Nghệ An: Trại lợn không phép bị đình chỉ bằng 'miệng'
Theo thông tin phản ánh của người dân xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, thời gian qua, trang trại bò gây ô nhiễm nằm trong nông trường thuộc quản lý của Cty TNHH MTV Cà phê cao su Nghệ An trước đây bây giờ đã biến thành trang trại nuôi lợn của gia đình bà Đỗ Thị Thanh. Điều đáng nói ở đây là trang trại 'mọc' lên trong khuôn viên của nông trường mà không một cơ quan chính quyền nào hay biết?
Một góc trang trại của gia đình ông Hòe nhìn từ trên xuống.
Ông H - người dân xóm Hưng Thành, thị xã Tây Hiếu cho hay: “Trước đây, diện tích nơi này được quy hoạch trang trại nuôi bò nhưng trong thời gian hoạt động gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống của người dân chúng tôi. Sau nhiều lần kiến nghị phản ánh trang trại bò bị dẹp bỏ, nhưng không biết từ đâu lại xuất hiện chuồng trại chuẩn bị nuôi lợn. Nguy cơ ô nhiễm tái diễn có thể lại còn kinh khủng hơn trước nữa”.
Bên trong chuồng trại đã được hoàn thiện.
Trước phản ánh của người dân, UBND thị xã Thái Hòa đã triệu tập cuộc họp giữa các bên liên quan để làm rõ sự việc. Qua đó, cơ quan chức năng thị xã Thái Hòa xác định do trang trại chưa có bất cứ một giấy tờ thủ tục nào như: Giao đất, giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường... nên tạm đình chỉ công trình này cho đến khi có đầy đủ giấy tờ hợp lệ.
Ông Phạm Thế Dũng - Phó trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường thị xã Thái Hòa cho hay: “Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo xuống cho xã kiểm tra và báo cáo lên thị xã. Hiện đã cho đình chỉ bằng miệng, bắt họ tháo dỡ những phần đã xây dựng lên”.
Những chuồng nuôi lợn đã được tháo dỡ khi bị đình chỉ.
Trao đổi với ông Phan Văn Ngân - Phó Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê cao su Nghệ An được biết: “Năm 2006, Cty sữa Vinamilk có xin chủ trương Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, UBND tỉnh để nuôi thử nghiệm bò với tổng diện tích 5,8ha (trong đó 0,4ha để xây dựng chuồng trại). Diện tích 7.600m2 tại đội 3/2 thuộc đất nông trường quản lý trước đây thuộc quy hoạch chăn nuôi bò sữa, trong quá trình hoạt động gây ô nhiễm môi trường nên đã bị dừng lại. Đất giao khoán đó để nông dân trồng cỏ nhưng phía gia đình ông Hòe (chồng bà Thanh - PV) đã tự ý xây dựng trại lợn. Khi phát hiện sự việc, Cty chúng tôi đã lập biên bản đình chỉ xây dựng. Giám đốc cũ cũng bị kỷ luật”.
Kết luận của UBND thị xã về trang trại không phép.
Thiết nghĩ, một trang trại xây dựng với diện tích lớn như vậy tồn tại cả năm trời mà không cơ quan, chính quyền nào hay biết thì trách nhiệm quản lý Nhà nước cấp xã và cấp thị có quá buông lỏng? Câu hỏi trên xin chuyển tới các cấp chính quyền địa phương sở tại.