Nghệ An: Tạm đình chỉ giáo viên quản lý lớp vụ trẻ mầm non bị đánh

Ngày 9-10, Phòng GD-ĐT Nghĩa Đàn (Nghệ An) cho hay, đã giao Hiệu trưởng Trường mầm non Nghĩa Lộc tạm đình chỉ một giáo viên quản lý lớp thời điểm xảy ra sự việc. Cụ thể, trường đã quyết định tạm dừng công tác đối với cô giáo Đào Thị Soa (1986, giáo viên lớp 3 tuổi C1). Mặc dù cô Soa không phải là giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lớp 5 tuổi A2 - nơi xảy ra việc trẻ bị đánh, nhưng vào thời điểm đó, cô tạm thời được nhà trường giao nhiệm vụ quản lý lớp này.

Vết thương gây bầm tím chân của một bé gái 5 tuổi.

Vết thương gây bầm tím chân của một bé gái 5 tuổi.

Trước đó, chiều 7-10, Trường mầm non Nghĩa Lộc phân công cô Trần Quỳnh Mai (GVCN lớp 5 tuổi A2) cập nhật thông tin nhà trường lên cơ sở dữ liệu tại phòng y tế và cô Lê Thị Ly (giáo viên phụ trách (GVPT) lớp 5 tuổi A2) đến phòng khác chuẩn bị nội dung bài soạn, đồ dùng để tham gia hội thảo chuyên môn trường, cụm trường theo kế hoạch của Phòng GD-ĐT. Vì vậy, nhà trường bố trí cô Soa sang quản lý lớp 5 tuổi A2 trong thời gian 2 cô giáo trên đi làm nhiệm vụ khác. Tuy nhiên, cô này đã ra ngoài và giao cho bé lớp trưởng trông coi. Bạn nữ này đã dùng một ống nhựa đồ chơi để đánh 6 bạn gây thương tích (bầm tím) nhiều mức độ trên cơ thể. Đến cuối buổi khi trả trẻ thì GVCN mới phát hiện. Theo các phụ huynh, sau khi phát hiện con mình bị đánh, họ đã phản ánh lên cô giáo nhưng chưa nhận được sự phản hồi. Sự việc sau đó được tung lên mạng xã hội.

Tối 8-10, Trường MN Nghĩa Lộc đã họp với phụ huynh, GV trong trường và quyết định tạm dừng công tác đối với GV quản lý lớp học Đào Thị Soa; đồng thời đang xem xét để điều chuyển GV này sang công việc khác phù hợp. Trong đêm, nhà trường đã đến từng gia đình có trẻ bị đánh để trao đổi, xin nhận trách nhiệm với phụ huynh.

Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Trưởng Phòng GD-ĐT Nghĩa Đàn, sự việc xảy ra là trách nhiệm của cán bộ quản lý, GV nhà trường trong công tác quản lý, giáo dục chăm sóc trẻ. Nhà trường không kịp thời báo cáo Phòng GD-ĐT khi xảy ra sự việc. Bước đầu có thể xác định, để xảy ra việc 6 trẻ 5 tuổi bị đánh trong nhà trường là vi phạm nội quy, quy chế chuyên môn, vi phạm về trách nhiệm trong công tác quản lý nhà trường, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của trẻ; gây bức xúc trong phụ huynh và tạo dư luận không tốt. Sau sự việc này, ngoài việc yêu cầu những người có liên quan viết tường trình, Phòng GD-ĐT huyện chỉ đạo nhà trường cần trực tiếp gặp gỡ, trao đổi phụ huynh; phối hợp chính quyền địa phương ổn định tình hình trong nhà trường, coi trọng công tác bảo đảm an toàn cho trẻ.

Dương Hóa

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nghe-an-tam-dinh-chi-giao-vien-quan-ly-lop-vu-tre-mam-non-bi-danh-post302582.html