Nghệ An tạm dừng liên kết đào tạo kỹ năng sống trong trường học

Đây là thông tin được lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An đưa ra tại Hội nghị triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh, kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh vào chiều 15/9.

Hội nghị triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh, kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023.

Hội nghị triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh, kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2023.

Phát biểu tại hội nghị, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ, giáo dục kỹ năng sống (KNS) trong nhà trường là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An tháng 7/2023. Thực hiện kết luận của HĐND tỉnh Nghệ An, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các phòng chức năng xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục KNS trong nhà trường. Vì vậy, thời gian này, Sở quyết định tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy KNS trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy KNS và tổ chức triển khai khi đầy đủ điều kiện, đảm bảo quy định. Việc dạy KNS cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm...

Hội nghị triển khai chương trình tăng cường tiếng Anh, kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An được tổ chức trong tình hình dư luận xã hội đang có nhiều ý kiến trái chiều về nội dung này trên cả nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Văn Khoa cho biết: Ngoài những kết quả đạt được đáng trân trọng, biểu dương, thực tế cho thấy vẫn tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt tại các trung tâm giáo dục KNS. Qua công tác quản lý, Sở nắm bắt được thời gian qua một số trung tâm KNS trên địa bàn Nghệ An đã có hiện tượng “tranh giành thị trường” không lành mạnh.

“Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận lại. Chúng ta làm giáo dục thì phải có văn hóa giáo dục. Cạnh tranh cần lành mạnh, chất lượng, không phải bằng chiêu trò. Từ nay trung tâm nào không chấp hành nghiêm quy định, còn hiện tượng dùng “mọi cách” để tranh giành thị trường, Sở sẽ kiên quyết xử lý”, ông Khoa phát biểu.

Thông tin thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Khoa - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết, nội dung liên kết đào tạo KNS đã được đưa vào giảng dạy tại rất nhiều trường học trong cả nước. Đây là chủ trương được Bộ GD&ĐT hướng dẫn tại Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Ban hành Quy định quản lý hoạt động giáo dục KNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; được Chính phủ quy định tại Nghị định 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Theo đó, tại khoản 2, Điều 6 Nghị định 24 nêu: “Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật”.

Tỉnh Nghệ An bắt đầu thực hiện chủ trương đưa giáo dục KNS vào giảng dạy trong các nhà trường trong vài năm gần đây. Bước đầu triển khai chương trình đã ghi nhận một số kết quả tích cực như góp phần nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, rèn luyện cho học sinh một số kỹ năng cần thiết: ứng xử văn hóa, làm việc nhóm, rèn luyện sức khỏe, phòng chống tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, đuối nước; chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực học đường… Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho người học.

Tuy nhiên, thực tiễn triển khai nội dung này còn nhiều bất cập. Các khoản thu, chi chưa minh bạch khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Cụ thể: Việc tổ chức dạy KNS theo hình thức liên kết giữa cơ sở giáo dục với các trung tâm cần huy động xã hội hóa để thực hiện (học sinh tham gia trên tinh thần tự nguyện và được sự đồng ý của phụ huynh). Khi tổ chức, trung tâm - nhà trường - phụ huynh cùng họp với nhau và thống nhất về các khoản thu, chi; mức thu thực hiện theo Nghị quyết số 31/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Nghệ An quy định mức thu tối đa các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập; mức thu dịch vụ tuyển sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Cơ sở vật chất nhiều đơn vị giáo dục KNS, cơ sở giáo dục chưa phù hợp, thiếu không gian cho hoạt động ngoài trời, sân chơi, khu trải nghiệm… Việc tái đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học kỹ năng sống từ nguồn thu chưa được quan tâm thỏa đáng; Một số trung tâm không đủ giáo viên cơ hữu để giảng dạy, làm nòng cốt hướng dẫn, tư vấn trợ giúp các giáo viên khác do trung tâm hợp đồng để dạy. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy kỹ năng sống chưa được chú trọng; Công tác tuyên truyền, phối hợp giữa nhà trường - gia đình - trung tâm chưa tốt, chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh cũng như dư luận xã hội...

Đại diện các trung tâm đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sống tham dự Hội nghị.

Đại diện các trung tâm đào tạo tiếng Anh và kỹ năng sống tham dự Hội nghị.

Từ thực tiễn đó, tới đây Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ ban hành công văn về hướng dẫn liên kết tổ chức hoạt động giáo dục KNS trong các cơ sở giáo dục, cụ thể hơn các nội dung trong Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; nêu rõ các nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn của trung tâm, cơ sở giáo dục, quy trình triển khai thực hiện. Đặc biệt là điều kiện tiêu chuẩn về giáo trình, tài liệu, đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, huấn luyện viên.

Hiện Sở GD&ĐT Nghệ An đã chỉ đạo tạm thời dừng liên kết tổ chức dạy KNS trong nhà trường. Khi nào các trung tâm KNS đảm bảo yêu cầu theo công văn hướng dẫn trên, Sở mới thẩm định cho phép triển khai thực hiện vào nhà trường theo đúng quy trình hướng dẫn.

Tỉnh Nghệ An hiện có 152 đơn vị hoạt động giáo dục KNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa đã được Sở GD&ĐT cấp giấy phép. Tính đến tháng 9/2023, có 18 trung tâm có chương trình được Sở GD&ĐT thẩm định đủ điều kiện dạy trong các cơ sở giáo dục.

Nội dung hoạt động giáo dục KNS và giáo dục ngoài giờ chính khóa được thực hiện theo Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Ban hành Quy định quản lý hoạt động giáo dục KNS và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Trong năm học 2022-2023 vừa qua, các trung tâm giáo dục KNS trên địa bàn Nghệ An đã tổ chức được hơn 4.000 lớp học với gần 80.000 học viên, trong đó có hơn 63.000 học viên ở các lớp học và hơn 16.000 học viên học tại các trung tâm.

Thực hiện công tác quản lý, Sở GD&ĐT Nghệ An đã thành lập các đoàn kiểm tra phối hợp giữa các phòng ban chuyên môn, liên ngành, xử lý nghiêm khắc các đơn vị khi có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động. Năm học 2022-2023, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản xử lý 4/13 đơn vị kiểm tra tại TP Vinh do hoạt động có nội dung ngoài cấp phép.

Tuyết Lan

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nghe-an-tam-dung-lien-ket-dao-tao-ky-nang-song-trong-truong-hoc-post488343.html