Nghệ An: Phấn đấu đến 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4 tỷ USD
UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 481/QĐ-UBND về việc ban hành Đề án 'Phát triển xuất khẩu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025'.
Theo đó, Đề án đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 4 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2025 đạt 27,2%/năm. Tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến từ 83,6%/năm 2020 lên 90,4%/năm 2025; giảm tỷ trọng hàng khoáng sản và nhiên liệu từ 7,68%/năm 2020 xuống 3,82%/năm 2025. Thu ngân sách từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu giai đoạn 2021 – 2025 đạt từ 7.700 tỷ đồng.
Cụ thể, định hướng phát triển sản phẩm xuất khẩu giai đoạn 2021 – 2025 gồm:
Nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo là nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các khu, cụm công nghiệp. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của nhóm này gồm có hàng dệt may, da giày, gỗ và sản phẩm gỗ, vật liệu xây dựng, linh kiện điện tử, hoa quả chế biến, hạt nhựa, bao bì...
Nhóm nông, lâm, thủy sản là mặt hàng có vị trí quan trọng trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh góp phần chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Định hướng chung cho các mặt hàng này là khai thác lợi thế để gia tăng sản lượng nông, lâm, thủy sản; chuyển dịch cơ cấu theo hướng chế biến sâu, phát triển ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, thực hiện nông nghiệp xanh, sản phẩm sạch, có sức canh tranh và vượt qua rào cản của các nước nhập khẩu.
Nhóm khoáng sản và nhiên liệu dự báo có xu hướng ngày cảng giảm trong tỷ trọng xuất khẩu của tỉnh. Tăng cường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng thủ công mỹ nghệ tham gia đầu tư, quản lý và trực tiếp khai thác cùng nguyên liệu, đồng thời hỗ trợ sản xuất và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm làng nghề, sản phẩm truyền thống riêng biệt, giàu bản sắc văn hóa, một số sản phẩm OCOP 5 sao...
Thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu rà soát một số mặt hàng hiện tại chưa có kim ngạch hoặc kim ngạch xuất khẩu thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao như linh kiện ôtô, công nghệ thông tin và viễn thông... từ đó, có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo ra sự đột phá trong phát triển và chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh vào những năm cuối giai đoạn 2021 – 2025, nhất là giai đoạn 2026 – 2030.
Về định hướng phát triển thị trường, giai đoạn 2021 – 2025, cần đổi mới tư duy phát triển thị trường xuất khẩu; tìm hiểu khó khăn, vướng mắc để vượt rào cản thương mại; đa dạng hóa, không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường cụ thể trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các FTA đã ký kết để thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường truyền thống và các thị trường mục tiêu.
Trong giai đoạn này, củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng quy mô của các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu; phát triển số lượng, thành phần doanh nghiệp tham gia xuất khẩu, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI; ưu tiên phát triển doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước, trong tỉnh liên kết người nông dân tạo sản phẩm xuất khẩu trong lĩnh vực nông sản.
Đặc biệt, để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Nghệ An đã đưa ra các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu trong giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể: Tạo nguồn hàng xuất khẩu; nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến xuất khẩu. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu. Phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ xuất khẩu. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan xây dựng cơ chế liên kết tiêu thụ trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư, xây dựng Cảng Cửa Lò đảm bảo cho tàu có trọng tải lớn có thể vào khai thác; nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến vận tải hàng hóa quốc tế và dịch vụ logistics qua Cảng Cửa Lò, Đông Hồi. Xây dựng cơ chế chính sách thí điểm về tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm xây dựng vùng nông nghiệp chuyên canh lớn, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất, chế biến nông nghiệp; xây dựng cơ chế liên kết trong sản xuất nông lâm thủy sản theo hướng tăng cường liên kết chặt chẽ giữa hộ sản xuất, đại lý gom với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo giá cả thu mua và đầu vào, khả năng thực hiện hợp đồng xuất khẩu của các doanh nghiệp; rà soát đội tàu đánh bắt thủy sản, góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với xuất khẩu thủy sản Việt Nam; hướng dẫn và triển khai có hiệu quả chứng chỉ rừng (FSC).
Đồng thời, thực hiện tốt các nhiệm vụ về xúc tiến đầu tư tạo lập nguồn hàng, phát triển hạ tầng xuất nhập khẩu; thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu; nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất khẩu nhập khẩu.