Nghệ An: Phát động phong trào 'Nhà tôi có bình chữa cháy' trong toàn tỉnh
UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 6368/UBND-NC ngày 2/8 về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đồng thời phát động phong trào 'Nhà tôi có bình chữa cháy' trong toàn tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với khu dân cư hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, không để xảy ra vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục bám sát và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 01/02/2023 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy trong tình hình mới; định kỳ thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo đúng quy định.
Đồng thời, tổ chức phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và toàn thể Nhân dân trên địa bàn; trong đó, yêu cầu nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong cơ quan, đơn vị gương mẫu đi đầu trong thực hiện việc tự trang bị bình chữa cháy tại hộ gia đình mình sinh sống; phấn đấu đến 30/9/2023, 100% hộ gia đình cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang trong hệ thống cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh có bình chữa cháy. Ngoài ra, chủ động huy động nguồn lực, xã hội hóa việc trang bị bình chữa cháy và phối hợp với các các địa phương tổ chức cấp phát đến các hộ gia đình còn khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn.
UBND tỉnh Nghệ An giao Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tham mưu UBND các cấp tiếp tục chỉ đạo rà soát, nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy, Điểm chữa cháy công cộng (nhất là các địa phương tập trung đông dân cư, nhiều nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh như thành phố Vinh, thị xã Hoàng Mai; các huyện: Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Thanh Chương...). Việc xây dựng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và Điểm chữa cháy công cộng phải đảm bảo thiết thực, giúp người dân hiểu, nắm rõ ý nghĩa, mục đích, nắm vững tính năng, tác dụng của các thiết bị phòng cháy chữa cháy được lắp đặt để trang bị đúng, đầy đủ theo hướng dẫn của Bộ Công an.
Chỉ đạo lực lượng Công an cấp huyện, cấp xã tiếp tục tham mưu UBND cùng cấp tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy theo quy định; đồng thời, triển khai đồng bộ, hiệu quả các phong trào toàn dân phòng cháy chữa cháy trên địa bàn vững mạnh theo phương châm “4 tại chỗ”. Thực hiện thường xuyên, hiệu quả việc huy động các nguồn lực, xã hội hóa việc mua sắm bình chữa cháy để trang cấp cho các hộ gia đình khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn (trước mắt triển khai thực hiện đối với địa bàn thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc, huyện Đô Lương...), góp phần thúc đẩy phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” và nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”…
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh phối hợp tổ chức phát động phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” và nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong cơ quan, đơn vị, gương mẫu đi đầu trong thực hiện việc tự trang bị bình chữa cháy tại hộ gia đình mình sinh sống.
UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành, thị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong công tác phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ tại địa bàn theo phân công, phân cấp; gắn chặt trách nhiệm của các đơn vị, địa phương liên quan trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm thực hiện có chất lượng, đúng tiến độ được giao.
Trong đó, chỉ đạo UBND cấp xã đưa nội dung hưởng ứng phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” vào tiêu chí xét chọn Gia đình văn hóa năm 2023 tại khu dân cư để tạo không khí thi đua sôi nổi giữa các hộ gia đình. Căn cứ điều kiện thực tế để có cơ chế phân bổ, bảo đảm nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước, nguồn xã hội hóa trên địa bàn để thực hiện phong trào như “cấp phát bình chữa cháy cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ theo quy định. Tiếp tục nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo 100% nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa dễ cháy, nổ và liền kề nhau trên địa bàn phải tham gia Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy; hoàn thành trước ngày 30/9/2023. Rà soát các ngõ, hẻm tập trung đông dân cư có chiều dài từ 50m trở lên mà xe chữa cháy không tiếp cận được theo địa bàn khu dân cư để tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”. Thành lập, kiện toàn lực lượng dân phòng tại 100% khu dân cư trên địa bàn quản lý; đồng thời, trang bị phương tiện, dụng cụ và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho lực lượng này để đáp ứng yêu cầu công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ…