đây 12 năm. Họ trông nom vô số căn nhà trên khắp thế giới, từ Scotland, Pháp, Australia, Mỹ cho tới Italy, Canada và vùng Caribbean.
“Công việc cho phép chúng tôi đi du lịch và làm nhiều thứ hơn những gì hai vợ chồng từng nghĩ tới với nguồn thu nhập hạn chế”, bà chia sẻ.
Trong 4 năm qua, bà Laws cũng làm việc với tư cách là nhà quản lý cộng đồng của TrustedHousesitters. Bà nghe nói rằng nhiều người thậm chí tiết kiệm được hơn 30.000 bảng Anh/năm sau vài năm “ở nhờ”. Số tiền này có thể đủ đặt cọc một ngôi nhà ở Anh.
Không ổn định
Khi mô hình làm việc từ xa nở rộ sau đại dịch, số lượng người du mục kỹ thuật số tăng vọt, đồng thời thúc đẩy nghề trông nhà phổ biến hơn.
Số chủ sở hữu cần trông nom bất động sản cũng gia tăng. Trên House Sitters UK, số chủ nhà tăng 400%. Trong năm nay, trang TrustedHousesitters ghi nhận 5.000 yêu cầu coi nhà mới được đăng tải mỗi ngày.
Nhìn chung, nghề trông nhà hoạt động dựa trên sự trao đổi giá trị nhiều hơn là tiền mặt.
Chủ sở hữu bất động sản không trả tiền cho người được thuê. Thay vào đó, chủ nhà sẽ cung cấp chỗ ở miễn phí, hệ thống sưởi và đôi khi là thức ăn, đổi lại người trông nhà sẽ chăm sóc bất động sản và vật nuôi cho họ.
Đương nhiên, lối sống này tồn tại những hạn chế nhất định. Nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm chỗ trú tạm thời giữa các cuộc hẹn trông nhà. Họ sẽ phải ngủ nhờ trên sofa nhà bạn bè, họ hàng vài ngày, thậm chí vài tuần.
Điều này khiến những người không có mạng lưới an sinh xã hội khó có thể theo đuổi nghề “ở nhờ”. Hơn nữa, dù số lượng không nhiều, tình trạng chủ nhà hoặc người trông nhà gặp rủi ro trong quá trình làm việc có tồn tại.
Corinne Harrison và người bạn đời Jack (đều 30 tuổi) bắt đầu công việc trông nhà từ đầu năm nay.
Trong 6 tháng qua, họ đã ghé qua 11 ngôi nhà đủ kiểu loại, từ ngôi nhà nhỏ ngoại ô xứ Wales, căn hộ sang trọng ở khu Notting Hill (London, Anh) cho đến biệt thự liền kề tại Tây Ban Nha.
Ban đầu, cô và bạn trai nhận hợp đồng ngắn hạn, kéo dài khoảng 1 tuần. Nhưng dần dần, họ nhanh chóng nhận ra thách thức bởi đôi khi rất khó để di chuyển giữa các điểm hẹn một cách hợp lý. Hiện cô chỉ muốn tìm chủ nhà nào cần trông nhà lâu dài.
“Mặt khác, nghề trông nhà là cơ hội để chúng tôi thoát khỏi guồng quay thuê nhà - làm việc - mua sắm. Nỗi lo về tiền bạc vốn tồn tại từ trước khi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt diễn ra. Cách duy nhất để chúng tôi vừa sống cùng nhau, vừa tiết kiệm tiền là biến mình thành vô gia cư, rồi sống trong nhà người khác”, Harrison nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nghe-an-nho-o-dau-o-anh-post1377573.html