Nghệ An: Trên trồng chanh leo, dưới nuôi gà đen, dân bản Mông vùng biên thoát nghèo ngoạn mục
Từ một bản nghèo nhất huyện, những năm gần đây bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã vươn mình, dần thoát nghèo một cách ngoạn mục nhờ trồng cây chanh leo trên những vùng 'đất chết', trơ cằn sỏi đá...
Bản Huồi Cọ nằm trên độ cao cách 1.300m so với mặt nước biển, là bản biên giới vùng sâu vùng xa thuộc xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương (Nghệ An). Bản Huồi Cọ là bản có 100% là đồng bào người dân tộc Mông sinh sống; với 53 hộ và 322 nhân khẩu, tổng diện tích đất tự nhiên: 2.026,6 ha, có chiều dài đường biên giới giáp với nước bạn Lào 4 km.
Lãnh đạo huyện Tương Dương cùng đồng bào người dân tộc Mông bên vườn chanh leo của gia đình minh.
Những năm trước đây, đường sá đi lại vào bản rất khó khăn, cuộc sống của đồng bào Mông ở bản Huồi Cọ thường xuyên gặp khó khăn thiếu thốn do tập quán canh tác cũ, hiệu quả kinh tế đem lại không cao.
Thế nhưng vài năm trở lại đây, người dân bản Huồi Cọ đã có những đổi thay trong cách nghĩ, đột phá trong cách làm. Đặc biệt, từ năm 2017 khi bản được cấp ủy, chính quyền huyện hỗ trợ trồng cây chanh leo trên diện tích 15,68 ha, với 26 hộ tham gia bằng nguồn kinh phí từ chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc miền núi phát triển sản xuất thì đời sống bà con đã được cải thiện rõ rệt.
Cây chanh leo bén duyên trên vùng đất chết Huồi Cọ.
Thời điểm đầu, công tác tuyên truyền vận động người dân gặp nhiều khó khăn vì tâm lý của bà con còn e ngại, chưa biết cây chanh leo hiệu quả thế nào, trồng xong bán cho ai, hơn nữa tư duy sản xuất nhỏ lẻ manh mún đã bám sâu vào tâm lý người dân nơi đây.
Thế nhưng, hiệu quả từ mô hình thí điểm trồng cây chanh leo mang lại đã phá vỡ những nghi ngại ấy. Đến thời điểm này, nhà nào cũng thạo kỹ thuật trồng cây chanh leo.
Từ nguyện vọng của người dân và dưới định hướng của lãnh đạo huyện, cũng trong năm 2017, HTX nông nghiệp Huồi Cọ được thành lập đánh dấu một mốc phát triển mới cho bản người Mông vùng biên giới.
Người dân tộc Mông ở bản Huồi Cọ thoát nghèo nhờ cây chanh leo.
Diện tích trồng cây chanh leo theo đó không ngừng được mở rộng. Năm 2018, HTX trồng thêm 26,88 ha với 28 hộ thực hiện; đến năm 2019 đã trồng được 22,96 ha, nâng tổng diện tích trồng chanh leo lên 65,52 ha.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Và Gà Sua - Giám đốc HTX nông nghiệp Huồi Cọ cho hay: "Khi có HTX đứng ra làm "bà đỡ", nhân dân đã tổ chức thực hiện sản xuất một cách đồng bộ: Từ khâu làm đất cho đến chăm bón và thu hoạch đối với cây chanh leo nói riêng và các loại cây nông nghiệp khác nói chung".
Hiện nay, ngoài chanh leo, diện tích các loại cây nông nghiệp khác cũng được mở rộng thêm: Lúa nước gieo trồng vụ xuân thực hiện được 3,3 ha, diện tích ngô đạt 5ha, sắn thực hiện được 6,8ha; rau, đậu các loại 1,5ha, diện tích trồng gừng khoảng 3ha, dưa 5ha, khoai sọ 1,3ha...
Từ một bản nghèo vùng biên giới khó khăn, nhờ trồng cây chanh leo mà người dân Huồi Cọ thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
"Nhờ đó, việc sản xuất của bà con đã mang lại hiệu quả kinh tế một cách rõ nét. Bên cạnh đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Huồi Cọ còn đứng ra làm đầu mối liên hệ với các công ty bên ngoài để thu mua chanh leo nói riêng và các mặt hàng nông sản do nhân dân sản xuất được" - ông Sua nói thêm.
Hiện nay, mô hình mà Hợp tác xã đang thực hiện đó là trồng dưa chuột Mông xen chanh leo, nuôi gà đen. Năm đầu trồng chanh leo, các hộ trồng xen dưa Mông, đến khi thu hoạch dưa Mông xong thì cũng là lúc chanh leo phủ gần kín giàn.
Lúc này, bà con lại tiến hành thả gà đen dưới vườn chanh leo. Nhờ vậy, kết quả thu được trên diện tích trồng chanh leo cao hơn nhiều so với các mô hình trồng trọt khác. Trừ các khoản chi phí, trung bình mỗi năm Hợp tác xã thu lãi từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Ngoài mô hình trên trồng chanh leo, dưới nuôi gà đen, bà con nhân dân ở Huồi Cọ còn tận dụng lợi thế về địa hình, nguồn thức ăn để nuôi trâu, bò, ngựa, gia cầm... Hiện tổng đàn gia súc tại bản biên giới vùng sâu vùng xa này đã đạt 634 con. Nhờ vậy, cuộc sống người dân trong bản ngày càng no ấm, đủ đầy hơn.
Kinh tế phát triển nên phong trào xây dựng nông thôn mới ở Huồi Cọ cũng có sức lan tỏa. Bản đã tổ chức vận động nhân dân tham gia chiến dịch làm đường giao thông hàng năm từ bản Xói Voi về đến Huồi Cọ có chiều dài 3,2 km, vệ sinh làng bản, cảnh quan sạch sẽ, chuẩn bị cho xây dựng Huồi Cọ thành khu du lịch cộng đồng. Công tác quốc phòng, an ninh vùng biên cũng được đảm bảo, nhân dân trong bản không di dịch cư tự do, ổn định cuộc sống...
Vui mừng vì bản nghèo Huồi Cọ làm giàu nhờ trồng cây chanh leo.
Đời sống vật chất tinh thần của bà con được nâng lên, không còn phải lo nhiều đến cái ăn, cái mặc nên việc học tập của con em Huồi Cọ cũng được quan tâm hơn. Hiện nay, toàn bản có 91 học sinh, sinh viên trong đó có 2 em học đại học, 5 em học cao đẳng. Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng toàn bản là 15 em.
Các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục - thể thao được duy trì. Công tác bảo tồn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông được người dân trong bản nghiêm túc thực hiện; tỷ lệ sinh con thứ 3, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ngày càng giảm.
Từ một bản vùng biên nhiều khó khăn với hơn 80% số hộ thuộc diện hộ nghèo, hiện Huồi Cọ chỉ còn 15% hộ nghèo, dự kiến đến cuối năm 2025, bản sẽ không còn hộ nghèo và đạt chuẩn nông thôn mới.
Nhờ sớm đổi thay nếp nghĩ, nếp làm, biết dân vận khéo để vận động nhân dân phát huy hiệu quả những chủ trương, chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương, Huồi Cọ hôm nay đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng biên giới.